5h hàng ngày, bà Đặng Thị Tuyên (56 tuổi) ở xã Đông Phương Yên, Chương Mỹ, bắt đầu vào rừng hái lá chuối. Khu rừng nằm ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình), cách nhà bà Tuyên hơn 20 km khiến bà phải đi từ mờ sáng để kịp giao lá tươi cho các cửa hàng.
"Trước đây, tôi và chồng đạp xe cả trăm cây để đến được chỗ có chuối tự nhiên. Khoảng 15 năm nay, tôi và vài người mướn đất trồng chuối xen canh, từ đó nguồn lá ổn định hơn", bà Tuyên chia sẻ.
Liềm được buộc vào một gậy dài để thuận tiện cho việc cắt lá chuối. Chu kỳ để lá chuối mọc mới sau khi cắt là 15-20 ngày. Mỗi cây thường được 3 đến 4 tàu lá chuối, bà Tuyên bớt lại một tàu để cây phát triển.
Chuối được trồng ở lưng chừng núi đá nên việc di chuyển thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Sau khi hái, lá chuối được tập kết ở một điểm nhất định để dọc và bó.
Lá chuối được dọc bỏ sống ở giữa. "Lá chuối có nhiều loại, loại có phấn trên mặt lá là chất lượng cao nhất. Các cơ sở sản xuất giò, chả thích loại lá này vì gói rất thơm", bà Tuyên nói.
Nhóm thu hoạch lá thường có hai người, một chuyên cắt lá và một sắp xếp thành từng bó.
Lá chuối sau khi được hái phải chuyển xuống núi ngay để giao cho các cơ sở sản xuất, đảm bảo độ tươi.
Bà Tuyên thường làm việc liên tục đến 14h khi đã thu hoạch được khoảng 100 kg lá. Những dịp giáp Tết nhu cầu tăng cao, bà mang theo cơm lên đồi để ăn tại chỗ.
Đôi bàn tay dính nhựa chuối chuyển màu màu đen, nứt nẻ. Bà Tuyên cho biết đã quen làm việc không đeo bao tay.
Lá chuối sau đó được bà Tuyên lau sạch sẽ và tước thành ba kích thước phù hợp với việc gói bánh. "Tôi mong muốn đưa lá chuối vào các siêu thị để thay cho túi nilon, trước đây ông bà ta vẫn dùng lá chuối để bảo vệ môi trường", bà Tuyên chia sẻ.
Cuối giờ chiều, bà Tuyên chở lá chuối giao cho các cơ sở sản xuất ở nội thành Hà Nội. Trung bình giá của 1 kg lá chuối khoảng 10.000 đồng. Ngày 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết thư biểu dương các siêu thị, doanh nghiệp chủ động sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon nhằm bảo vệ môi trường.
Theo Ngôi sao