Những nguyên nhân khiến 4 nạn nhân ở vụ cháy ở Định Công không thể thoát ra ngoài an toàn?
Căn nhà được xây dựng kiên cố đã khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn - Ảnh: SKĐS
Vụ cháy Định Công Hạ chiều 16/6, đã không có phép màu nào xảy ra khi căn nhà gần như không còn lối thoát. Khói lửa được xác định xuất phát từ phòng ngủ tại tầng 4 của căn nhà 6 tầng. Vợ chồng con trai chủ nhà đang bán hàng ở tầng 1 vội lao ra ngoài, hô hoán cháy.
Nghe tiếng hô cháy, hàng xóm đã cầm theo bình cứu hỏa mini đến dập lửa nhưng khi anh đi thang bộ lên gần tầng 3 ngọn lửa từ tầng 4 đã bùng lên to, khói lửa lùa xuống khiến anh buộc phải quay ra, không thể tiếp cận được tiếp dù đã xịt hết nhiều bình mini.
Khói lửa từ tầng 4 theo cầu thang bộ và các lỗ thoáng bốc lên các tầng cao. Chủ nhà vội leo qua ban công tầng 5 xuống mái tôn nhà hàng xóm. Ở tầng cao, bà chủ nhà và 3 cháu nhỏ thò tay ra cửa sổ phía bên hông phải ngôi nhà, lia đèn kêu cứu.
Căn nhà cháy trên phố Định Công Hạ có 2 ban công thoáng là tầng 4 và 5, nhưng cũng là 2 điểm lửa bùng lên mạnh nhất. Các phòng ngủ ở tầng 4, 5 đều nằm ở phía trong cùng và không có lối thoát nạn.
Nhân chứng ở hiện trường cho biết, khi phát hiện ra khói lửa bùng lên, nhiều người dân xung quanh đã dùng gạch đá, các vật dụng thậm chí búa tạ để phá cửa sổ nhằm giải cứu các nạn nhân nhưng bất thành bởi cửa quá kiên cố với 3 lớp.
"Tôi thấy cánh tay thò ra kêu cứu ở tầng 4 sau đó di chuyển lên tầng 5, mọi người ở bên ngoài dùng mọi vật dụng như gạch đá, búa tạ để phá cửa sổ nhưng rất khó khăn. Cửa sổ của căn nhà có 3 lớp: Lớp kính cường lực ở bên ngoài, lớp lưới chống côn trùng ở giữa và song sắt kiên cố ở bên trong. Việc cửa sổ quá kiên cố khiến mọi nỗ lực giải cứu các nạn nhân đều bất thành", Vietnamnet dẫn lời ông Nguyễn Tiến Dũng (60 tuổi, hàng xóm của căn nhà bị cháy) kể lại.
Khi mọi người đã tiếp cận lên vị trí tầng 6 của ngôi nhà, phá cửa kính bên ngoài nhưng bên trong lại được gia cố bằng khung sắt inox khiến người dân cứu hộ bất lực không thể làm gì được.
Một chiến sĩ chữa cháy trực tiếp tại hiện trường cho biết toàn bộ khu vực cầu thang bị các vật liệu xây dựng, thiết bị hàng hóa cản lối. Ngoài ra, tay vịn cầu thang làm bằng gỗ nên đều đã bị cháy và rơi từ các tầng cao xuống khiến các chiến sỹ PCCC gặp nguy hiểm.
Thêm vào đó, mặt trước của ngôi nhà được lắp biển quảng cáo từ tầng 1 đến 4. Tầng 6 của ngôi nhà này được quây kín bởi kính cường lực, các nhà xung quanh thấp tầng hơn hiện trường cháy nên việc tổ chức phun nước và tiếp cận cứu hộ gặp không ít khó khăn.
Ngôi nhà có nhiều yếu tố khiến các nạn nhân không có lối thoát khi xảy ra hỏa hoạn - Ảnh: Tiền Phong
Đến 20h, khi vụ hỏa hoạn được dập tắt hoàn toàn. Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel cùng lính cứu hỏa vào trong tìm kiếm nạn nhân, anh Phạm Quốc Việt kể thứ đập vào mắt anh đầu tiên là sự ngổn ngang của vật liệu xây dựng. Tầng 1 chủ nhà để tầng tầng lớp lớp thùng sơn, ống nhựa, lối đi chỉ đủ cho một người. Tầng 2 chứa nhiều mút xốp chống nóng, ống nhựa, ống PVC, tấm cách âm...
Tất cả tầng tiếp theo đều lổn nhổn túi nylon, cót ép. "Bên trong không khí đặc quánh mùi khét, tối om. Nhà kiểu ống, phía trước có ban công, nhưng để ra được đó thì người trong nhà phải băng qua rất nhiều đồ đạc ngổn ngang", VnExpress dẫn lời anh Việt kể.
Sau đó, tại khu vực tầng 6 của ngôi nhà, các lực lượng phát hiện thi thể các nạn nhân, trong đó thi thể nạn nhân N.M.H. (53 tuổi) được tìm thấy tại lối cầu thang từ tầng 6 lên tầng tum.
Tầng 1 của căn nhà 6 tầng bị bịt kín "không lối thoát" - Ảnh: VTV
Trước đó, khoảng 18h ngày 16/6, người dân phát hiện khu vực tầng 4 của căn nhà 6 tầng ở số nhà 207 Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai có khói lửa nên gọi cứu hỏa. Ngay sau khi nhận tin đã điều động gần 100 CBCS cùng 12 xe chữa cháy, phương tiện chuyên dụng đến hiện trường phối hợp các lực lượng khác của chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy.
Đến 19h30’ đám cháy đã được khống chế và 20h00' đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm sơ bộ, các lực lượng đã phát hiện 4 thi thể gồm 1 người lớn và 3 trẻ nhỏ là bà M.N.H. (sinh năm 1971), cháu N.Đ.Đ.S (sinh năm 2013), cháu N.D.K. (sinh năm 2022) và N.T.A. (sinh năm 2018).
Hiện Công an vẫn đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Xác minh thông tin 'du lịch thảm họa, vứt khách lại trên đảo Ti-tốp'
Mới đây, một tài khoản mạng xã hội facebook đăng tải nội dung “trải nghiệm du lịch thảm họa, vứt khách lại trên đảo Ti-tốp rồi đi không kiểm tra lại khách, không một cuộc gọi nhỡ, chờ 30 phút trên bến không thấy tàu đâu, gọi số điện thoại trên vòng tay thì thuê bao…”.
Trước thông tin trên, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ. Thông tin trên Tiền Phong.
Du khách tham quan đảo Ti-tốp, vịnh Hạ Long.
Theo thông tin ban đầu, ngày 16/6, tàu QN 926x chở 99 khách ghép (không phải khách đoàn) ra đảo Ti-tốp. Khi đón khách trở về tàu, do thời điểm đó lượng khách quá đông, tàu không tìm được khách, không đón được khách trở lại tàu nên tàu quay lại. Ngay sau đó, hãng tàu này bố trí phương tiện khác (cùng của đơn vị) đón số khách còn lại về muộn hơn.
Tuy nhiên, thông tin khách bị bỏ rơi nói trên không được phản ánh tới Cảng vụ đường thủy nội địa làm nhiệm vụ tại cảng tàu. Phía Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng xác nhận không nhận được thông tin phản hồi vụ việc từ phía khách du lịch. Sự việc chỉ được xác minh sau khi thông tin được đăng tải trên mạng xã hội.
Ngay sau khi nhận được thông tin, đại diện chủ tàu, thuyền trưởng đã tiếp xúc với hành khách phản ánh bị "bỏ rơi". Chủ tàu hiện đã tiếp nhận thông tin vụ việc, tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, rút kinh nghiệm trong việc phục vụ khách du lịch tham quan trên vịnh được an toàn, chu đáo, không để tái diễn tình trạng trên.
Ti-tốp được mệnh danh là một trong những hòn đảo đẹp nhất tại vịnh Hạ Long, nằm cách khu du lịch Bãi Cháy chỉ chừng 7-8 km về hướng Đông Nam. Ti-tốp là tên do Bác Hồ đặt trong một lần ra thăm đảo theo tên của một nhà du hành vũ trụ Liên Xô Giéc Man Ti-tốp.
Hiện nay, mỗi năm đảo Ti-tốp đón hàng triệu lượt khách ra thăm đảo. Muốn ra thăm đảo Ti-tốp, du khách có nhiều hình thức, trong đó 3 cách phổ biến nhất là thuê tàu, đi tour du thuyền và đi thủy phi cơ.
Hé lộ nguồn cơn vụ nữ sinh mất tích khi đi thi lớp 10, được tìm thấy sau 12 ngày
Ngày 16/6, cơ quan chức năng cho biết đã tìm thấy nữ sinh N.T.B.A. (sinh năm 2009, ở TP.Châu Đốc, An Giang), người trước đó được gia đình thông báo mất tích sau khi đi thi vào lớp 10 Trường Chuyên Thủ Khoa Nghĩa vào hôm 4/6.
Thông tin trên báo VietNamnet, nữ sinh A. cho biết, nguyên nhân khiến em bỏ nhà ra đi là do áp lực từ gia đình. A. muốn nghỉ học nhưng bố mẹ không cho phép nên đã bỏ đi. A. lên Đồng Nai thuê trọ và xin đi làm bưng bê ở quán ăn.
Thông tin này khiến nhiều người theo dõi vụ việc bất ngờ.
A. được tìm thấy tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Người lao động)
Trước đó, gia đình A. đã làm đơn gửi đến công an TP.Châu Đốc về việc con gái mất tích bí ẩn, đồng thời đăng tải thông tin lên mạng xã hội để nhờ hỗ trợ tìm kiếm.
Vụ việc A. mất tích sau khi đi thi lớp 10 được dư luận quan tâm những ngày qua.
Theo trình báo của gia đình, đầu giờ chiều ngày 4/6, mẹ chở A. đến thi môn cuối kỳ thi vào lớp 10 tại Trường Chuyên Thủ Khoa Nghĩa. A. hẹn mẹ đón lúc 17 giờ.
Đến 17 giờ, bố của A. đến đón thì không thấy con đâu, hỏi bạn bè, thấy cô cũng không ai có tin tức. Việc A. mất tích khiến bố mẹ lo lắng, không ăn, không ngủ ngóng tin con.
Cảnh báo chiêu trò dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo
Cảnh báo này dựa trên phản ánh của Bộ Công an khi thời gian qua tại 1 số tỉnh, thành xuất hiện các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên viên mở tài khoản thanh toán; sau đó chuyển lại cho các đối tượng này để sử dụng. VietnamNet đưa tin.
Cụ thể, thủ đoạn của các đối tượng dụ dỗ học sinh, sinh viên đã được cấp Căn cước công dân (CCCD) mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở. Chúng cung cấp cho học sinh, sinh viên điện thoại có sẵn sim số để đăng ký mở tài khoản thanh toán, dịch vụ Internet Banking, SMS Banking…
Các đối tượng trong đường dây mua bán tài khoản ngân hàng bị Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an phối hợp cùng Công an nhiều tỉnh, thành điều tra, bắt giữ. Ảnh: CA.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu học sinh trả lại điện thoại, cung cấp thông tin tên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP)... Tiếp đó, chúng thu nhập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của các học sinh, sinh viên (Face ID) để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu.
Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như: rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, quy định pháp luật hiện hành cấm các hành vi như: cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán ví điện tử nặc danh, mạo danh, mở hộ thẻ ngân hàng.
Nếu vi phạm các quy định, sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, nếu cho thuê, mượn, mua bán từ 1–10 tài khoản sẽ bị phạt từ 40–50 triệu đồng. Còn nếu thuê, mượn, mua bán số lượng từ 10 tài khoản trở lên sẽ bị xử phạt từ 100 triệu đồng.
Để ngăn chặn, góp phần giải quyết tình trạng mua - bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên dùng cho mục đích phạm tội, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở TT-TT, các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền, cảnh báo tới người dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người chưa thành niên về các phương thức, thủ đoạn của đối tượng tội phạm, quy định pháp luật liên quan, nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật và có biện pháp phòng, chống hiệu quả, không để bị lợi dụng,
UBND các tỉnh, thành cần chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn triển khai quán triệt, thông tin kịp thời tới toàn bộ học sinh, sinh viên và phụ huynh về các phương thức thủ đoạn của đối tượng tội phạm; các hành vi bị cấm trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán và quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật, không để bị lợi dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Đợt nắng nóng, oi bức 'khủng khiếp' ở miền Bắc bao giờ chấm dứt?
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 18/6, nắng nóng tiếp tục gia tăng về cường độ ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Mức nhiệt cao nhất trong những ngày tới ở các khu vực này dao động 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi tiếp tục nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 40 độ C.
Theo dự báo của trang Accuweather, cao điểm của đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 17-21/6, tại Hà Nội mức nhiệt cảm nhận ngoài trời có thể lên tới 44 độ C.
Miền Bắc đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm, thời tiết vô cùng oi bức, khó chịu. Ảnh: SK&ĐS
Theo dự báo, từ ngày 22/6, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và giông rải rác (tập trung vào chiều tối và đêm), nắng nóng giảm dần. Từ ngày 23/6, nhiệt độ tại Thủ đô giảm xuống còn 35 độ C.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nắng nóng năm nay có các đặc điểm chính: đến sớm, số đợt nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm, cường độ gay gắt hơn trung bình nhiều năm; có thể xuất hiện giá trị nhiệt cao lịch sử.
Nguyên nhân nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung đến sớm do tác động của hiện tượng El Nino làm nền nhiệt trung bình trên cả nước đều có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.