Chuyên mục  


Ngày 27-7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu đoàn công tác đến An Giang khảo sát thực địa và có buổi làm việc liên quan dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Tổng mức đầu tư gần 44.700 tỉ đồng

Đây là dự án nhằm mục tiêu hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) qua An Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, đường cao tốc này phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.

Dự án còn tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng ĐBSCL với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (giữa) trong chuyến thị sát dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào ngày 27-7

Báo cáo Phó Thủ tướng và đoàn công tác, đơn vị tư vấn cho biết dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu giao với Quốc lộ (QL) 91, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Chiều dài toàn tuyến 188,2 km, với tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang hơn 56 km, TP Cần Thơ hơn 37 km, tỉnh Hậu Giang hơn 37 km và tỉnh Sóc Trăng hơn 56 km. Riêng đoạn qua địa phận tỉnh An Giang được xác định từ tuyến tránh QL91 (xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc) đến huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.799 tỉ đồng.

Trong buổi khảo sát thực địa tại huyện Châu Phú, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nêu vấn đề số lượng cát sử dụng cho dự án là rất lớn, trữ lượng chính được khai thác ở An Giang, Đồng Tháp và Sóc Trăng. Chỉ riêng nguồn cát vàng dùng cho xây dựng lấy tại mỏ Tân Châu là 1,6 triệu m3. Do đó, các địa phương có mỏ cát cần ưu tiên cho dự án.

Tái định cư gắn liền sinh kế

Liên quan việc bố trí tái định cư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng lưu ý địa phương nên chọn nơi gần các nút giao của tuyến cao tốc. Có sự đồng thuận của người dân trong việc bố trí tái định cư thì công tác giải phóng mặt bằng diễn ra sẽ nhanh hơn.

Về phía tỉnh An Giang, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ GTVT thúc đẩy việc thẩm định thiết kế để tỉnh An Giang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, có thể khởi công dự án vào ngày 20-8-2023 (nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng). UBND tỉnh An Giang cũng cam kết sẽ phối hợp với TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng thống nhất kế hoạch triển khai để bảo đảm đồng bộ cho toàn dự án.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, kiến nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc lựa chọn khu tái định cư có ý nghĩa quan trọng trong việc giải phóng mặt bằng nhanh và thuận lợi, do đó các địa phương cần lưu ý khi quy hoạch các khu tái định cư cần chọn những khu vực thuận lợi cho sinh kế của người dân. Về nguồn cát phục vụ dự án, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Không đủ vật liệu xây dựng thì không thể làm nhanh được. Địa phương và đơn vị tư vấn lưu ý khi khảo sát các mỏ cát, nên chọn những mỏ chuẩn, ở vị trí thuận lợi". 

Bảo đảm tiến độ và đúng luật

Chiều 27-7, UBND TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang. Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang được triển khai trên địa phận quận Cái Răng (TP Cần Thơ) và các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), có tổng mức đầu tư 10.370 tỉ đồng. Trong đó, tổng chiều dài đường cao tốc đoạn qua TP Cần Thơ là 0,6 km tuyến chính và 9,6 km tuyến nối; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 618 tỉ đồng. Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận, thông tin: "Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến tháng 11 năm nay phải hoàn thành GPMB 70% và giải ngân tối thiểu 70% trong khoản chi phí hơn 618 tỉ đồng. Kiến nghị Cần Thơ chủ động thực hiện chỉ định thầu các gói thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu triển khai công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù GPMB và tái định cư".

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, giao Sở GTVT, Văn phòng UBND TP tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư tiểu dự án GPMB thuộc dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và trong sáng 28-7 phải thực hiện xong. Ngay sau khi ban hành quyết định này, UBND quận Cái Răng sẽ có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, phối hợp Ban QLDA Mỹ Thuận lập hồ sơ thủ tục, nhận ranh mốc, GPMB, bố trí TĐC theo quy định. "Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở GTVT cần hướng dẫn cho UBND quận Cái Răng có văn bản đăng ký kế hoạch vốn cho dự án gửi UBND thành phố. Nguyên tắc tính toán bảo đảm vừa đúng vừa đủ khả năng, bảo đảm tiến độ và đúng luật. Từ nay đến cuối năm 2022, quận có kế hoạch đăng ký vốn cụ thể và lập kế hoạch giải ngân đạt tiến độ đề ra" - ông Nguyễn Ngọc Hè nói.

C.Linh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020