Những ngày gần đây, thời tiết miền Bắc đang chuyển giao mùa, thời gian tới khi nắng nóng kéo dài các ao, hồ, kênh mương luôn thu hút rất đông trẻ em vùng nông thôn bơi lội vào cuối chiều mỗi ngày.
Đa số những ngày hè, tại nhiều tuyến kênh mương thủy lợi dễ trở thành điểm bơi lội ưa thích của không chỉ người lớn mà còn có cả trẻ nhỏ, vì họ nghĩ tắm có thể giải nhiệt.
Tuy nhiên, niềm vui thích nghi ấy đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ em, thanh, thiếu niên.
Những ngày qua, tại thôn An Vân, xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định người dân vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ đuối nước của 2 nam học sinh lớp 8 (đang học tại xã Yên Lợi, huyện Ý Yên) ở một kênh mương thủy lợi.
Người dân thôn An Vân, xã Yên Bình (cạnh khu xảy ra vụ đuối nước) cho biết, khoảng 15h ngày 4/4, ngày tại đoạn cống thông nước ở kênh mương thủy lợi chạy qua địa bàn có một nhóm học sinh tắm, sau đó có 2 nam sinh bị đuối nước thương tâm.
"Khoảng 15h ngày 4/4, một nhóm thiếu niên đến đây để tắm, được 30 phút có 2 nam sinh chạy lại hỏi tìm bạn vì tắm lâu nhưng không thấy. Tôi hỏi lại thì các nam sinh nói mới biết sự việc đau lòng. Biết được việc chẳng lành, tôi cùng các cháu (bạn của nạn nhân) và một số người dân khác đi tìm và liên hệ bên thủy lợi để cắt nước, đồng thời thông báo chính quyền địa phương biết. Lúc đầu tôi tưởng các cháu biết bơi vì hằng ngày ở khu này nhiều trẻ em tắm nên không chú ý"- anh Dân chủ cửa hàng sửa xe cạnh nơi xảy ra sự việc kể.
Anh Vân cho biết thêm, ngay khi thông báo chính quyền và đơn vị thủy lợi để giảm mực nước ở kênh, mọi người cùng xuống tìm kiếm, cứu nạn. Đến khoảng 16h30 cùng ngày, hai nạn nhân được tìm thấy cách khu vực tắm khoảng 100m. Hai nam sinh đang học lớp 8 ở xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, không phải người dân trong xã. Một nạn nhân không biết bơi, nam thiếu niên còn lại biết bơi.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sinh Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: "Ngay sau khi nhận được thông tin, huyện đã chỉ đạo và UBND xã Yên Bình cùng tập thể liên quan ra hiện trường tiến hành công tác cứu hộ, cứu nạn, kiểm tra xử lý. Đồng thời, huyện giao Công an, Viện kiểm sát huyện xuống hiện trường kiểm tra và tiến hành các thủ tục liên quan. Giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ các quy định pháp luật và tiến hành hỗ trợ, động viên gia đình các nạn nhân".
"Năm nào đến mùa nắng nóng huyện đều ban hành văn bản khuyến cáo, sự việc đau lòng chúng tôi không ai mong muốn. Thật tiếc khi sự việc thương tâm xảy ra trên địa bàn, UBND huyện chia sẻ sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị liên quan họp nhắc nhở, tăng cường kiểm tra, giám sát, đặt các biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm, đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước,... nhằm không có sự việc đau lòng diễn ra" - Chủ tịch UBND huyện Ý Yên chia sẻ.
Về phía UBND xã Yên Lợi (quê của 2 nam sinh) cho biết: "Các cháu đều sinh năm 2010, hiện đang sinh sống và học tập trên địa bàn xã Yên Lợi. Tuy nhiên, nơi xảy ra đuối nước nằm trên địa bàn xã Yên Bình, nên đơn vị và Công an xã chỉ phối hợp để hoàn chỉnh hồ sơ. Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã, Hội phụ nữ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cùng nhà trường xuống nhà các nạn nhân thăm hỏi, động viên. Đồng thời, nhà trường cũng bố trí học sinh và đoàn đại diện đưa tiễn hai cháu đến nơi an nghỉ cuối cùng".
Ghi nhận của phóng viên, địa điểm xảy ra vụ đuối nước nằm trên địa bàn thôn An thuộc kênh mương thủy lợi, chuyên phục vụ tưới tiêu cho bà con nông dân ở xã Yên Chính, Yên Bình, Yên Lợi,... Đoạn này có cống ngầm nối với nhau nên nước chảy xiết, độ sâu trên 3m. Tuy nhiên, quanh khu vực này không có biển báo nguy hiểm, cấm bơi lội.
Không những thế, theo ghi nhận của phóng viên các khu vực cạnh đường Quốc lộ (đoạn xã Yên Khành, huyện Ý Yên) cũng xảy ra tình trạng tương tự: các kênh mương không có biển cảnh báo, rào chắn.
Ngay cả ao lớn ở khu dân cư cũng không được gắn biển cảnh báo. Theo đại diện huyện Ý Yên, thời gian tới đơn vị sẽ có những biện pháp cảnh báo và giao UBND các xã, nhà trường tuyên truyền người dân, học sinh nâng cao cảnh giác, không cho các con em đi tắm ở sông, hồ, ao, kênh mương nơi nước sâu, chảy xiết,... Đồng thời đưa ra các giải pháp không để xảy ra những sự việc đuối nước thương tâm.
Đuối nước, nạn nhân thường là trẻ em và đôi khi có cả người lớn nếu chẳng may bị trượt chân rơi xuống nước nhưng lại không biết bơi, không có người ứng cứu.
Khi phát hiện sự việc thì đã quá muộn, các phương án cứu chữa đều bất thành, vì nạn nhân xấu số đã tử vong trước đó.
Đặc biệt hơn, tại nhiều địa điểm tai nạn đuối nước thường có dấu hiệu lặp đi lặp lại theo chu kỳ khó lý giải.
Như vậy, phòng ngừa đuối nước, giảm thiểu tai nạn rủi ro là việc làm quan trọng, thường xuyên, liên tục, nhất trong dịp mùa hè nắng nóng. Để hạn chế thấp nhất trường hợp trẻ bị đuối nước, các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ khi đi tắm ở những hồ, ao, sông, suối, kênh mương thủy lợi.
Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu mức thấp nhất những trường hợp trẻ em bị đuối nước, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục, nâng cao kiến thức; tăng cường kiểm tra, giám sát, đặt các biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm, đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước ở những nơi trẻ thường tập trung đến.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Video: Khoảnh khắc hai xe máy va chạm kinh hoàng vì mắc lỗi sai cơ bản khi tham gia giao thông