Tối 13-3, tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, đã diễn ra lễ tưởng niệm 35 năm ngày 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo (14.3.1988-14.3.2023).
Lễ tưởng niệm 35 năm ngày 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo . Ảnh: KỲ NAM
Bi hùng Gạc Ma
Trong không gian tĩnh lặng, thượng tá Nguyễn Văn Hải, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa, phát biểu: "Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn…".
Cách đây 35 năm, vào ngày 14-3-1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Các cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường bám trụ, thành vòng tròn nằm lại trong lòng biển khơi trở thành một vòng tròn bất tử thiêng liêng khẳng định sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc Việt Nam.
Ông Trương Tấn Sang - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy Ban MTTQ tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo Báo Người Lao Động đã dâng hương, dâng hoa lên Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Các đoàn đại biểu cùng đến khu mộ gió để dâng hương, Khu Trưng bày ngầm cùng nhau thả 64 hoa đăng nhằm tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.
Tại Khu Trưng bày các kỷ vật, đoàn đã ôn lại sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988. Với lực lượng tàu chiến hùng hậu, trang bị vũ khí hiện đại, Trung Quốc đã bất ngờ tấn công, bắn chìm, cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số bãi đá ngầm của ta. Với quyết tâm "Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính", cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh Hải quân xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc xẻng, xà beng và súng bộ binh nhưng đã mưu trí, sáng tạo, chủ động, thực hiện nghiêm đối sách bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân. Trong thời khắc sinh tử, những tấm gương anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, như trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, đại úy Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng tàu HQ 604, thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma… vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, thiếu úy Trần Văn Phương quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: "Không được lùi bước, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân".
Đó còn là hình ảnh thuyền trưởng, thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ505 vừa chiến đấu vừa nhanh chóng lao lên đảo đá Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm.
Cờ Tổ quốc từ chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” được trao tặng ngư dân tỉnh Khánh Hòa tại lễ kỷ niệm. Ảnh: KỲ NAM
Lễ tưởng niệm đầy ý nghĩa
Lễ tưởng niêm 35 năm sự kiện Gạc Ma gồm 3 phần biểu diễn nghệ thuật. Phần 1 mang tên "Khúc tráng ca vĩnh cửu" với các bài hát "Nơi đảo xa", "Tình ta biển bạc đồng xanh", "Tổ quốc gọi tên mình".
Ở phần này, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đã trao tặng 15.000 lá cờ Tổ quốc từ hai hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" và "Đường cờ Tổ quốc" thuộc chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động phát động, thực hiện. Trong đó có 9.000 lá cờ từ hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" trao cho ngư dân của 9 nghiệp đoàn nghề cá, 6.000 lá cờ từ hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" trao cho tổ chức Đoàn Thanh niên để thực hiện các tuyến đường cờ Tổ quốc.
Phần 2 buổi lễ mang tên "Trọn lời thề giữ biển", với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật: "Giữ biển", "Mộ sóng", "Bà mẹ Gạc Ma". Kết thúc phần 2 là chương trình tặng quà tri ân 4 thân nhân gia đình liệt sĩ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Ông Trương Tấn Sang, ông Trương Hòa Bình, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cùng lãnh đạo Báo Người Lao Động trao tặng 50 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) hỗ trợ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân - lao động nghèo, vượt khó, học giỏi.
Phần 3 mang tên "Vòng tròn bất tử" với biểu diễn nghệ thuật "Trường Sa đó là nhà", "Bay qua biển Đông", "Khánh Hòa ngày mới" và chương trình "Trao tặng cây tri ân" với 64 cây mai vàng và 64 cây kèn hồng.
Có mặt tại lễ tưởng niệm, bà Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh - người đã hy sinh anh dũng cùng tàu HQ 604 trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, cho biết dù đã 35 năm trôi qua, thi hài của ông Doanh cùng nhiều đồng đội vẫn nằm lại Gạc Ma. Con gái mồ côi cha từ khi lên 2 tuổi. Từ khi có Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, gia đình bà và người nhà các chiến sĩ coi như ngôi mộ chung. "Tôi thực sự xúc động khi được đoàn công tác của nguyên Chủ tịch nước, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, cùng nhiều cơ quan đoàn thể đã dâng hương, dâng hoa tại tượng đài tưởng niệm và khu mộ gió. Tôi cảm thấy rất ấm áp, tự hào vô cùng" - bà Hà bày tỏ.
Theo Ban Quản lý Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, từ ngày 10-3 đến nay, khu tưởng niệm này đã đón hơn 500.000 lượt khách đến viếng, dâng hương, hoa. Ban quản lý đã chuẩn bị chu đáo hơn để đón người dân cả nước đến thăm viếng với việc chăm bón cây xanh, bố trí khu vực phục vụ nước giải khát, chuẩn bị đồ lưu niệm là những vỏ sò, ốc gắn liền với Trường Sa.
Nguyện mãi tiếp bước
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa trong thông cáo của mình cho biết lễ tưởng niệm 35 năm sự kiện Gạc Ma và chương trình nghệ thuật diễn ra tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu. Chúng ta xin nguyện mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ.