Lý Thành Man sinh năm 1994 ở Nhạc Dương (Hồ Nam, Trung Quốc). Xuất sắc trong mọi lĩnh vực nên từ nhỏ cô được hàng xóm gọi là thần đồng.
Đối với nhiều phụ huynh Trung Quốc, Thành Man là tấm gương sáng trong học tập. Thậm chí, bất cứ khi nào phụ huynh muốn giáo dục con thường nhắc tên Lý Thành Man như ví dụ điển hình về sự xuất sắc.
Suốt 12 năm học, Thành Man luôn là học sinh tiêu biểu. Năm 2011, cô quyết định tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học sớm hơn 1 năm. Thời điểm đó, bố mẹ lo lắng cho Thành Man về việc nữ sinh thi đại học sớm sẽ ảnh hưởng đến kết quả.
Chứng minh quyết định của bản thân đúng, sau kỳ thi đại học năm 2011, Thành Man đỗ Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc). Lúc đó, không ít người khuyên cô chờ năm sau thi lại chắc chắn sẽ đỗ vào Đại học Thanh Hoa hoặc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).
Tuy nhiên, Thành Man không nghe theo lời khuyên của người khác. Bởi mục tiêu cô đặt ra là đỗ vào Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc). "Dù học hết lớp 12 mới thi đại học, tôi vẫn chọn trường này. Tôi thích chuyên ngành Quang học và Thông tin điện tử của trường".
Bằng cách này, Thành Man trở thành tân sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc) ở tuổi 17. Dù học đại học sớm hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng Thành Man luôn nằm trong số những sinh viên nổi bật của khoa.
Tốt nghiệp đại học năm 2015, Thành Man nhận được bằng cử nhân loại Xuất sắc. Với kết quả này, cô được Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc) tuyển thẳng lên học tiến sĩ ở tuổi 21.
Dưới sự hướng dẫn của GS Ngô Yên Khánh, Thành Man đạt nhiều thành tích nghiên cứu đáng nể. Năm 2019, Thành Man xuất bản được bài báo đầu tiên trên Tạp chí Nature.
Lý Thành Man được Đại học Hồ Nam (Trung Quốc) bổ nhiệm trở thành PGS sau 1 tháng tốt nghiệp tiến sĩ.
Ngoài ra, với tư cách là nghiên cứu sinh, tham gia Hội nghị Thiết bị Điện tử Quốc tế IEEE (IEDM) năm 2019, Thành Man gây ấn tượng với các nhà khoa học sau khi trình bày công nghệ bóng bán dẫn oxit thiếc indi (Indium tin oxide - ITO) dài 10nm có khả năng tích hợp BEOL (quy trình tích hợp mạch sau vùng bán dẫn).
Chủ yếu nghiên cứu điện tử bán dẫn oxit, 5 năm học tiến sĩ, Thành Man xuất bản hơn 10 bài báo khoa học trên Tạp chí SCI. Năm 2020, sau khi nhận bằng tiến sĩ Vi điện tử và Điện tử thể rắn của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc), Thành Man được Đại học Hồ Nam (Trung Quốc) bổ nhiệm trở thành phó giáo sư kiêm người hướng dẫn nghiên cứu sinh ở tuổi 26.
Việc Thành Man được bổ nhiệm trở thành PGS sau 1 tháng tốt nghiệp tiến sĩ thời điểm đó gây tranh cãi. Xoay quanh ồn ào, Đại học Hồ Nam (Trung Quốc) khẳng định, tương lai Thành Man có khả năng đạt được thành tựu to lớn trong lĩnh vực phát triển vật liệu nano, chế tạo thiết bị điện tử vi mô và nano, thử nghiệm thiết bị theo nguyên lý mới, thiết kế và tích hợp mạch…
Nhận được sự tin tưởng của Đại học Hồ Nam (Trung Quốc), đến nay PGS Thành Man vẫn gắn bó với công việc giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Theo Vietnamnet