Chuyên mục  


Ngày 27-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với UBND TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội trong 7 tháng đầu năm 2022 và một số dự án đầu tư công trọng điểm tại thành phố.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM; ông Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; bà Ðào Hồng Lan, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

Kiến nghị hàng loạt vấn đề nóng

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, dự án đường Vành đai 3 được triển khai thuận lợi, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư tuyến đường này, thành phố và các địa phương có dự án đi qua cũng triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết triển khai thực hiện dự án và bố trí vốn cho dự án đường Vành đai 3. "Thành phố rất mong trong tháng 7 có nghị quyết cho đường Vành đai 3 và sớm có vốn để lập kế hoạch" - ông Phan Văn Mãi nói. Cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông, Chủ tịch UBND TP HCM đã có kiến nghị Thủ tướng về dự án đường Vành đai 4; tháo gỡ vướng mắc cho dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án...

Theo ông Phan Văn Mãi, khu vực trung tâm thành phố có những dự án đất công xen cài có thể là đường đi, không gian chung nhưng phân rất nhiều mảnh; phải đấu giá từng mảnh nhỏ, mất thời gian. Ðặc biệt, nếu không phải cùng một nhà đầu tư trúng thầu thì không triển khai dự án được. "Ðây là bất cập rất lớn. Chính vì vậy, nhiều khu đất vàng, kim cương nằm ở trung tâm thành phố chưa triển khai được" - ông Phan Văn Mãi nêu thực trạng. Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận cho UBND TP HCM được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với phần đất công nằm xen cài trong các khu đất, được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Về công tác quản lý nhà đất theo Nghị định 167/2017, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết quy định về quản lý, cho thuê nhà đất trên địa bàn thành phố vừa qua đã gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách. Bởi không khai thác được quỹ đất mà còn bỏ tiền ra để bảo vệ. Trong thời gian chờ sửa đổi các quy định liên quan, nhằm tránh lãng phí hơn 1.400 cơ sở nhà đất, TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho thành phố được thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê tài sản này; đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính sớm hướng dẫn cho TP HCM giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập đấu giá cho thuê và hướng dẫn thành phố phương pháp xác định giá khởi điểm đấu giá cho thuê các tài sản này.

UBND TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận sử dụng 3 khu đất (khu đất tại lô C8A - khu A - đô thị mới Nam thành phố, quận 7; khu đất tại 762 Bình Quới, quận Bình Thạnh và khu đất 232 Ðỗ Xuân Hợp, TP Thủ Ðức) để thanh toán hợp đồng BT dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1. "Sau khi được Chính phủ chấp thuận, TP HCM sẽ thực hiện thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng và đúng quy định" - Chủ tịch UBND TP HCM nói.

Ðặc biệt, ông Phan Văn Mãi thông tin thành phố đang tập trung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội để trình Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành nghị quyết mới cho TP HCM. "Khi xây dựng các cơ chế đặc thù, TP HCM chưa lường hết được những khó khăn, nhất là sau 1 năm thực hiện chính quyền đô thị bộc lộ một số vướng mắc. Vì vậy, thời gian tới, TP HCM kiến nghị Chính phủ cho định hướng xác định các cơ chế vượt trội để trung ương xem xét cho phép TP HCM chủ động hơn trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân sách tài chính, tổ chức bộ máy…" - ông Phan Văn Mãi đề xuất. Về tổ chức bộ máy, TP HCM mong muốn trung ương cho thành phố rà soát lại, đánh giá, tổ chức biên chế theo thực trạng của thành phố. Theo đó, cho TP HCM có sự linh hoạt do quy mô lớn, có thể cộng trừ 10%-15% biên chế để chủ động hơn trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với UBND TP HCM. Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP HCM

Ðầu tư cho TP HCM 1 đồng sẽ tăng 3-4 đồng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh quan điểm của Bộ Nội vụ là tiếp tục phân cấp mạnh cho TP HCM. Về biên chế công chức, viên chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận do điều kiện công việc thực tế, TP HCM đang dôi dư một số công chức, viên chức so với tổng biên chế được phân. Việc trả lương cho số công chức, viên chức này không ảnh hưởng ngân sách trung ương, mà lấy từ ngân sách thành phố. Tuy nhiên, về quy định, việc này chưa ổn. Từ đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiến nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu chính sách đặc thù cho TP HCM về biên chế công chức, viên chức. Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý nên nghiên cứu chính sách đặc thù cho TP HCM theo hướng tăng con người (biên chế công chức, viên chức) hoặc có cơ chế tăng lương vì tại thành phố, một phường dân số có khi bằng một huyện của tỉnh khác.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương TP HCM sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 đã nhanh chóng phục hồi kinh tế - xã hội, phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Thành tích của TP HCM đã góp phần rất lớn vào thành tích chung của cả nước, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chống suy thoái, bảo đảm được 5 cân đối lớn của nền kinh tế. Theo Thủ tướng, đến nay, TP HCM thu ngân sách hơn 282.000 tỉ đồng, bằng 1/3 cả nước. "Như tôi đã nói, đầu tư phát triển cho TP HCM 1 đồng sẽ tăng 3-4 đồng so với 1 đồng đầu tư ở nơi khác. TP HCM tăng trưởng tốt, thu ngân sách tốt nên có chính sách ưu tiên cho TP HCM là vậy. Tất nhiên, thực tế vẫn chưa tương xứng với nguồn lực, tiềm năng TP HCM sẵn có" - Thủ tướng nhận xét.

Thủ tướng lưu ý TP HCM một số công việc quan trọng cần tập trung trong thời gian tới, như tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch… Ðối với vướng mắc tại một số dự án liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm tra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách giải quyết. "Tinh thần chung là không hợp thức hóa cái sai mà tìm ra cơ chế, chính sách, giải pháp để tháo gỡ những tồn đọng để tiếp tục triển khai các công việc" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Liên quan các kiến nghị của TP HCM, Thủ tướng khẳng định cơ bản đồng ý. Theo đó, Chính phủ sẽ có nghị quyết như kiến nghị của TP HCM, để sớm triển khai dự án đường Vành đai 3; có nghị quyết tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, vì vậy, TP HCM phải triển khai nhanh tuyến đường dẫn vào nhà ga T3.

Về kiến nghị liên quan dự án metro số 1, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với UBND TP HCM để trong tháng 8-2022 trình dự thảo nghị quyết lên Chính phủ thông qua. Liên quan đến quản lý nhà đất, quỹ đất thanh toán hợp đồng BT, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành cùng với TP HCM bắt tay làm để sớm có giải pháp. "Tinh thần của Chính phủ là có tổ công tác để thường xuyên làm việc với TP HCM. Tổ trưởng sẽ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các thành viên là thứ trưởng các bộ liên quan, có nhiều đầu việc với TP HCM. Phía TP HCM sẽ do Chủ tịch UBND TP HCM đứng đầu để cùng tập trung tháo gỡ vướng mắc" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. Ông cho rằng mô hình làm việc này được thí điểm ở TP HCM, sau đó sẽ triển khai ở các tỉnh. 

Kéo dài các tuyến metro

Sáng 27-7, tại chuyến thị sát tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP HCM làm việc với Bình Dương để kéo dài tuyến metro số 1; đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu, tài trợ TP HCM thực hiện một số tuyến metro khác vì đã có kinh nghiệm làm tuyến số 1. Ðồng thời, đề nghị thúc đẩy triển khai nhanh tuyến 3A (Bến Thành - Tân Kiên), từ đó nghiên cứu kéo dài metro từ Bình Chánh đi Cần Thơ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thị sát tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ðặc biệt, Thủ tướng cũng trao đổi với phía Nhật Bản về mô hình ODA kiểu mới để có thủ tục đơn giản, lãi suất thấp nhất có thể, thời gian vay dài nhất có thể nhằm phát triển nhanh các tuyến metro của thành phố và kết nối khu vực lân cận.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020