Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 10/9/2024, trong cơn mưa tầm tã, tại thôn Át Thượng (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Vụ việc đã khiến 5 ngôi nhà vùi lấp hoàn toàn, khiến 9 người chết và 3 người bị thương.
"Đợi chồng về" giữa biển đất sạt lở mênh mông
Đến chiều 11/9, với sự tìm kiếm của gần 200 người (gồm cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ, người dân), đã tìm thấy được thi thể của 8 nạn nhân. Người còn lại chưa được tìm thấy là anh Hoàng Văn Dược (SN 1991), chồng của chị Hoàng Thị Nhiên (SN 1999).
Chị Hoàng Thị Nhiên (đeo khăn tang, quần đen) cùng nhiều người thân có mặt ở hiện trường chờ thông tin về nạn nhân Hoàng Văn Dược.
Kể từ khi chồng mất tích đến nay là 5 ngày, lúc nào chị Nhiên cũng có mặt ở hiện trường để ngóng trông tin tức về thi thể chồng. Dáng người chị nhỏ bé, mảnh khảnh giữa khung cảnh hoang tàn, xung quanh là cây cối đổ rạp lẫn lộn bùn đất ngổn ngang.
Mâm cúng gọi hồn nghi ngút khói, hai chiếc máy xúc phía trước hoạt động hết công suất, cả không gian bị náo loạn bởi tiếng "e, e, e, e…".
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm anh Dược - nạn nhân mất tích cuối cùng trong vụ sạt lở đất vào rạng sáng 10/9.
Mâm cúng gọi hồn của gia đình nạn nhân.
Gần 9 giờ tối, mặt trăng đã lên cao, lực lượng cứu hộ đã giãn bớt, mọi người tản đi nghỉ ngơi. Những bước chân nặng nề sau một ngày mệt nhọc khuất dần trong đêm. Trên một mỏm đất, chị Nhiên vẫn ngồi "đợi chồng về", đầu quấn khăn tang, đôi mắt nhìn vô định vào chốn hư không.
"Bây giờ em chỉ cầu nguyện, sớm tìm thấy thân xác của chồng em, đưa anh ấy về nhà an táng, mong anh ấy được yên nghỉ nơi suối vàng", chị Nhiên trả lời phóng viên. Cho đến giờ phút này, chị cũng không ngờ được rằng buổi chiều hôm ấy là lần cuối cùng hai vợ chồng gặp nhau.
Khoảnh khắc bình yên trước tai họa "trời giáng"
Căn nhà của hai vợ chồng chị Nhiên tựa lưng vào một ngọn đồi, trên đó trồng các giống cây lâu năm. Do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, Yên Bái mưa to liên tục từ ngày 8/9, đến ngày 9/9, phần taluy phía sau nhà bị sạt lở một ít chỗ.
Nhưng dường như việc sạt lở "nhỏ giọt" này quá đỗi bình thường với người dân nơi đây, chị Nhiên và gia đình cũng không ý thức được tầm quan trọng của việc nhanh chóng di dời đến nơi an toàn.
Chị Nhiên trả lời phỏng viên.
Chiều 9/9, trong cơn mưa xối xả, chị Nhiên xin phép mẹ chồng sang nhà mẹ ruột ở cách đó không xa. Do trước đó một hôm, con đường vào nhà mẹ chị bị sạt lở nhiều, cũng bị cô lập do nước lũ, dẫn đến mất điện, không có mạng. Liên lạc nhiều lần với mẹ nhưng mãi vẫn không được, nên chị bàn với chồng, nhà có hai người trẻ, mỗi người ở một nơi để tiện chăm sóc, bầu bạn với người già.
Ở nhà có chồng chị – anh Hoàng Văn Dược, con trai – cháu H.V.L (5 tuổi), và mẹ chồng – bà Hoàng Thị Thắng. Đến khoảng 2 giờ sáng, khu vực nhà chị Nhiên xảy ra sạt lở, căn nhà bị đất đá vùi lấp, mẹ chồng và con trai may mắn thoát chết, được hàng xóm giải cứu, sơ tán đến nơi an toàn.
Không thể gục ngã
Đến khoảng hơn 5 giờ sáng ngày 10/9, người chú ruột đầu tiên đến báo tin nhà bị sạt lở, chị Nhiên vẫn không tin, cứ nghĩ chỉ sạt lở như hôm qua. Đến người chú ruột thứ hai đến báo tin: "Nhiên ơi, chồng cháu bị đất đá vùi lấp rồi. Giờ còn thằng Bun (tên gọi ở nhà của cháu H.V.L) và mẹ chồng cháu. Cháu thật bình tĩnh, theo chú ra hiện trường".
"Lúc đấy mẹ đẻ em cũng khóc rồi, nhưng em nghĩ mình cần phải ổn định lại tinh thần, xem tình hình thế nào đã. Em đã cố gắng không khóc, cố gắng đi bình thường. Đường thật không dễ đi, ngổn ngang bùn đất, em vừa chạy vừa ngã, ngã lại đứng, dậy lại chạy", chị Nhiên kể.
Hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Át Thượng.
Đến nơi, đập vào mắt chị Nhiên là toàn màu đỏ của bùn đất, căn nhà của gia đình và và của người thân quanh đó đã bị vùi lấp toàn bộ. Không kìm nén nổi đau đớn, chị Nhiên bất giác quỳ xuống, hỏi han mọi người về thông tin của người thân. "Bà nội, chú ruột, thím, anh em… của cháu, mọi người đâu rồi? Mọi người trả lời, chết hết rồi. Lúc đấy tim em tưởng như ngừng đập, ngực đau thắt lại, không thở nổi nữa", chị Nhiên nhớ lại.
Mãi một lúc sau, trong cơn mưa tầm tã, chị Nhiên mới định thần lại, quần lấm lem bùn đất, nhớ đến người con trai được sơ tán ở nhà người thân cách đó không xa. Đường bị cô lập, chị phải đi đường vòng, men theo mé suối tới nhà "ông trẻ". Nhưng ở chỗ đất xa xa kia, nơi vốn là vị trí nhà ông trẻ giờ chẳng còn gì nữa cả, chỉ còn ngổn ngang bùn đất.
Chị Nhiên không làm chủ được mình nữa, bật khóc hỏi mọi người: "Các ông các bà ơi, cho con hỏi thằng Bun ở đâu?". Mọi người cho biết, cháu L. đã được sơ tán ở nhà chị gái của anh Dược, cháu L. vẫn chạy nhảy bình thường, lúc đấy chị Nhiên mới an tâm được phần nào. Chị chạy đi tìm mẹ chồng, thấy bà cụ đang đau đớn nằm một chỗ. Chị nhờ người thân tìm cáng, nhờ lực lượng chức năng đưa bà cụ ra bệnh viện an toàn.
Chị Nhiên chờ ngóng tin chồng trong đêm tối tại hiện trường.
Vừa chăm mẹ chồng ở bệnh viện, hễ cứ có thời gian chị lại chạy về hiện trường để ngóng tin chồng. Chị thường đi loanh quanh khu vực lực lượng chức năng đang tiến hành tìm kiếm, đôi mắt thất thần, rồi bất giác khóc òa. "Sau đó, em dần dần em nghĩ lại, nhiều gia đình còn mất cả nhà, thiệt hại rất nặng nề. Còn mình, ít ra còn đứa con, và còn mẹ già. Nên mình không thể nào ốm, không thể nào gục ngã được".
"Trước hết, nếu mình ốm, không ai chăm sóc mẹ và con mình, còn khiến mọi người vất vả chăm sóc mình. Trong khi tất cả mọi người xung quanh đang nỗ lực tìm kiếm chồng mình. Tự nhủ như thế, cho nên dù thế nào, em cũng không được bỏ cơm, cũng phải uống thuốc để khỏe mạnh, chờ cho đến lúc nhìn thấy thân xác của chồng em", chị Nhiên xúc động nói.