Di tích hộ thành hào được tu bổ bằng xe cuốc. Nhiều viên đá nguyên gốc đã bị vứt bỏ qua một bên - Ảnh: MINH TỰ
Đó là những gì đang diễn ra trên công trường của hạng mục tu bổ, tôn tạo hộ thành hào thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế.
Hộ thành hào là hào nước bao bọc quanh kinh thành Huế, được triều Nguyễn xây dựng từ năm 1832, đắp bằng đá núi, theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính.
Dự án quan trọng này liên quan đến cuộc di dân lịch sử mà dư luận cả nước và quốc tế đang quan tâm.
Hồ sơ dự án ghi rõ phương án tu bổ: "Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ và phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ". Nhưng, một thực tế khác diễn ra trên công trường...
Dùng xe cuốc phá dỡ di tích
Ngay trước kinh thành Huế, đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài là một công trường được che kín bằng hàng rào lưới đen. Phía trong đó, mỗi ngày có những chiếc xe cuốc, xe tải và hàng chục công nhân xây dựng làm việc với tốc độ rất nhanh. Khởi công từ cuối năm 2018, đến cuối tháng 3-2019 thì đã thi công xong đoạn kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài.
Khi chúng tôi đến hiện trường vào đầu tháng 3-2019, vẫn còn một đoạn bờ kè chưa phá dỡ ở gần Nam Minh Đài, hình hài khá nguyên vẹn với những viên đá núi (dân gian thường gọi là đá gan gà) xếp đều đặn, vài chỗ có những viên đá bị rơi xuống hào nước, vài chỗ bờ kè bị sụt lún.
Một tuần sau quay lại, chiếc xe cuốc đang xúc bỏ toàn bộ phần bờ kè đó. Dưới chiếc cần cuốc là những viên đá gan gà của gần hai thế kỷ trước nằm chỏng chơ.
Sau khi phá dỡ hoàn toàn kè đá, đơn vị thi công đã xây dựng mới một bờ kè hình thang, bằng đá granit, ống nhựa, vữa ximăng, phần chân móng đúc bêtông cốt thép, phần mặt ngoài kè có dán một số viên đá gan gà nguyên gốc pha lẫn đá mới.
Tại công trường, chúng tôi nhìn thấy một đống ngổn ngang vật liệu nguyên gốc bị xúc đổ xuống hào nước, dù trước đó Hội đồng khoa học đã yêu cầu phải tháo cạn nước hào, nhặt hết những viên đá cũ để tu bổ kè.
Ước chừng có gần 1.000m bờ kè đã được xây mới. Theo dự án, toàn bộ bờ kè của hộ thành hào dài gần 20km (gồm hai mặt hào) sẽ được tu bổ, trước mắt sẽ tu bổ mặt nam của kinh thành với chiều dài hai mặt hơn 4.500m.
Không còn cách nào khác?
Ông Phan Văn Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị chủ dự án) kiêm giám đốc ban quản lý dự án - cho biết do tác động của thời gian, thời tiết và hoạt động của con người nên bờ kè bị hư hỏng đến 70-80%, có những đoạn bị sụp hoàn toàn.
Vì vậy, chủ đầu tư và đơn vị thiết kế, thi công (Phân viện Khoa học - công nghệ miền Trung, thuộc Bộ Xây dựng) đã quyết định tháo dỡ bờ kè cũ để làm lại, nhằm tăng độ bền vững mà không làm thay đổi diện mạo di tích bằng cách ưu tiên sử dụng tối đa vật liệu cũ (đá gan gà).
Ông Lê Văn Quảng - nguyên giám đốc Phân viện Khoa học - công nghệ miền Trung, người chủ trì thiết kế phương án tu bổ di tích này - cho biết toàn bộ kinh thành Huế nằm trên nền địa chất rất yếu, bên dưới là cát và bùn; vì vậy, nhiều chỗ của bờ kè bị sụt lún, kéo theo phòng thành bị nứt gãy.
Bờ kè xưa xây dựng bằng kỹ thuật xếp đá khan, chỉ ổn định khi các mặt đá còn ma sát; sau thời gian dài đá bị phong hóa, hết ma sát nên không liên kết với nhau được. Người thợ ngày nay cũng không thể thực hiện được kỹ thuật xếp đá khan, không có vữa kết dính như ngày xưa. Vì vậy, phải tháo dỡ ra để xây mới hoàn toàn bờ kè, không còn cách nào khác!
Dự án này đã phân định rõ cách xử lý đối với thực trạng của từng đoạn kè cụ thể, giữ nguyên trạng những đoạn kè còn tốt, chỉ tu bổ và phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng. Chúng tôi phản đối nếu cơ quan chủ quản không thực hiện đúng với nội dung đã trình bày trước hội đồng khoa học
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông (nguyên phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN tại Huế)
Ông Phan Văn Tuấn cho hay phương án phá dỡ toàn bộ để làm mới đã được Hội đồng khoa học đồng ý. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi thì một số vị trong Hội đồng khoa học (là chuyên gia ở ngoài cơ quan chủ dự án) đều bất ngờ trước việc tu bổ đang diễn ra.
PGS.TS Đỗ Bang - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế - nói: "Lẽ ra khi tháo dỡ bờ kè cần phải có nhân viên chuyên môn khảo cổ học của phòng nghiên cứu, như quy định của Luật Di sản văn hóa".
Khẳng định "không còn cách nào khác" nhưng ông Phan Văn Tuấn cho hay sẽ chọn một đoạn bờ kè còn khá tốt nằm trên đoạn sắp sửa làm (từ cửa Ngăn đến cửa Thượng Tứ) để tu bổ và bảo tồn nguyên gốc, cho du khách và con cháu mai này được biết (!?).
Phần di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế với tổng kinh phí là 2.735 tỷ đồng thực hiện trong 2 giai đoạn.