Chuyên mục  


Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi theo Chương trình GDPT năm 2018 và thay đổi lớn nhất là số môn thi sẽ giảm so với trước. Thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn tính điểm. Điều này sẽ dẫn tới thay đổi về tổ hợp xét tuyển đại học trong phương án tuyển sinh của các trường. Căn cứ trên đề án tuyển sinh đó, việc chọn tổ hợp môn nào trong phần thi khoa học của bài thi Đánh giá năng lực là vấn đề thí sinh cần phải lưu ý.

Cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2025 gồm 2 phần bắt buộc là tư duy định lượng (Toán học) và tư duy định tính (Văn học - Ngôn ngữ). Phần tự chọn là khoa học hoặc tiếng Anh. Nếu phần tự chọn là khoa học, thí sinh cần chọn 3 trong 5 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Lựa chọn 3 môn nào đòi hỏi thí sinh cần có chiến lược và mục tiêu rõ ràng.

Theo thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên môn Sinh học thuộc Hệ thống giáo dục Học mãi cho biết, có 3 nguyên tắc lựa chọn tổ hợp khoa học gồm: Giỏi môn gì chọn môn đó, ưu tiên môn trong tổ hợp thi tốt nghiệp THPT và bám sát đề án tuyển sinh của các trường đại học.

thi-danh-gia-nang-luc-28101a-1730124999917720227345-1730172905101-17301729055991556764923.jpg

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội.

Thầy Công cho biết, việc lựa chọn môn nào trong 5 môn thuộc phần thi khoa học trước hết phải dựa trên sở trường. Với học sinh có thế mạnh tự nhiên, nên chọn các môn tự nhiên. Và ngược lại, học sinh có thế mạnh xã hội nên chọn 2 môn xã hội và 1 môn tự nhiên có khả năng nhất.

Các em cần tính toán xem sẽ thi 2 môn tự chọn nào trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Nếu đã có quyết định, thí sinh nên chọn 2 môn đó trong tổ hợp khoa học của bài thi HSA. Điều này giúp tiết kiệm thời gian ôn tập, không phải học dàn trải quá nhiều môn cùng lúc dẫn đến áp lực. Cuối cùng, các em nên bám sát đề án tuyển sinh của các trường đại học.

"Đề án tuyển sinh của các trường sẽ có nhiều thay đổi so với các năm trước đây do biến động về tổ hợp môn xét tuyển. Do đó, các em cần theo dõi đề án tuyển sinh của các trường mình dự định nộp hồ sơ. Việc theo dõi phải chặt chẽ, xem như nhiệm vụ bức thiết để có thể có các quyết định đúng đắn và xoay hướng kịp thời", thầy Công lưu ý.

Để giúp thí sinh chuẩn bị tốt cho bài thi HSA vào năm tới, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí - tổ chức kỳ thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên thí sinh cần có chiến lược học chắc, hiểu bản chất vấn đề vì các kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới ít nhiều đều hướng tới khảo thí năng lực người học.

"Với những môn học đã chọn cần phải học tốt để không bị hổng hay mất gốc ngay từ đầu năm học. Bên cạnh đó, các bạn cũng theo dõi thông tin tuyển sinh đại học của các trường (số môn thi, tổ hợp xét tuyển theo các môn học chuyên môn, thời gian xét tuyển, điểm ưu tiên…) để kịp thời điều chỉnh cách học, ôn tập, lựa chọn kỳ thi và thời gian thi thích hợp.

Thí sinh nên nhớ, chìa khóa cho tất cả các kỳ thi là nắm chắc và hiểu kiến thức, hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng tích lũy, kiểm soát tốt thời gian làm bài thi. Ngoài ra, thí sinh cần làm các đề thi tham khảo của các kỳ thi một cách nghiêm túc nếu muốn dự thi. Việc đó sẽ giúp thí sinh tự tin hơn khi bước vào một kỳ thi bất kỳ", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyên.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020