Tuyến kênh Hàng Bàng đi qua địa bàn Quận 5 và Quận 6, TP.HCM có điểm đầu giao với kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Quận 6), điểm cuối giao với kênh Tàu Hủ (Quận 5) với tổng chiều dài 1,7km.
Kênh Hàng Bàng từng là một trong những tuyến kênh thoát nước đã bị ô nhiễm nặng nề với hàng trăm hộ dân sinh sống trên kênh, nhiều đoạn đã bị bồi lấp, phủ đầy cỏ rác và nước thải.
Năm 2019, một đoạn 220m ở hai đầu tuyến kênh Hàng Bàng được cải tạo, nâng cấp và đưa vào phục vụ người dân thông qua việc triển khai dự án Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 2, sử dụng nguồn vốn vay ODA JICA Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM.
Từ năm 2019 đến nay, 750m kênh tiếp theo từ đường Mai Xuân Thưởng đến Kênh Vạn Tượng đang được nâng cấp, cải tạo bằng nguồn vốn đầu tư công của thành phố thông qua dự án xây dựng đoạn kênh Hàng Bàng từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM cho biết, quy mô của dự án trên địa bàn Quận 6, có chiều dài 500m (từ đường Mai Xuân Thưởng đến đường Ngô Nhân Tịnh), chi phí xây lắp khoảng 67 tỷ đồng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.182 tỷ đồng.
Riêng địa bàn Quận 5, quy mô dự án có chiều dài 250m (từ đường Ngô Nhân Tịnh đến kênh Vạn Tượng), chi phí xây lắp khoảng 33 tỷ đồng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 600 tỷ đồng.
"Bằng nỗ lực của Ban Giao thông và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan, công trình đã hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch. Việc khánh thành đoạn kênh Hàng Bàng tại Quận 5 là món quà đặc biệt dành tặng người dân trước thềm xuân mới", ông Phú cho biết.
Giám đốc Ban Giao thông TP.HCM cho biết thêm, đối với 730m còn lại của tuyến kênh (đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Mai Xuân Thưởng), Ban phối hợp với UBND Quận 6 và các đơn vị liên quan triển khai dự án cải tạo Kênh Hàng Bàng (giai đoạn 3) từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố. Tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng, có 391 trường hợp giải toả toàn phần, triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2028.
Dự án sau khi hoàn thành góp phần cải thiện tình trạng giao thông, cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân TP.HCM.