Chuyên mục  


Sáng 9/1, trong ngày làm việc thứ ba của phiên sơ thẩm mở tại TAND tỉnh Thái Bình, trình bày ngắn gọn trong khoảng 4 phút, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ 43 năm làm việc đã phấn đấu, chiến đấu "không mệt mỏi" cho đất nước và quyền lợi nhân dân. Trong vụ án này, các doanh nghiệp đều trong tình trạng "bên bờ tuyệt vọng" khi đến gặp, ông do đó đã "cố gắng cứu vớt" họ, cũng là giúp sức cho phát triển địa phương. Việc ông nói ra các điều này "không nhằm biện hộ cho việc nhận tiền".

Ông khẳng định hành vi nhận tiền "là sai phạm" và đã thực sự ăn năn. Hơn một năm trong trại tạm giam, ông "cải tạo bản thân rất quyết liệt, cố gắng tu sửa, đặc biệt về tâm can".

Ông chia sẻ còn rất nhiều tâm huyết xây dựng quê hương, xã hội, vì vậy "rất mong được Đảng và nhân dân cả nước lượng thứ, chấp nhận lời khẩn cầu" và khoan hồng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng tại tòa. Ảnh: Xuân Hoa

Trong 5 bị cáo, ông Nhưỡng hôm qua bị VKSND tỉnh Thái Bình đề nghị mức án cao nhất - 15 năm 6 tháng tù về hai tội Cưỡng đoạt tài sản Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

Ông Nhưỡng bị cáo buộc lợi dụng tư cách đại biểu Quốc hội, tác động, giúp đỡ để "bảo kê" cho việc làm ăn phi pháp của giang hồ Cường "Quắt", thay đổi phiên tòa phúc thẩm theo hướng có lợi và giúp các doanh nghiệp có dự án. Đổi lại, ông nhận lợi ích vật chất là tiền mặt và đất đai.

Trong phần tranh tụng tại tòa, ông không trình bày nhiều mà dành phần bào chữa cho các luật sư của mình.

Trước đó, tại phần trả lời xét hỏi, ông Nhưỡng cũng từ chối trả lời hầu hết câu hỏi, với quan điểm "giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra, xin không nói lại". Việc này được tòa chấp nhận.

ong-luu-binh-nhuong-tai-toa-1736396740.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=igPMtihNq_UtLbdUnByitg
Ông Lưu Bình Nhưỡng tại tòa

Ông Nhưỡng trình bày tại phiên tòa.

Bào chữa cho ông Nhưỡng, luật sư Trần Chí Thành cho rằng thân chủ dẫn Cường đi thăm đồn biên phòng "để gây thanh thế, tạo thuận lợi cho bị can Cường làm ăn", như cáo trạng nêu, là điều "bình thường, không có gì vụ lợi".

"Thăm hỏi khách quan mà cũng bị cáo buộc giúp sức cưỡng đoạt tài sản là không đúng", luật sư Cường nêu quan điểm.

Về cánh cổng gỗ lim 75 triệu đồng, luật sư cho rằng Cường "biếu nhà thờ" dòng họ ông Nhưỡng chứ không biếu cá nhân. Việc cáo buộc nhận cánh cửa này để "tác động" quá trình xét xử của tòa án phúc thẩm, theo luật sư là không đúng.

Trong khi đó, luật sư của bị cáo Cường cho rằng thân chủ phạm tội do nhận thức pháp luật hạn chế. Chính quyền địa phương "có lỗi một phần" khi buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản nên "dễ bị lợi dụng".

Phạm Minh Cường (Cường "Quắt") bị VKS đề nghị 7-8 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: Xuân Hoa

Bị cáo Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước, khi bào chữa nói sai phạm của mình bị VKS gộp cùng 4 vụ việc khác đã "vô hình trung làm càng trầm trọng hơn". Vì thế, bị cáo đề nghị tách riêng.

Ông Vương bị cáo buộc gặp ông Nhưỡng, Vân nhờ can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để Công ty Hạ Long được tiếp tục triển khai dự án 36 ha.

Sau khi nhận 3,3 tỷ đồng của Công ty Hạ Long và được hứa sẽ cho 10% số đất (tương đương 15.349,78m2), Vương cho ông Nhưỡng và Vân mỗi người một lô đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội và hứa cho tiếp 1.000 m2 đất tại dự án ở Hạ Long, trị giá 1,95 tỷ đồng.

Vương cho rằng hai ông chỉ chuyển đơn kiến nghị của mình đến tỉnh Quảng Ninh theo trách nhiệm của đại biểu Quốc hội nên "họ không sai, mình cũng không sai".

"Tôi chưa bao giờ thừa nhận hành vi phạm tội, mà cáo trạng lại ghi là tôi thừa nhận", bị cáo Vương nói và đề nghị VKS không tính tình tiết giảm nhẹ này cho mình.

Vương trước đó thừa nhận đã "lừa dối" ông Vân, Nhưỡng về nguồn gốc mảnh đất ở Đông Anh. Lô đất không phải của Vương, hình thành do lấn chiếm trái phép và hai ông không biết việc này.

Còn lô đất ở Hạ Long, Vương cho rằng chỉ được một người bạn trung gian đưa cho mảnh giấy "nguệch ngoạc mấy chữ", nói rằng giám đốc Công ty Hạ Long hứa cho. Vương cho rằng giấy này không có giá trị pháp lý, vì giám đốc đưa ra lời hứa này trên danh nghĩa cá nhân, còn tài sản hứa hẹn, là đất dự án, đã bị tỉnh thu hồi.

Liên quan vụ án này, ngày 15/12/2023, Vương bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 26/9/2024, Vương bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên 7 năm 6 tháng tù.

Đối đáp sau đó, VKS giữ nguyên quan điểm, đề nghị HĐXX xem xét ý kiến của bị cáo Vương khi muốn "bỏ một tình tiết giảm nhẹ".

Với 300.000 USD nhận của doanh nghiệp trong vụ tác động "xin" dự án ở Bắc Ninh cho Công ty Mạnh Đức, ông Nhưỡng đã trả lại. Lãnh đạo doanh nghiệp được triêu tập tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đã đề nghị tòa cho xin lại số tiền này.

Nêu quan điểm về việc này, VKS cho hay khi đi nhờ vả ông Nhưỡng, công ty đã đề nghị xong việc thì cảm ơn, điều này chứng tỏ "có mục đích từ trước".

Cơ quan công tố đánh giá, không có quy định pháp luật nào yêu cầu người dân gửi kiến nghị đại biểu Quốc hội nhờ chuyển đơn, phải đưa tiền. "Do đó, tiền này là trái pháp luật, cần giữ lại sung công quỹ", VKS kiến nghị.

Theo cáo trạng, các bị cáo đã có 5 "phi vụ" diễn ra trong suốt 3 năm (2020-2023) tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội và Thái Bình.

Ông Vân, ông Nhưỡng bị cáo buộc lợi dụng tư cách đại biểu Quốc hội, nhiều lần can thiệp để giúp doanh nghiệp có dự án, xin lại dự án, can thiệp theo hướng có lợi cho người quen trong vụ kiện dân sự, bảo kê giang hồ, với mục đích hưởng lợi cá nhân.

Phiên tòa đang tiếp tục lượt đối đáp thứ hai.

Phạm Dự - Thanh Lam

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020