GĐXH - Bộ GD&ĐT vừa ra công văn hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025, trong đó lưu ý đối với việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn; Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ hết 12 điểm giấy phép lái xe.
La Nina sắp bắt đầu, mưa lũ dồn dập và khắc nghiệt
Nhiều tuyến đường, trường học ở Lạng Sơn "biến thành sông", cản trở lưu thông do mưa lũ. Ảnh: Tiền phong
Chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa có những phân tích và nhận định về khả năng mưa trong tháng 8 và các tháng cuối năm.
Trong giai đoạn này, mưa tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc và cục bộ vẫn có những điểm mưa to đến rất to. Từ 5/8, mưa lớn có xu hướng giảm dần; từ 6-7/8 trở đi, mưa tiếp tục giảm và chuyển nắng.
Giai đoạn từ 8-11/8, các tỉnh miền Bắc khả năng xuất hiện đợt nắng nóng.
"Chúng tôi nhận định, nếu mưa xảy ra trong tháng 8 thì phải hết đợt nắng nóng trên, sau ngày 11/8", ông Hưởng cho biết.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng, từ nửa cuối tháng 8 và tháng 9 trở đi, hiện tượng La Nina bắt đầu tác động. Do đó, mưa trong tháng 9 ở Bắc Bộ có thể cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN).
Đáng lưu ý, từ tháng 9, La Nina tác động trùng với thời điểm mưa bão, lũ ở miền Trung. Với sự ảnh hưởng này, mưa bão, lũ ở Trung Bộ khả năng xảy ra dồn dập trong khoảng nửa cuối tháng 9 và tháng 10-11 năm nay.
Ông Hưởng nói thêm, theo quy luật, vào những năm xuất hiện La Nina, tác động của hiện tượng này thường gây mưa cao hơn TBNN; số lượng bão, áp thấp nhiệt đới cũng nhiều hơn TBNN.
Thực tế ở miền Bắc, từ đầu mùa mưa, tổng lượng mưa hầu hết đều cao hơn TBNN từ 30-80%, một số nơi còn cao hơn 80-100%. Đặc biệt tại Bắc Quang (Hà Giang) và Quảng Hà (Quảng Ninh), lượng mưa riêng trong tháng 6 đã lên tới 1.105-1.271mm, cao gấp đôi so với cùng kỳ.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ ở Bắc Bộ trong gần 1 tuần qua đã làm 9 người chết; 63 nhà dân phải di dời khẩn cấp, gần 600 nhà bị ngập và ảnh hưởng.
Đồng thời, mưa lũ cũng khiến gần 2.500ha lúa và hoa màu bị ngập úng; 33,2ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Về giao thông, ghi nhận gần 300 điểm bị sạt lở, ách tắc,…
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 8, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ (cao hơn từ 5-10%); khu vực Trung Bộ ở mức thấp hơn từ 15-30%; tại Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ (thấp hơn 5-10%).
Ngoài ra, trong thời kỳ dự báo khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có nhiều ngày mưa, trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Mưa giông tại các khu vực có thể kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cùng thời kỳ dự báo, bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng ít hơn so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN: 2-3 cơn).
Nắng nóng trong tháng 8, dự báo tiếp tục xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng cường độ không quá gay gắt. Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ so với TBNN cùng thời kỳ.
Theo các chuyên gia khí tượng, năm nay, do có sự xuất hiện của La Nina nên mùa mưa bão khả năng có diễn biến phức tạp và khó lường. Đặc biệt lưu ý những cơn bão gây ảnh hưởng mạnh đến nước ta thường xảy ra vào giai đoạn cuối năm.
Đề xuất phạt 1 triệu đồng khi để trẻ dưới 10 tuổi ngồi hàng ghế trước ô tô
Từ 1/1/2026, cấm trẻ em dưới 10 tuổi ngồi cùng hàng ghế với người lái ô tô khi tham gia giao thông.
Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất mức xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên ô tô (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) ngồi cùng hàng ghế với người lái xe hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định.
Cùng mức phạt trên, Bộ Công an đề xuất các hành vi sẽ bị xử phạt gồm: Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường, chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy, chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần...
Trước đó, ngày 27/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026. Trong Luật này có một số quy định liên quan bảo đảm an toàn cho trẻ em khi ngồi trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, khoản 3 Điều 10 của Luật quy định trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái ô tô khi tham gia giao thông.
Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ghế trước là các vị trí nguy hiểm nhất trên ô tô trong những trường hợp va chạm. Khu vực này sẽ tiếp xúc gần và trực tiếp với các chướng ngại vật hoặc nguyên nhân gây tai nạn nhiều hơn so với ghế phía sau xe.
Hệ thống an toàn chính của ô tô, bao gồm túi khí và dây an toàn ở khu vực ghế trước được các nhà sản xuất bố trí nhằm bảo vệ người ngồi ở các vị trí này, nhưng thiết kế các hệ thống này chủ yếu dành cho người lớn. Trẻ em có thể trạng nhỏ hơn, không phù hợp với các hệ thống này. Không may, trong trường hợp xảy ra tai nạn, do không được bảo vệ tốt nhất, trẻ em có thể gặp nguy hiểm hơn người lớn so với cùng một vị trí ngồi.
Bên cạnh đó, khả năng tự chủ và ý thức hành vi của trẻ trong các sự việc thường chưa cao. So với người lớn, trẻ nhỏ chưa thể hoàn thiện khả năng suy nghĩ và kiểm soát hành vi của mình. Trẻ em thường có tính hiếu động, tò mò và thích nghịch ngợm. Do vậy, nếu ngồi ở ghế trước, rất dễ gây ra những hành động khiến người lái mất tập trung, dễ dẫn đến tai nạn trên đường.
Tuổi kết hôn lần đầu ngày càng tăng, TP HCM cao nhất nước
Do kết hôn muộn nên nhiều cặp vợ chồng có con khá muộn
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước có hơn 688.000 cuộc kết hôn, trong đó hơn 83% số cặp là kết hôn lần đầu.
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước cũng tăng dần thời gian qua, hiện ở mức 27,2 tuổi, trong khi năm 2022 là 26,9 và năm 2021 là 26,2.
Với nam giới, độ tuổi kết hôn lần đầu lên tới 29,3 tuổi, trong khi nữ là 25,1. Trung bình người ở khu vực thành thị kết hôn khi 28,6 tuổi; con số này là 26,3 ở nông thôn.
Đông Nam bộ hiện là vùng người dân kết hôn lần đầu muộn nhất, ngoài 29 tuổi. Trong đó, tuổi kết hôn lần đầu của người TP HCM là 30,4 tuổi; Bà Rịa - Vũng Tàu là 29,3 tuổi. Người dân Khánh Hòa cũng kết hôn muộn, trung bình 29,1 tuổi.
Độ tuổi trung bình để người Hà Nội kết hôn lần đầu năm 2023 là 27,9 tuổi, cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sớm hơn người TP HCM 2,5 tuổi. Thanh niên Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng kết hôn ở tuổi 27,4.
Vùng người dân kết hôn lần đầu sớm nhất là Trung du và miền núi phía Bắc: 24,6 tuổi. Thanh niên ở Lai Châu kết hôn khi mới ngoài 22, sớm nhất cả nước. Người Hà Giang, Sơn La xếp thứ 2 và 3, kết hôn ở tuổi 22,8 và 22,9.
Những năm qua, độ tuổi kết hôn của giới trẻ TP HCM luôn cao nhất cả nước, vượt xa nhiều tỉnh thành khác. Năm 2023, lần đầu vượt mốc 30 tuổi. Con số này có xu hướng tăng liên tục từ 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi.
Ảnh hưởng của việc kết hôn muộn hiện nay chính là mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số. Tại TP HCM số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42, giảm ở mức cảnh báo, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì là 2-2,1 con trên mỗi phụ nữ.
Các nghiên cứu ghi nhận ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do. Ngoài ra, người trẻ không mặn mà kết hôn còn do ảnh hưởng từ các câu chuyện gia đình đổ vỡ, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng...
Xu hướng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả nhiều quốc gia khác, đặc biệt ở châu Á. Nhiều phụ nữ trẻ tuổi có tư tưởng muốn theo đuổi sự nghiệp, cuộc sống độc lập, tự chủ về tri thức, tài chính, vững vàng tâm lý thay vì kết hôn sinh con sớm...
Các chuyên gia cho biết thông thường, kết hôn muộn đi kèm với sinh con muộn, thậm chí sinh ít con, trong khi với phụ nữ, giai đoạn "vàng" trong độ tuổi sinh sản là từ 20-25 tuổi.
Trước đó, trong Hướng dẫn phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo mẹ trên 35 và bố ngoài 45 tuổi có thể là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị khuyết tật bẩm sinh.
Trong báo cáo tác động chính sách dự án Luật Dân số đang lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Y tế cũng đưa ra nhận định xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Viện Vật lý Địa cầu hướng dẫn người dân Kon Tum ứng phó động đất
Ngày 3/8, UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục tới các xã vùng động đất huyện Kon Plông để thông tin, tư vấn cho bà con cách ứng phó động đất.
Theo đó, đoàn có 4 chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu, 1 cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Đoàn Viện Vật lý địa cầu đến các xã vùng tâm chấn huyện Kon Plông, gồm xã Đăk Ring, Đăk Nên, Đăk Tăng và Măng Bút. Hiện, đoàn cũng có kế hoạch đến xã Măng Cành. Đoàn đã tìm hiểu cách người dân ứng phó những trận động đất, sau đó đưa ra tư vấn, cách làm đúng trong các trường hợp cụ thể; tổ chức trao đổi trực tiếp với bà con để họ hiểu nội dung tài liệu hướng dẫn; trang bị kỹ năng xử lý nếu gặp những trận động đất tiếp theo.
Tiến sĩ Bùi Thị Nhung (thành viên trong đoàn) cho hay: Một số tài liệu hướng dẫn xây dựng cho khu vực đô thị, một số tình huống cụ thể không phù hợp với đồng bào miền núi. Bởi vậy đoàn đi sâu các tình huống cụ thể tại địa phương bà con vùng núi hay gặp phải để mổ xẻ, giải đáp từng tình huống, như đang trên rẫy cần tránh những sườn núi dốc, khi đang nấu ăn thì cần dập lửa trước khi rời khỏi nhà…
Theo Tiến sĩ Nhung, đoàn chuyên gia cũng làm khảo sát, đến phỏng vấn các gia đình và quan sát tác động của động đất tới công trình, rồi tổng hợp thông tin và vẽ sơ đồ đánh giá tác động động đất. Khi tổng hợp sẽ có báo cáo và đưa ra khuyến cáo cho địa phương.
Theo Tiến sĩ Nhung, khi kết thúc đề tài, sẽ có công bố chính thức về nguyên nhân động đất và đánh giá mức độ tác động dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học.
Động thái mới của SJC liên quan việc từ chối mua vàng 'một chữ'
Công ty SJC sẽ thu mua vàng miếng SJC "một chữ", vàng móp méo trở lại từ ngày 5/8.
Ngày 3/8, trả lời PV Tiền Phong, đại diện Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cho biết, bắt đầu từ ngày 5/8 đơn vị này sẽ thu mua trở lại vàng miếng SJC "một chữ" cũng như vàng bị móp méo.
Khoảng 2 tuần qua, Công ty SJC ngừng thu mua các sản phẩm trên. Thông thường, với các loại vàng miếng SJC "một chữ" hay vàng bị móp méo khi Công ty SJC mua lại trên thị trường với khối lượng khoảng 1.000 lượng, sẽ xin Ngân hàng Nhà nước gia công lại. Tuy nhiên lượng tồn kho đã lên khá cao nhưng chưa biết khi nào mới được phép gia công, nên Công ty SJC này đã dừng thu mua.
Điều này làm cho những người dân mua vàng tích trữ rất lo lắng, bất an. Công ty SJC từ chối mua vàng miếng "một chữ" cũng làm cho các tiệm vàng không dám thu mua, thậm chí nếu khách muốn bán sẽ phải chịu mất giá vài triệu đồng/lượng so với giá niêm yết của Ngân hàng Nhà nước.
Vàng miếng SJC "một chữ" là sản phẩm có một ký tự chữ trước dãy số sê-ri, do Công ty SJC đã sản xuất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996. Hiện loại vàng này được xem là vàng cũ. Những miếng vàng SJC sau này có hai chữ cái trước dãy số sê-ri. Việc đóng một chữ cái hay hai chữ cái trước dãy số sê-ri chỉ là để xác định thứ tự từng đợt sản xuất gia công, hết đợt này sẽ chuyển sang đợt khác.
Theo quy định, Công ty SJC phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm này. Vàng SJC một chữ cái và vàng hai chữ cái cũng đã được Ngân hàng Nhà nước và Công ty SJC khẳng định là có chất lượng như nhau, đều được lưu thông bình thường.
Việc Công ty SJC ngừng thu mua loại vàng miếng một chữ cái này không phải mới lần đầu, mà đã từng xảy ra vào khoảng năm 2012, 2015, 2016. Lượng vàng gia công qua các năm khá lớn, chẳng hạn trong năm 2014, Công ty SJC đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép gia hạn mức gia công vàng miếng loại một chữ trong số sêri và vàng móp méo 50.000 lượng vàng; năm 2015 là 65.000 lượng; năm 2016, SJC xin phép gia công 60.000 lượng… Tới thời điểm hiện tại do Ngân hàng Nhà nước chưa cấp hạn mức gia công nên Công ty SJC vẫn phải chờ.
Theo Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có quy định "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng". Do đó, từ sau Nghị định 24, Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu… không có tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng, kể cả công ty SJC.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, theo quy luật thị trường, Công ty SJC có mua vàng lại hay không tùy thuộc vào quyết định của họ. Thông thường, những nhà sản xuất sẽ mua lại vàng do mình làm ra bởi biết được chất lượng vàng, nhưng giá sẽ khác nhau tùy theo từng thời điểm. Tuy nhiên, thời điểm này SJC chưa thể gia công vàng miếng, có thể do lượng vàng trong kho đã nhiều nên quyết định không thu mua.
Livestream doanh thu trăm tỷ, thu thuế ra sao?
Một nhóm cá nhân livestream với doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Hoạt động TMĐT đang nở rộ tại Việt Nam với nhiều phiên bán hàng của cá nhân, tổ chức doanh thu đạt cả trăm tỷ đồng. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam cho biết, cá nhân bán hàng livestreams trên Tiktok được quản lý theo hoạt động TMĐT. Tất cả giao dịch mua bán hàng hóa qua nền tảng của Tiktok được lưu trữ thông tin và giữa các bên tham gia hoạt động bán hàng (người bán- đơn vị vận chuyển - giao hàng - quảng cáo) đều phải có hợp đồng để phục vụ kê khai thuế, truy vết dòng tiền, hàng hóa.
Ông Thanh dẫn ví dụ, cá nhân livestreams chốt đơn hàng, đơn vị vận chuyển lấy hàng từ người bán, giao tới người mua. Sau khi đơn hàng giao thành công, các đơn vị sẽ xuất hóa đơn. Cá nhân mở tài khoản trên Tiktok chủ động kê khai loại hình pháp nhân (cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp). Các đơn vị này sẽ nộp thuế theo loại hình kinh doanh đã chọn.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế. Hiện tại, người livestream nộp thuế theo các hình thức khác nhau. Hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% VAT, 2% thuế thu nhập cá nhân). Cá nhân không đăng kí kinh doanh, làm thuê cho nhãn hàng, nộp thuế thu nhập cá nhân, nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả.
Tại tọa đàm "Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử" ngày 2/8, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử cho rằng, hoạt động TMĐT ngày càng đa dạng, ngoài bán hàng còn nhiều lĩnh vực khác như nội dung số, truyền hình. Tuy nhiên, thời gian qua, việc nộp thuế cho hoạt động TMĐT phát sinh vướng mắc cho người tham gia TMĐT.
"Người kinh doanh TMĐT không phải trốn thuế mà nhiều khi không biết phải đóng thuế như thế nào. Vì vậy, cơ quan chức năng cần hướng dẫn để người kinh doanh TMĐT dễ kê khai, dễ đóng thuế, tránh trường hợp không biết kê khai dẫn đến bị truy thu, xử phạt", ông Dũng kiến nghị.
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Văn Phụng, con số nộp thuế sàn TMĐT kê khai vẫn hạn chế so với doanh thu thực tế. Việc quản lý thu thuế với sàn TMĐT phải làm sao đảm bảo thu đúng, thu đủ và dựa vào doanh thu thực tế. Hoạt động livestream bán hàng thời gian qua nở rộ, tuy nhiên, không thể dựa trên con số công bố này để tính thuế. Hiện nay, có tình trạng chốt đơn trong livestreams nhưng hàng chưa đến tay người mua, chưa trả tiền.
"Với công nghệ thông tin hiện nay, người bán hàng không thể bán 10 sản phẩm chỉ khai 5 sản phẩm, bởi trước sau cơ quan thuế cũng tìm ra số liệu đầy đủ. Cơ quan thuế cần "chung tay" với các đơn vị làm tốt để tránh việc truy thu sau này", ông Phụng cho biết.
Ông Lê Hùng Quang, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Misa cho rằng, thời gian qua, cơ quan thuế tăng cường biện pháp quản lý thuế với TMĐT khiến người kinh doanh gặp khó khăn. Nhiều người kinh doanh không biết kê khai, nộp như thế nào để hợp lý. Nhiều cá nhân, hộ kinh doanh gặp "nỗi đau" khi vừa kê khai trên sàn TMĐT, các phần mềm khác nhập số liệu thủ công. Việc này dẫn đến tiềm ẩn sai sót, nguy cơ bị truy thu.
Mời độc giả theo dõi video đang được quan tâm trên Gia đình và Xã hội
Từ tháng 8, những trường hợp này sẽ được cấp đổi sổ đỏ