GĐXH - Từ đêm 7/2, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ trời chuyển rét. Từ ngày 8/2 trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C. Hình thức "Click vào đây để nhận lì xì" tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng để giăng bẫy người dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày 28 Tết, Tân Sơn Nhất giảm ùn ứ dù khách đông nghịt
Ngày 7/2 (tức 28 Tết), theo ghi nhận của PV Dân trí, lượng khách qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đông trở lại, sau một ngày giảm nhiệt (hôm qua). Hai nhà ga đi và đến trong nước lẫn quốc tế vẫn được Cảng hàng không duy trì các kịch bản phục vụ cao điểm, tăng cường lực lượng 100%.
Hành khách soát vé lần cuối để ra cửa máy bay khởi hành (Ảnh: Thư Trần).
Trong hôm nay, Tân Sơn Nhất khai thác hơn 900 chuyến bay với hơn gần 135.000 khách, trong đó chiều đi từ ga trong nước khoảng 62.000 người, tương đương vài ngày gần đây. Từ sáng, các quầy thủ tục, khu soi chiếu an ninh và sảnh chờ ra máy bay đông đúc, nhưng tình trạng khách chen chúc, ngồi, nằm vạ vật đã không còn.
Hành khách chia sẻ phải tranh thủ đến từ sớm để làm thủ tục vì sợ tình trạng đông đúc, ùn ứ dịp Tết. Tuy nhiên, hôm nay nhiều người khá bất ngờ với khung cảnh thông thoáng ở sân bay.
Còn tại khu vực dẫn ra cửa máy bay (ga đi trong nước), lúc gần trưa, các hàng ghế chờ mới được lấp đầy. Một số khách xếp hàng sớm chờ trước 30 phút trước giờ soát vé an ninh để qua cửa đi.
Cũng khởi hành về quê đón Tết vào 28 Âm lịch như mọi năm, chị Nguyễn Thị Diễm (ngụ TP Thủ Đức) nhận xét lượng khách qua sân bay đông có đông hơn. "Tuy nhiên có lẽ do thời tiết đẹp, tôi không bị chậm chuyến, hành lý ký gửi cũng nhanh và check-in tương đối thuận lợi", chị Diễm chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Hương Giang (ngụ Bình Dương) cho rằng lần hồi hương Tết năm nay có trải nghiệm khá thoải mái. "Đọc báo thấy chờ lâu nên đến sớm nhưng thời gian làm thủ tục của tôi cũng rất nhanh, không xảy ra trục trặc", chị Giang nói.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết đã chủ động phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát các khung giờ cao điểm trong ngày.
Cảng vụ cũng yêu cầu các hãng hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ khi chuyến bay bị chậm, hủy, không để hành khách than phiền, vạ vật tại sân bay. Lực lượng thanh niên tình nguyện được bố trí, chia đều các khu vực trọng điểm ở nhà ga để hỗ trợ, hướng dẫn hành khách.
"Tuy nhiên, vì lượng khách ngay những ngày cao điểm cuối năm quá đông, sân bay quá tải nên công tác phục vụ hành khách có thể còn có những tồn tại, rất mong hành khách, bà con chia sẻ, thông cảm cùng các đơn vị ngành hàng không", đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam chia sẻ.
Nhiều tuyến buýt TP.HCM chạy xuyên Tết, riêng buýt sân bay chạy 24/24
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, thời gian phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ ngày 31-1 đến 19-2 (nhằm ngày 21 tháng chạp đến hết mùng 10 tháng giêng).
Tuyến buýt 109 hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chạy xuyên Tết, phục vụ 24/24 cho người dân
Cao điểm nhất là từ ngày 4-2 đến hết ngày 8-2 (ngày 25 tháng chạp đến ngày 29 tháng chạp) và từ ngày 13-2 đến hết ngày 17-2 (mùng 4 Tết đến hết mùng 8 Tết).
Để đảm bảo phục vụ nhu cầu khách đi lại bằng xe buýt, đơn vị điều chỉnh tăng giảm chuyến trên từng tuyến cho phù hợp thực tế. Hầu hết các tuyến đều chạy xuyên Tết, chỉ tạm ngưng hoạt động tuyến buýt số 50 (Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia), 52 (Bến Thành - Trường ĐH Quốc tế). Hai tuyến này chủ yếu chở học sinh - sinh viên nên ít khách vào đợt Tết.
Đặc biệt, tuyến buýt 109 (bến xe buýt Sài Gòn - sân bay Tân Sơn Nhất) sẽ chạy 24/24 toàn bộ thời gian cao điểm Tết. Cùng với đó, các tuyến xe buýt số 103, 152 và 72-1 vẫn tiếp tục hoạt động theo thông số như hiện nay chuyên chở lượng khách đi lại qua lại sân bay dự báo tăng.
Bên cạnh đó, một số tuyến buýt kết nối vào bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) số 55, 56, 76, 93 và 150 phải đảm bảo hoạt động biểu đồ chạy xe do trung tâm ban hành để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân từ bến xe Miền Đông mới về các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM (và ngược lại) cũng như tăng cường giải tỏa hành khách tại các bến xe.
Tuyến xe buýt số 67 (bến xe Miền Đông cũ - bến xe Miền Đông) điều chỉnh thành 3h đến 22h45 (thay vì 4h20 đến 21h30 như hiện nay). Điều này góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đến bến xe Miền Đông mới vào lúc sáng sớm.
"Hành khách có thể tra cứu thông tin, thời gian hoạt động, dự báo thời gian xe buýt đến trạm và lộ trình của các tuyến xe buýt trên website buyttphcm.com.vn hoặc sử dụng ứng dụng Go!bus được phát hành trên các hệ điều hành IOS, Android để tìm các thông tin tuyến xe buýt phù hợp với lộ trình mong muốn", đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết.
5 trận động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum ngày giáp Tết
Dân trí đưa tin, ngày 7/2, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) phát đi liên tục 5 tin động đất được ghi nhận tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Trận động đất lớn nhất ghi nhận xảy ra khoảng 10h11 với độ lớn 4.0 tại vị trí có tọa độ 14.860 độ vĩ Bắc, 108.270 độ kinh Đông, thuộc huyện Kon Plông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
Người dân vùng cao huyện Kon Plông cảm nhận được rung lắc khi các trận động đất xảy ra (Ảnh: Chí Anh).
4 trận động đất tiếp theo sau đó cũng ghi nhận tại huyện Kon Plông với độ lớn: 3,3; 2.8; 2.5 và 3.7, độ sâu chấn tiêu từ 8.1km đến 10.1km. Các trận động đất đều không có rủi ro thiên tai nhưng người dân huyện Kon Plông đã cảm nhận được rung lắc mạnh.
Ông Nguyễn Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông), cho biết sau vài tháng "yên tĩnh", hôm nay mới ghi nhận liên tiếp nhiều trận động đất xảy ra trong một ngày như vậy.
"Khi các trận động đất xảy ra, người dân trong huyện đều cảm nhận được rung lắc. Trong những năm qua, xã đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để hướng dẫn kỹ năng cho người dân ứng phó với động đất, thiên tai", ông Bay nói.
Trong 2 năm qua, tại huyện Kon Plông xảy ra hàng trăm trận động đất. Trận mạnh nhất có độ lớn 4.7, gây rung chấn cho khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung Bộ.
Nấu bánh chưng trong đêm, không may cháy luôn nhà
Đại diện phường Máy Chai, quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) cho biết, vào đêm qua (6/2) xảy ra một vụ cháy ở nhà dân trên đường Lê Lai. Vụ việc được cấp báo cho chính quyền sở tại cùng cơ quan chức năng nhanh chóng đến dập lửa.
Hiện trường vụ cháy.
Thông tin ban đầu được biết, vào khoảng 21h cùng ngày, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CHCN) khu vực 1- Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được thông tin về cháy tại nhà dân trên đường Lê Lai, phường Máy Chai.
Ngay khi nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH KV1 - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP. Hải Phòng) đã điều 1 xe chữa cháy cùng 7 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường.
Cùng thời điển này, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận Ngô Quyền cũng huy động xe chữa cháy và cán bộ chiến sĩ tới hỗ trợ. Ngoài ra, các lực lượng chức năng của phường Máy Chai và điện lực Ngô Quyền kịp thời để phối hợp xử lý sự cố. Đến 21h45 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn và không để cháy lan.
Theo cơ quan chức năng, đám cháy xảy ra tại khu vực bếp của ngôi nhà 1,5 tầng có diện tích mặt bằng 40m2 do 2 vợ chồng chủ nhà ở. Phần còn lại của ngôi nhà (có diện tích khoảng 90m2) được lợp mái tôn, khung sắt và để cốp-pha cho thuê.
Nguyên nhân ban đầu vụ cháy được xác định do quá trình luộc bánh chưng bằng bếp than, lửa bén vào cốp-pha gác trên bếp nên đã bùng cháy. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người, chỉ hư hại chút tài sản.
Nghe 2 cuộc gọi yêu cầu nhập dữ liệu dân cư, người phụ nữ mất 500 triệu
Chiều 6/2, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, vào ngày 25/1, chị N (SN 1986, ở Đống Đa, TP Hà Nội) nhận được cuộc gọi của một số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Công an phường Phương Mai. Người này thông báo chị N. chưa làm định danh mức 2, cần cần cập nhật thông tin trong hệ thống.
Một đối tượng khác tự xưng là cán bộ Công an quận Đống Đa hướng dẫn chị cập nhật thông tin mà không cần tới trụ sở và gửi link truy cập tải phần mềm Dichvucong.apk, quét vân tay và nhận diện khuôn mặt.
Thực hiện xong thao tác, chị N. phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ 500 triệu đồng. Lúc này, chị N. mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ Công an để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin dữ liệu dân cư qua điện thoại, tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng.
Nếu cài đặt phần mềm giả mạo sẽ có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.
Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Dịp Tết, giao dịch qua ATM bị chê, thanh toán quét mã QR lên ngôi
Theo ghi nhận của PV NLĐ, không chỉ ở TP HCM hay Hà Nội, thanh toán không dùng tiền mặt qua kênh ngân hàng thương mại, ví điện tử tại nhiều địa phương cũng ngày càng phổ biến.
Thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biến
Ngày 7-2 (tức 28 tháng Chạp), tại nhiều sạp bán quần áo, giày dép, thực phẩm ở chợ huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, chị Nguyễn Ngọc (ngụ quận 5, TP HCM) cho biết chị vừa về quê đón Tết, đi mua sắm ở chợ và rất bất ngờ khi thấy các sạp hàng đều có để bảng quét mã QR hoặc chuyển khoản qua VietQR trên ngân hàng số.
Nhân viên quầy bán quần áo chợ huyện này cho biết thanh toán qua mã QR phổ biến khoảng 1 năm nay ở khu vực này. Cả khách hàng và người bán hàng đều sẵn sàng sử dụng các kênh thanh toán online, bên cạnh trả tiền mặt.
Ngay cả những khu vực vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, tại những điểm bán hàng, cung cấp dịch vụ, nhà hàng, quán ăn…, du khách cũng dễ dàng chuyển tiền, thanh toán bằng mã QR hoặc ngân hàng số.
Số liệu của Payoo về thanh toán QR cho thấy giá trị giao dịch bằng QR tăng gấp 3 lần trong khi giao dịch thẻ nội địa chỉ tăng hơn 10%, thẻ quốc tế tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo đại diện nền tảng Payoo, trong khi các giao dịch sử dụng thẻ quốc tế thường phổ biến với những đơn hàng giá trị cao thì phương thức QR lại được ưa chuộng khi thanh toán đơn hàng giá trị nhỏ. Giao dịch thanh toán được thực hiện bằng mã QR với giá trị dưới 100.000 đồng qua hệ thống Payoo đã tăng trưởng gấp 5 lần trong năm 2023 so với năm trước đó.
"Sự tăng trưởng của QR code trong năm qua được sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố: Nền tảng VietQR cho phép các nhà bán lẻ - đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không cần đầu tư hệ thống POS vốn phức tạp và yêu cầu cao về thẩm định. Thay vào đó, họ chỉ cần tự in một QR code để nhận tiền chuyển khoản từ khách hàng. Các giao dịch QR với mức phí 0 đồng không chỉ được nhà bán lẻ ưa chuộng, khách hàng ủng hộ vì tính tiện lợi, nhanh chóng, chủ động cho người chuyển và bảo mật thông tin thanh toán" - đại diện Payoo nói.
Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết trong năm 2023, hệ thống này tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống. Tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm trước.
Với ví MoMo, nền tảng có hơn 31 triệu người dùng, vừa ra mắt mã QR Nhận tiền đa năng mới với nhiều cải tiến ưu việt hơn từ mã QR Nhận tiền trước đó. Việc cải tiến mã QR Nhận tiền cho thấy tinh thần đổi mới sáng tạo và lấy người dùng làm trung tâm của MoMo để mang đến những trải nghiệm tốt nhất, đồng thời góp phần thúc đẩy xu hướng giao dịch bằng mã QR đang mạnh mẽ tại Việt Nam.
Tạm hoãn phát sóng phim "Chúng ta của 8 năm sau" và "Gặp em ngày nắng"
Theo Thời báo VTV, từ ngày 8-2 (tức 29 Tết) đến hết ngày 14-2 (tức mùng 5 Tết), khung phim truyện buổi tối trên sóng VTV1 và VTV3 sẽ tạm hoãn phát sóng.
Phim Chúng ta của 8 năm sau
Thay thế vào đó là các chương trình Tết của VTV.
Phim "Chúng ta phải hạnh phúc" được phát sóng trên VTV1 vào lúc 21h từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán, khung phim này sẽ tạm hoãn phát sóng từ ngày 8 tới 14-2.
Trên VTV3, hai phim "Chúng ta của 8 năm sau" (thứ 2, 3, 4) và "Gặp em ngày nắng" (thứ 5, 6) đang được phát sóng khung 21h40.
Từ ngày 8 tới 14-2, hai bộ phim này cũng tạm hoãn phát sóng dịp Tết nguyên đán tới hết 14-2.
Hiện phim "Chúng ta của 8 năm sau" vừa đóng máy, dàn diễn viên cũng thông báo chia tay phim.
Khán giả đang tò mò về chuyện của Lâm (B Trần đóng) - Nguyệt (Quỳnh Kool) và chuyện tình của Lâm (Mạnh Trường) - Dương (Huyền Lizzie) có cái kết ra sao.
Còn "Gặp em ngày nắng mới" lên sóng hôm 25-1 và hiện đang ở tập 4.
GĐXH - Các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng khi con cái chọn đi xe máy hàng trăm km về quê đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; trên mạng xã hội lan truyền các video cho rằng, năm nay không nên cúng giao thừa; chuyên gia văn hóa đã chỉ ra điều bất hợp lý và sự nhầm lẫn của các "thầy cúng online".