Chuyên mục  


Sáng 22/12, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố đề án khảo sát và đánh giá nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động (ĐVSDLĐ) tại 4 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ gồm TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, việc khảo sát này nhằm xác định thực trạng nhu cầu tuyển dụng lao động của các ĐVSDLĐ tại 4 tỉnh, thành trên để từ đó, cung cấp thông tin tham khảo để xây dựng kế hoạch đào tạo đại học và sau đại học.

Tổ khảo sát đã thực hiện bằng bảng câu hỏi với 3 phần chính là các đặc điểm của ĐVSDLĐ; Xu hướng tuyển dụng của ĐVSDLĐ và yêu cầu của ĐVSDLĐ đối với ứng viên. Thời gian triển khai khảo sát từ tháng 8 đến 11/2023.

Nghiên cứu đã nhận được phản hồi của 1.779 ĐVSDLĐ (bao gồm 1.692 doanh nghiệp và 87 cơ quan nhà nước). Trong đó, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là ĐVSDLĐ hoạt động tại TP.HCM (58,18%), kế đến là ĐVSDLĐ tại Bình Dương (19,22%), Đồng Nai (15,46%) và Bà Rịa Vũng Tàu (7,14%).

Các đơn vị này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp chế biến - chế tạo và Thương mại - tiêu dùng (chiếm 57,95% tổng số ĐVSDLĐ). Ngoài ra, 77,52% ĐVSDLĐ tham gia khảo sát có quy mô tầm trung, vừa và nhỏ (≤300 nhân sự) và phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 82,47% tổng số được khảo sát).

avatar1703213444852-17032134451981260712782.jpg

Cán bộ giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM (Ảnh: Hoàng Giám)

Qua phản hồi của 67% ĐVSDLĐ nêu trên, nhìn chung, tất cả các CSĐT đại học thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM đều được ĐVSDLĐ ưu tiên tuyển dụng. Nổi bật trong các đơn vị này là Trường Đại học Bách khoa với tỷ lệ ưu tiên tuyển dụng nhân sự cao nhất (24,41%).

Tiếp đến là Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Trường Đại học Kinh tế - Luật với tỷ lệ ưu tiên tuyển dụng nhân sự lần lượt là 16,3% và 15,53%. Ngoài ra, ĐVSDLĐ cũng dành nhiều ưu tiên tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ các đơn vị thành viên lớn khác của ĐHQG TP.HCM như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (10,9%), Trường Đại học Công nghệ thông tin (10,38%) và Trường Đại học Quốc tế (7,48%).
Về mức lương khởi điểm của ĐVSDLĐ đề xuất đối với ứng viên, tổ khảo sát thông tin, mức lương khởi điểm đề xuất cho các ứng viên trình độ đại học từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng chiếm đa số, tiếp theo là mức lương từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/tháng. Mức lương từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/tháng đa số được ĐVSDLĐ đề xuất cho ứng viên trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.

Cũng theo khảo sát này mức độ đáp ứng của ứng viên với yêu cầu của ĐVSDLĐ là thái độ của ứng viên được đánh giá cao nhất. Kiến thức và kỹ năng của ứng viên chỉ được đánh giá ở mức độ “khá”. Phân tích sâu còn cho thấy thái độ là yếu tố được ĐVSDLĐ chú trọng nhất, kế đến là kiến thức và kỹ năng.

Về yêu cầu của ĐVSDLĐ đối với kỹ năng, thái độ của ứng viên, các ĐVSDLĐ đều thể hiện mức độ mong muốn đối với tất cả kỹ năng, thái độ được khảo sát từ mức khá mong muốn trở lên (≥ 3,84 điểm). Trong đó, “tính trung thực, lòng trung thành” là yếu tố được ĐVSDLĐ mong muốn nhiều nhất ở ứng viên. Các ĐVSDLĐ cũng rất mong muốn ứng viên có được “sự tự giác chuyên cần trong công việc”, “tinh thần chịu trách nhiệm” và “tinh thần cầu tiến, chấp nhận thử thách”.

ĐH Quốc gia TP.HCM kiến nghị nhà nước cần có nghiên cứu, quy hoạch và dự báo các ngành đào tạo trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Nhà nước cần làm cầu nối giữa doanh nghiệp (nhu cầu) và cơ sở đào tạo đại học (nguồn cung) để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước, tránh việc lãng phí nguồn lực của xã hội khi đào tạo ra trường mà không sử dụng được.

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng kiến nghị các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu sâu cho từng địa phương về nhu cầu của nhà tuyển dụng nhằm dự báo và có kế hoạch đáp ứng nhu cầu tuyển dụng các lĩnh vực.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị ĐH Quốc gia TP.HCM cần có nghiên cứu đánh giá đầy đủ các CSĐT đại học tại khu vực Đông Nam Bộ về nhu cầu bồi dưỡng cho giảng viên các kỹ năng chuyên sâu để giảng viên có thể lồng ghép các kỹ năng đó vào chương trình đào tạo, bài giảng của mình. Bồi dưỡng kỹ năng cho giảng viên thông qua tổ chức các hội thảo, tập huấn hoặc lập đề án tăng cường kỹ năng chuyên sâu cho người học.

Trong thời gian tới, ĐH Quốc gia TP.HCM cần định kỳ triển khai các nghiên cứu khảo sát trên diện rộng cho cả khu vực về nhu cầu của nhà tuyển dụng nhằm mục đích định hướng phát triển, quy hoạch ngành đào tạo trong hệ thống. Các trường đại học tại khu vực Đông Nam Bộ cần tăng cường đào tạo sau đại học chất lượng cao và đào tạo nguồn nhân lực cấp cao cho xã hội.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020