Chuyên mục  


wren_54.jpg

Rating: 9/10

Lứa nghệ sĩ gen Z tại Vpop đang có những bước phát triển thần tốc trong những năm qua. Đặc biệt, trong năm 2023, khán giả chứng kiến sự thống trị gần như tuyệt đối của các nghệ sĩ trẻ tại trong mảng album. Ở địa hạt pop/R&B, tlinh và Phương Mỹ Chi giành được những lời khen tặng hoa mỹ nhất. Ở địa hạt rap/hiphop, MCK và Obito phát hành những album có chiều sâu được khán giả đánh giá rất cao.

Cũng nằm trong trào lưu đổ bộ của dàn nghệ sĩ gen Z, Wren Evans lại không giống bất cứ ai. Anh không đứng hẳn về phía một thể loại nào, mà luôn tìm tòi hòa trộn những chất liệu âm nhạc khác nhau vào trong sản phẩm của mình. Trong cùng một bài hát, có khi Wren đi qua tới 3 thể loại mà vẫn kết nối chúng lại một cách tài tình. Có những sự thể nghiệm không được lòng đại chúng, nhưng một khi đã bắt được “mạch”, thì sức lan tỏa của những bản hit do Wren Evans tạo ra luôn lớn hơn hẳn các đồng nghiệp cùng thời. Thích em hơi nhiều vào năm 2021 và Từng Quen vừa phát hành gần đây là minh chứng tiêu biểu.

Kết thúc một năm thành công cũng như một chặng đường âm nhạc đủ dài, Wren Evans phát hành album Loi Choi như một lời tuyên ngôn đanh thép cả về mặt âm nhạc cũng như nội dung.

Ảnh hưởng âm nhạc đa dạng

Điều dễ nhìn thấy nhất trong album Loi Choi là cách Wren Evans lựa chọn mỗi một bài là một cách thể hiện khác nhau. Nó như một cách để Wren cho thấy sự chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ rất nhiều luồng âm nhạc khác nhau của lứa nghệ sĩ sinh sau năm 2000 - khi âm nhạc tại Việt Nam đã mở cửa và đón nhận đa dạng phong cách khác nhau trên thế giới, thậm chí là cả hải ngoại.

Ngay ở bài Intro đầu tiên Phóng đổ tim em, Wren Evans mang ảnh hưởng của disco thập niên 70 - 80 nhưng cài cắm thêm tiếng synth sáng rực. Cầu Vĩnh Tuy lại mượn city pop của thập niên 80 làm âm thanh chính. Call MeTừng Quen - 2 bản hit của Wren trong năm nay - sử dụng những nhịp điệu thời thượng nhất với afrobeat và drill. Tình Yêu Vĩ MôQuyền Anh thay đổi 180 độ sang old ballad, bolero theo phong cách hải ngoại với một chút tiếng guitar nhịp điệu Latin hay màu sắc Cantopop kiểu Hong Kong thập niên 90.

wren_2.jpgwren_evans_jpg.jpg

Wren Evans chịu ảnh hưởng của nhiều thể loại âm nhạc đa dạng, nhưng anh biết cách hòa trộn chúng thành chất liệu của riêng mình.

Nổi bật nhất và cũng sáng tạo nhất trong việc vận dụng đa dạng các thể loại âm nhạc của Wren Evans là ở single Việt Kiều. Ở đây, chỉ trong một bài hát chưa đến 3 phút, Wren di chuyển từ R&B sang drill, đột ngột đổi sang bossa nova và đưa một đoạn hook bolero bất ngờ, sau đó quay sang rap/hiphop và kết bài ngay tại đó. Không chỉ trong mặt âm nhạc, ca từ của Việt Kiều cũng là một sự thể nghiệm liều lĩnh khi Wren sử dụng tới 4 thứ tiếng Hàn, Việt, Anh, Pháp. Việt Kiều tạo ra 2 luồng ý kiến rất trái ngược, nhưng lại là ca khúc thể hiện rõ nhất cá tính của Wren Evans: tiếp nhận tất cả mọi chất liệu âm nhạc mà anh từng được nghe, sau đó xào nấu chúng một cách tài tình để thành đặc sản của riêng Wren.

Tò Te Tí cũng là một thể nghiệm rất đặc sắc của Wren Evans khi mang cả những ảnh hưởng của nhạc điện tử Nhật Bản - thường được nghe trong các âm thanh game và anime - kết hợp với những tiếng synth mang đậm phong cách futuristic. Wren gần như không bao giờ thực hiện một thể loại một cách nguyên bản, mà luôn có sự phối trộn để tạo ra lớp âm thanh riêng biệt, không giống với bất cứ ai tại Vpop. Wren không để mình bị bó buộc vào giới hạn của thể loại hay cấu trúc bài hát mà luôn tìm ra cách để phá vỡ nó, khiến anh khó được xếp chung nhóm với bất cứ nghệ sĩ nào cùng thời, mà cũng đồng thời phù hợp với tất cả.

Tuy nhiên, có một điểm chung giữa Wren và các nghệ sĩ gen Z khác trong năm nay, là rất biết tận dụng các interlude trong album của mình. Với một album đa dạng thể loại như Loi Choi, interlude là không thể thiếu để kết nối những phần âm thanh tưởng như cách xa, không có gì ăn nhập với nhau. Wren còn tiến thêm một bước nữa khi thực hiện thêm intro và outro kỹ lưỡng cho từng track để kết nối các bài một cách mượt mà nhất, còn interlude lại để đưa vào nhiều thể nghiệm cũng như khúc chuyển đoạn đặc sắc. Sự mượt mà trong trải nghiệm nghe cũng chứng minh Loi Choi là album được hậu kỳ tốt bậc nhất nhạc Việt năm nay,

Phóng khoáng trong cách kể chuyện

Sự Loi Choi trong tên album có thể hiểu như là một nghịch ngợm, không chịu yên vị trong một thể loại âm nhạc. Nhưng Loi Choi ở đây cũng có thể hiểu là sự phóng khoáng trong cách viết lời của Wren, không chịu tuân theo những quy luật đã quen tai.

Ngay từ bài đầu tiên, Wren đã rất tự tin, không ngần ngại trong việc phô diễn cá tính: “Em ơi cứ loi choi khi mình đi với nhau”, "Anh Wren dân tổ, phóng đổ tim em”. Đôi khi, những ca từ tạo cảm giác rất trẻ con, nhưng đồng thời cũng rất lạ lẫm - sự lạ lẫm chỉ thấy được ở lứa gen Z. Cách đặt câu bất ngờ được rải đều trong từng bài, hầu như bài nào cũng có những ca từ táo bạo như vậy, như “Việt Nam là vùng nhiệt đới, thế mình là gì em ơi” (Call me), “Người đang thấy vui hay buồn về những ký ức ta đi chơi” (Từng quen), “Mình loi choi theo lối trời, mình là dân chơi thế hệ mới” (Lối trời), “Có lẽ anh mạnh mẽ lâu rồi, thế nên anh lười” (Quyền Anh).

410255214_2590643357759848_5414667716477058444_n.jpg

Wren Evans luôn thể hiện một sự chân thật, không tuân theo quy luật trong việc viết lời.

Việt Kiều vẫn là ca khúc thể hiện rõ nhất yếu tố bứt phá khỏi khuôn khổ trong mặt ca từ. Đôi khi những ca từ quá táo bạo của Wren Evans bị nhiều khán giả đánh giá là sáo rỗng, vô nghĩa, nhưng khi đặt trong không gian của Loi Choi lại rất hợp lý: luôn loi choi tự thừa nhận mọi thứ của bản thân, thành thật không hề giấu giếm điều gì - sự thành thật mà Wren vẫn luôn giữ nguyên từ lúc “Anh chưa muốn phiêu dù thích em hơi nhiều” hay “Đau thì thốt là đau” cho đến giờ không thay đổi.

Ngay cả khi mượn những âm thanh bolero của hải ngoại, vốn nổi tiếng với ca từ ước lệ, ẩn dụ, Wren vẫn không che giấu đi sự chân thật của mình. Vẫn có những ca từ đậm chất bolero như “Mình đã xa nhau vào cuối thu em lặng đi” (Tình yêu vĩ mô) hay bộc lộ cảm xúc không che giấu “Sao anh cứ đâm vào rồi ôm đắng cay em à”, “Giận và hờn còn đâu tâm trí để lung tung nghĩ suy”. Nghe có vẻ đối chọi gay gắt, nhưng lại rất hợp lý trong thế giới âm nhạc của riêng Wren - nơi mà tất cả phong cách âm nhạc đều được trộn lẫn.

Wren Evans thể hiện rất rõ sự khác biệt của mình so với những nghệ sĩ thế hệ trước: Anh phá vỡ cấu trúc bài hát quen thuộc, hòa trộn rất nhiều thể loại khác nhau trong một bài hát, không ngại ngần thể hiện tình yêu cà cảm xúc của mình. Anh tự nhận là mình Loi Choi, nhưng là một sự Loi Choi có tính toán thông minh, chặt chẽ để biến những điều đó thành một lời tuyên bố đanh thép, đại diện cho tiếng nói ngày một có trọng lượng của lứa nghệ sĩ gen Z trên mặt trận Vpop.

Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc

Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.

Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020