Theo đó, Công an quận Đống Đa nhận được đơn trình báo của anh N.Đ.Q (SN 2003), trú phường Khương Thượng, quận Đống Đa về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng. Ngày 20/5, anh Q đăng tải một bài viết tìm chiếc xe máy Honda RSX bị trộm mất trong nhóm "Mất trộm xe – Tìm xe thất lạc Hà Nội". Khoảng hai ngày sau, có một người liên hệ thỏa thuận phải đưa 3 triệu đồng thì sẽ giúp anh tìm xe. Anh Q đồng ý và chuyển tiền, tuy nhiên sau đó đối tượng cắt liên lạc...
Đối tượng Võ Trọng Tuấn.
Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Đống Đa đã phối hợp Công an phường Khương Thượng tiến hành điều tra, xác định đối tượng gây án là Võ Trọng Tuấn. Tuấn khai, thấy bài viết của anh Q đăng tìm xe trên nhóm nên đã nhắn tin lừa tìm được xe rồi yêu cầu anh Q chuyển tiền. Với thủ đoạn tương tự, Tuấn đã thực hiện 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác với tổng số tiền 11,4 triệu đồng. Tất cả số tiền chiếm đoạt được, đối tượng dùng chi tiêu cá nhân.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, tháng 3/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện trên mạng xã hội nổi lên một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với hình thức đối tượng giả mạo là nhà cung cấp, phân phối sữa nhập ngoại, đăng bài bán sản phẩm với giá rẻ. Hàng ngày, đối tượng sử dụng tài khoản Facebook "Hàng Nhật", "Bon Chip" thường xuyên đăng bài rao bán sữa trên các hội nhóm để tìm kiếm người mua.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị xác định đối tượng thực hiện là Mã Thị Yên (SN 1993), trú thôn Đồng Rãng, xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Tại cơ quan Công an, Mã Thị Yên khai nhận, do không có công ăn việc làm ổn định, để có tiền trả nợ, Yên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội Facebook.
Đối tượng Mã Thị Yên.
Đối tượng sử dụng sim rác tạo 2 tài khoản Facebook như trên rồi hằng ngày đăng bài bán sữa giá rẻ vào các hội nhóm mua bán sữa nước ngoài để tìm kiếm bị hại. Khi bị hại ham rẻ, liên hệ với Yên để mua hàng, Yên sẽ thỏa thuận giá cả, số lượng đơn hàng, hình thức vận chuyển, thanh toán. Để khách hàng tin tưởng, Yên đồng ý khi hàng đã chuyển qua nhà xe, bộ phận vận chuyển thì mới nhận tiền của khách.
Sau khi chốt đơn thành công với khách, Yên tiếp tục tìm trên Facebook các cơ sở bán sữa để đặt mua đơn hàng tương tự, địa chỉ nhận hàng là địa chỉ của bị hại. Yên yêu cầu cơ sở này phải chụp bill chuyển hàng qua nhà xe cho Yên. Sau khi cơ sở bán sữa chuyển hàng đến nhà xe, Yên từ chối nhận hàng và sử dụng bill chuyển hàng để gửi cho bị hại. Đồng thời liên tục gọi điện để bị hại chuyển tiền cho Yên. Phía bị hại thấy bill thể hiện nội dung "hàng đã chuyển qua nhà xe" nên tin tưởng và chuyển tiền ngay cho Yên.
Bài đăng lừa đảo của Yên trên mạng xã hội.
Để tránh bị phát hiện, Yên liên tục thay đổi tài khoản nhận tiền, không sử dụng tài khoản chính chủ. Lợi dụng các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ rút tiền 24/7, Yên yêu cầu bị hại chuyển tiền cho chủ cơ sở, sau đó sẽ rút tiền mặt để tiêu xài. Bằng thủ đoạn trên, Yên đã thực hiện thành công trên 20 vụ, lừa đảo các bị hại thuộc nhiều tỉnh, thành phố, với tổng số tiền khoảng 300 triệu đồng.
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, dùng các số điện thoại giả, mở tài khoản bằng thông tin cá nhân giả, lợi dụng phương thức mua hàng online, có bill chuyển hàng, không gặp trực tiếp để lừa đảo nạn nhân. Công tác xác minh, điều tra gặp nhiều khó khăn do một số nạn nhân còn tâm lý e ngại, xấu hổ, sợ người thân biết nên trình báo không kịp thời, dẫn đến việc truy xét nóng, thu thập thông tin, tài liệu gặp nhiều khó khăn...
Tại Bắc Kạn, tháng 5/2024, anh P.C.C (SN 2000), trú xã Quân Hà, huyện Bạch Thông lướt Facebook thấy tài khoản "Phát điện" đăng bài bán máy làm lốp xe máy với giá 7 triệu đồng nên đã liên hệ để mua. Sau đó, anh được hướng dẫn kết bạn với tài khoản Zalo "Chuyên Máy Nhật Bãi", thoả thuận mua máy và được yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản, rồi sẽ trả hàng qua xe khách.
Anh C càng yên tâm hơn khi nhận được cuộc gọi từ nhà xe để xác nhận địa chỉ, tuy nhiên sau nửa tháng vẫn không thấy ai gọi nhận hàng. Lúc này anh gọi vào số điện thoại của nhà xe, nhắn tin cho Facebook người bán nhưng không liên lạc được, mới vỡ lẽ mình đã bị lừa.
Nhóm 4 đối tượng: Trần Văn Thống, Hoàng Đức Ngôn, Nguyễn Đình Tuấn, Dương Văn Minh bị bắt giữ.
Vào cuộc điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bạch Thông, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp Công an thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bắt giữ nhóm 4 đối tượng gồm: Trần Văn Thống (SN 1993), trú tại thôn Bến, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; Dương Văn Minh (SN 1991), trú tại tổ dân phố Nhập Thành, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Đình Tuấn (SN 1993), trú tại thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; Hoàng Đức Ngôn (SN 1987), trú tại thôn Đồng Diện, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Các đối tượng thừa nhận, thường tụ tập tại một quán internet trên địa bàn thị xã Việt Yên, sử dụng các tài khoản Facebook, Zalo khác nhau để lừa đảo. Khi có người hỏi mua, các đối tượng yêu cầu đặt cọc tiền hoặc chuyển toàn bộ số tiền theo giá đăng bán, sau đó chiếm đoạt và cắt liên lạc. Riêng đối tượng Tuấn thường xuyên sử dụng tài khoản "Nông Cơ Anh Tuan" chào bán các mặt hàng máy nông nghiệp, máy cơ khí, thiết bị sửa chữa… trong các hội nhóm. Khi có khách đặt hàng gửi qua xe khách, Tuấn nhờ các đối tượng còn lại giả vờ làm nhà xe chở hàng liên hệ.
Để tạo lòng tin, các đối tượng "phân vai" tiếp nhận thông tin, tư vấn bán sản phẩm nhiệt tình, nhà xe liên lạc và đưa ra mức giá thấp hơn so với thị trường, tạo sự tiện lợi khi mua sắm online, khiến nhiều nạn nhân sập bẫy...
Để tạo lòng tin, thời gian đầu, Quỳnh mượn tiền cũng như mua nông sản đều trả nợ đầy đủ, đúng hẹn. Tuy nhiên khi mượn được hơn 1 tỷ đồng của anh Trung, hơn 91 triệu đồng nông sản của anh Tuấn, đối tượng trên lại đem trả nợ và tiêu xài.