Chuyên mục  


Người dân khu đô thị mới Đại Kim từng khốn đốn vì mất nước sạch kéo dài. Ảnh: Lê Bảo

Nỗi lo mất nước sinh hoạt khi hè đến

Nhiều năm nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sạch tại Hà Nội đã diễn ra khá phức tạp và diễn ra tại nhiều khu dân cư, chung cư mỗi khi hè đến khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Một số người dân cho biết, cuộc sống ở thành phố không thể thiếu điện và nước. Vì vậy hè đến, vấn đề nước sạch đã và đang khiến nhiều người quan tâm. Đặc biệt trong những ngày qua, tại Hà Nội đã ghi nhận một vài trường hợp gặp sự cố về nước lại càng khiến người dân tỏ ra lo lắng.

Theo phản ánh của cư dân sinh sống tại các tòa chung cư thuộc khu đô thị Ngoại Giao Đoàn (Bắc Từ Liêm) trong các ngày 10 - 11/5 vừa qua đã phải chịu cảnh khốn đốn vì thiếu nước sạch. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, các tòa chung cư đã phải mua nước sạch bên ngoài với mức giá 1,5 triệu đồng/xe cung ứng tạm cho cư dân. Tuy nhiên, nhu cầu của hàng trăm cư dân trên các tòa nhà quá lớn nên việc mua nước từ xe bồn chỉ là tình thế tạm thời. Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước tại đây do Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy tiến hành đấu nối, xúc xả đường ống cấp nước cho dự án Đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.

Trước đó, trong các mùa hè từ năm 2014 đến hè 2018, tình trạng thiếu nước sạch đã từng diễn ra tại nhiều nơi với tình trạng cấp bách, ví dụ tại: Cụm chung cư nhà liền kề từ B1 đến B5 khu đô thị Đại Kim (Hoàng Mai); cư dân thuộc Tổ 21 phường Yên Sở (Hoàng Mai); chung cư như Rice City; chung cư VP3 Linh Đàm; chung cư HUD3 Linh Đàm; chung cư CT12 Văn Phú. Thậm chí, tại một chung cư cao cấp thuộc phường Mỗ Lao (Hà Đông) cũng xảy ra thiếu nước trong năm 2018.

Ngoài ra, trong tháng 4 và đầu tháng 5/2019, tại nhiều chung cư tại quận Hà Đông như: Chung cư Victoria Văn Phú, CT7 Dương Nội, The Vesta Hà Đông… hoặc một số tòa thuộc chung cư Thanh Hà (Tả Thanh Oai) xuất hiện tình trạng nước sinh hoạt bị tố nhiễm bẩn. Việc nước sinh hoạt được cho là nhiễm bẩn, đục khiến nhiều cư dân lo lắng, đặc biệt đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Trước tình trạng xuất hiện nước bị nhiễm bẩn, có mùi lạ hoặc màu lạ, cư dân đã tự lấy mẫu xét nghiệm đồng thời yêu cầu phía ban quản lý cũng như các đơn vị liên quan vào cuộc xử lý.

Dân lo trữ nước giữa… lưng trời

Hầu hết các hộ gia đình sinh sống ở nhà mặt đất đều xây bể ngầm đề phòng trường hợp nước mất, hoặc thiếu vẫn có thể “cầm cự” trong vài ngày. Tuy nhiên, với những gia đình sinh sống tại chung cư trong nhiều năm qua lại tỏ ra khá lo lắng về việc tình trạng thiếu nước sinh hoạt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rất nhiều người dân đã quá ngán ngẩm với cảnh xách từng xô, can nước từ tầng 1 lên các tầng trên cao trong những năm qua.

Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình đã có những biện pháp tạm thời như lắp đặt bồn nước dự trữ trên nóc nhà tắm, nhà vệ sinh để dự trữ, hoặc mua thêm thùng nhựa đựng nước với dung tích lớn để dự trữ khi cần. Tuy nhiên, việc lắp đặt bồn inox dự trữ nước như vậy lại dấy lên nỗi lo về sự an toàn đối với người dân. Anh Mạnh - một cư dân sinh sống tại tòa Rice City Linh Đàm cho biết: “Những năm trước, tại tòa nhà đã ghi nhận tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhiều cư dân đã quá ngán với việc xách từng can nước, xô nước lên căn hộ để sinh hoạt. Vì vậy, nhà tôi và nhiều chủ căn hộ khác đã bỏ tiền để lắp đặt bồn chứa nước bằng inox tự chế trên nóc nhà vệ sinh có dung tích khoảng 1m3 để dự trữ nước khi cần”.

Hoặc đơn cử như việc nhiều hộ gia đình sinh sống tại chung cư đã tự sắm những thùng nhựa có dung tích 200 lít để đựng nước dự trữ. “Nếu Ban quản lý tòa nhà có thông báo về tình trạng thiếu nước, ngừng cung cấp để sửa chữa đường ống hoặc thau bể ngầm là gia đình tôi lại phải huy động tất cả vật dụng trong nhà mang ra đựng nước dự trữ”, chị Tú - một cư dân sinh sống tại một chung cư ở quận Hà Đông cho hay.

UBND TP Hà Nội chỉ đạo, không để mất nước cục bộ

Tập thể UBND TP Hà Nội thống nhất dự thảo Kế hoạch cấp nước sạch mùa Hè năm 2019 trên địa bàn thành phố; giao Sở Xây dựng hoàn thiện, báo cáo UBND thành phố trình Thường trực Thành ủy phê duyệt để triển khai thực hiện. Về một số nhiệm vụ trọng tâm, giao Sở Xây dựng tập trung đôn đốc các đơn vị cấp nước thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình cấp nước sạch tại các khu vực, xác định các khu vực nguồn nước còn thiếu để kịp thời lên phương án bổ cập, không để xảy ra tình trạng mất nước cục bộ. Chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra, tiến hành đóng giếng khoan nước bị nhiễm độc asen, phối hợp với Sở Y tế thực hiện lấy mẫu nước kiểm tra đảm bảo đạt chuẩn. Khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ phát triển các mạng cấp nước sạch trên địa bàn. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự án nhà máy nước mặt sông Hồng, khẩn trương lắp đặt thiết bị để đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả. Chỉ đạo các đơn vị cấp nước của thành phố tích cực và nghiêm túc phối hợp với Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch đến các hộ dân trong vùng quy hoạch cấp nước.

Giữa Thủ đô, phải mua 200.000 đồng/m3 nước sạch

Lê Bảo

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020