Đó là ý kiến của tiến sĩ Võ Thị Kim Oanh (ảnh), Trưởng khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên xung quanh việc người trẻ thiếu hiểu biết pháp luật.
Ảnh: NVCC |
Tình hình vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên nói chung và người dưới 18 tuổi nói riêng đang có chiều hướng gia tăng. Sự gia tăng này là sự báo động với xã hội vì tuổi người phạm tội ngày càng trẻ.
Theo bà, nguyên nhân của xu hướng trên là gì?
Bản thân người trẻ do đặc thù lứa tuổi dễ có hành vi bốc đồng, hiếu thắng, muốn thể hiện và khẳng định bản thân. Chính điều đó dễ đẩy đưa họ vào các hành vi quá khích, mà ranh giới phạm tội và hành vi đó lại rất gần. Chỉ cần một lời nói, một ánh mắt cũng có thể bị kích động, khó kiềm chế và dẫn đến những sai lầm. Nhưng không phải chỉ giới trẻ, môi trường xã hội và sự quan tâm không đúng cách của gia đình cũng tác động đến hành vi người trẻ. Tất cả tạo nên sự tương tác tổng hợp làm cho người trẻ dễ có những sai phạm.
Qua nhiều sự việc diễn ra trong đời sống tưởng như đùa đã nói lên sự thật rằng không ít người trẻ hiện nay phạm pháp do thiếu kiến thức về pháp luật. Theo bà điều này có đúng không?
Phải thừa nhận rằng sự quan tâm của người trẻ đến pháp luật hiện nay rất kém. Không chỉ người trẻ mà ngay cả người lớn cũng chỉ quan tâm tới nó khi họ cần, nhưng để phòng ngừa sai phạm thì cần phải biết trước. Tôi rất mong muốn việc hiểu biết pháp luật phải có từ sớm, phải thường xuyên, liên tục chứ không chỉ vào ĐH mới bắt đầu học luật. Ngay khi trẻ biết nhận thức thì phải dạy cho trẻ, như những ứng xử bình thường trong cuộc sống. Khi đó, pháp luật sẽ hiện diện tự nhiên trong đời sống xã hội.
Không chỉ thiếu quan tâm tới pháp luật, một bộ phận người trẻ ngày nay còn rất thờ ơ và vô cảm trước thực tế xã hội. Ví dụ ra đường gặp tai nạn nhưng chỉ đứng nhìn hoặc chụp ảnh đưa lên mạng, đến đám tang cười nói, chụp ảnh… Ở họ đôi khi không có khái niệm chung sức chia sẻ những khó khăn của người khác, ít có sự cảm thông, cảm xúc với cộng đồng, không biết đau với nỗi đau chung…
Sinh viên ngành luật tuyên truyền pháp luật cho bạn trẻ
Ảnh: CTV
|
Theo bà, để khắc phục những hiện tượng trên, chúng ta cần làm gì?
Vai trò của gia đình rất quan trọng và người lớn phải làm gương trước. Chẳng hạn, xung quanh việc gian lận thi cử ở Sơn La và Hòa Bình, dù cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về vụ việc, nhưng giả sử phụ huynh có can thiệp nâng điểm cho con mình thì sự quan tâm của các bậc phụ huynh ở đây chưa đúng cách. Khi sự quan tâm được thực hiện bằng con đường trái luật, có thể để lại hậu quả lớn không chỉ bản thân họ mà cả con cái, đặc biệt có tác động tiêu cực đến nhận thức của người trẻ.
Vì vậy, giáo dục pháp luật không chỉ ở trường mà ngay trong gia đình. Nó là hoạt động thường xuyên, liên tục mọi lúc, mọi nơi, không chỉ văn bản mà bằng chính sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật. Gia đình là môi trường sống trực tiếp tác động đến nhận thức của đứa trẻ. Nếu môi trường tốt, người trẻ sẽ phát triển lành mạnh, còn môi trường nhiều sai phạm sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức của người trẻ.
Một người có hiểu biết pháp luật sẽ có những lợi ích gì, thưa bà?
Nếu bản thân họ là người hiểu biết pháp luật thì lợi ích trước hết, bản thân họ tránh được sai phạm và có cơ hội để phát triển thành một công dân tốt. Ngược lại, một người không quan tâm pháp luật thì dễ sai phạm do kém hiểu biết hoặc lầm tưởng trong việc lựa chọn hành vi xử sự của mình.
Tôi từng biết một sinh viên, khi đi dạy kèm cho một học sinh 15 tuổi và trong quá trình dạy kèm nảy sinh tình cảm, có quan hệ dẫn tới có thai. Trong suy nghĩ của sinh viên, chuyện này là bình thường, nhưng theo quy định pháp luật, người đủ 18 tuổi trở lên giao cấu với người dưới 16 tuổi gây có thai, dù hai bên tự nguyện vẫn vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bà có lời khuyên nào với người trẻ để có cuộc sống ít sai lầm nhất?
Bản thân người trẻ phải tự mình rèn giũa, tìm hiểu quy định pháp luật để lựa chọn hành vi, cách xử sự phù hợp nhất mà pháp luật cho phép.
Nhưng không chỉ những quy định pháp luật thuần túy, bản thân họ còn phải tự trau dồi để có được những ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Có những trường hợp dù hiểu biết pháp luật nhưng cố tình không chấp hành đúng quy định thì ở đây là coi thường pháp luật. Vì vậy, người trẻ cần có lối sống tích cực, tôn trọng pháp luật, tôn trọng mình và những người xung quanh.
Ví dụ, gần đây nhiều người trẻ theo dõi Khá Bảnh là một biểu hiện của khuynh hướng lệch lạc trong nhận thức và nhu cầu. Trong đó, nhu cầu ở đây là thích được nổi trội trong một diễn đàn mạng xã hội và nhu cầu này xuất phát từ nhận thức. Điều này rất nguy hiểm vì chính những nhận thức lệch lạc và nhu cầu biến tướng đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các sai phạm pháp luật.