Chuyên mục  


Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/11, cổ phiếu VEF của Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (mã CK: VEF, UpCoM) tăng 7,16% lên 258.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng tới 17.300 đồng trong phiên hôm nay. Vốn hoá của VEF đã chính thức vượt 40.700 tỷ đồng. 

Hơn một tháng qua, VEF có đà tăng vô cùng ấn tượng, từ mức 131.900 đồng/cổ phiếu ngày 1/10 đến nay đã lên tới xấp xỉ 260.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng tới 97%. Thanh khoản của cổ phiếu tăng đáng kể lên mức hàng trăm ngàn đơn vị mỗi phiên.

Biến động VEF thời gian gần đây

Với đà tăng ấn tượng này, VEF đã trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam. VEF đã vượt qua thị giá của VCF (255.000 đồng/cổ phiếu) của Công ty cổ phần VinaCafe Biên Hoà vào hôm nay để trở thành quán quân thị giá mới của sàn chứng khoán.

Trước đó "ông lớn" cà phê này luôn giữ vị trí quán quân thị giá trên tam sàn sau khi Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) đánh mất vị trí này do giá cổ phiếu lao dốc từ mức đỉnh gần 290.000 đồng/cổ hiếu xuống mức 174.500 đồng/cổ phiếu chốt phiên 2/11.

Top 5 cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán tính đến 2/11/2021 gồm VEF giá 258.900 đồng, VCF giá 255.000 đồng, THD giá 235.500 đồng, WCS giá 199.000 đồng, GAB giá 196.000 đồng.

Trong rổ cổ phiếu thị giá lớn này có GAB chỉ số PE cao ngất ngưởng 1.839.

Ngoài ra, một số cổ phiếu khác cũng thị giá tương đối cao như RAL, NTC, CMF…

Theo kết quả kinh doanh quý 3/2021 được công bố, VEF có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy doanh thu trong quý 3 chỉ vỏn vẹn 247 triệu đồng nhưng doanh thu tài chính tăng gấp đôi đạt 116 tỷ đồng đã đẩy lợi nhuận của VEF lên mức 89 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng năm 2021, doanh thu của VEF chỉ 2,7 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính vượt 288 tỷ đồng, do đó VEF vẫn lãi 218 tỷ đồng, so với mức 85 tỷ của cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/9/2021, VEF có tổng tài sản 8.293 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 6.909 tỷ đồng hồi đầu năm. Lý do của việc tăng tài sản này là do trong kỳ công ty đã thực hiện một khoản vay nợ dài hạn 1.156 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính để VEF có một con sóng dài như vậy. Nhà đầu tư kỳ vọng vào các dự án "khủng" mà VEF đã và sắp triển khai với quỹ đất lớn: Dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia; Dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh (Hà Nội), Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long…

Mới đây nhất, Hội đồng quản trị VEF đã đã thông qua điều chỉnh phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Theo phương án tăng vốn đầu năm 2021, VEF dự kiến tăng vốn từ 1.666 tỷ đồng lên 9.1964 tỷ đồng bằng việc phát hành 753 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán rất ưu đãi, chỉ 10.000 đồng trong khi giá trên thị trường gấp tới hơn chục lần. Tỷ lệ phát hành 1:4,52, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có quyền được mua 4,52 cổ phiếu mới.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, quá trình chào bán cổ phiếu vẫn chưa diễn ra, chỉ có phương án sử dụng được thay đổi khi 1.197 tỷ đồng trong đợt chào bán dự kiến được dùng cho dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long đã chuyển sang mục đích triển khai thực hiện cho 2 dự án gồm dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc Gia và Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại Hà Nội.

VEF được sở hữu chi phối bởi Vingroup với gần 88% vốn điều lệ, song Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vẫn sở hữu 10% vốn. Do đó, việc tăng vốn của VEF có lẽ sẽ phải mất thời gian lâu hơn so với các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.

Bạch Huệ

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020