Chuyên mục  


Vượt cửa tử ngoạn mục

Một ngày đầu năm 2024, trong phòng làm việc khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, chị Vũ Thị Nhung quay cuồng với công việc chuyên môn cùng các đồng nghiệp khác. Sức khoẻ chị đã ổn định, chỉ hôm nào thời tiết thay đổi chị dễ bị viêm đường hô hấp do từng tổn thương nặng sau đám cháy kinh hoàng tháng 9 năm ngoái.

Đã 7 tháng sau vụ cháy, nhưng những mảnh ký ức đau thương với chị như vừa xảy ra hôm qua. “Đêm hôm đó, khi hoàn thành mọi việc và chuẩn bị đi ngủ, tôi nghe thấy tiếng ầm ầm bên dưới, còn nghĩ ai đó cãi nhau. Cả nhà nhìn qua cửa sổ mới biết có cháy. Trong nhà ngoài hai vợ chồng còn em gái tôi. Cả nhà bảo nhau lấy khẩu trang, khăn ướt chạy lên sân thượng”, chị Nhung nhớ lại.

Mở cửa, khói ùa vào, chị và em gái không thể chạy được do khói đen xộc vào mũi. Hai người quay lại căn hộ, tìm khăn nhúng nước để ngăn khói. Do em gái sức khỏe không tốt nên chị dặn cô lấy khăn ướt che mũi, miệng còn bản thân chạy đi lấy xô nước, chăn để chặn cửa.

Sau vài tiếng, đám cháy được dập tắt nhưng lượng khói bốc lên vẫn rất nhiều, chị Nhung rơi vào bất tỉnh. May mắn, đội cứu hộ kịp thời tiếp cận, chị được đưa xuống bằng cáng và chuyển đi cấp cứu.

nu-bac-si-benh-vien-bach-mai-22230748-1710762168247-17107621685411729242502.jpg

Nhịp sống và công việc của chị Nhung trở lại như trước.

Chị Nhung rơi vào trạng thái sốc, hôn mê do ngạt khói, suy hô hấp, suy đa tạng do nhiễm khí độc, viêm phổi, nhiễm toan nặng, tình trạng rất nguy cấp, tưởng không qua khỏi.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, chị dần hồi tỉnh, tiến triển tích cực và có phản xạ, nhận biết được đang cấp cứu tại bệnh viện nơi mình công tác. “Tôi tỉnh lại thấy nhiều người thân đứng từ xa nhìn. Dù miệng và họng rất đau nhưng vẫn cố thều thào 'tôi đang ở đâu'. Lúc đó các bác sĩ mới nói mọi sự cho tôi hiểu”, chị Nhung nói.

Biết gia đình đều ổn, chị như có thêm động lực, yên tâm điều trị. Những ngày đầu rút ống nội khí quản, chị ho sặc sụa ra máu, mạt đen, đờm đen kịt. Cổ họng, lưỡi loét rát vì ngộ độc CO, uống nước cũng khó.

Chị Nhung cắn răng chịu đau, uống từng ngụm sữa nhỏ. Thời gian đầu, chị mất 30-40 phút để uống một ly sữa. “Có ngày 12h đêm tôi vẫn cố gắng uống sữa vì mong sớm trở về nhà, được gặp con”, chị Nhung nói.

Trở lại nhịp sống

Suốt thời gian nằm viện, cứ một tuần hai lần chị Nhung được các bác sĩ kiểm tra tâm lý. May mắn các chỉ số thần kinh của chị ổn định. Chị bình phục và xuất viện sau gần một tháng điều trị, chăm sóc đặc biệt.

bs-nhung-22362831-1710762169702-1710762169833456851867.jpg

Bác sĩ Nhung ngày ra viện, nhận gần 1,4 tỷ đồng do cán bộ công nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai, công đoàn ngành y tế và các đồng nghiệp của các bệnh viện ban quyên góp.

Vợ chồng chị thuê nhà tại phố Chùa Bộc để bắt đầu lại cuộc sống mới. Đồ đạc đủ dùng, chị không sắm sửa gì nhiều ngoài đồ có sẵn. Nơi này gần cơ quan, tiện cho chị đi lại mỗi ngày.

Thời điểm mới từ bệnh viện về nhà, đôi lúc chị vẫn bị choáng, mệt và yếu cơ. Để phục hồi sức khỏe nhanh, mỗi ngày chị Nhung đều đặn đi điều trị oxy cao áp.

Ba tuần sau xuất viện, chị xin cơ quan cho quay trở lại công việc. Ngày đầu mới đi làm, tay chị yếu, viết chữ không thẳng hàng, đi lại nhiều bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu. Tuần làm việc đầu tiên, chị được lãnh đạo khoa ưu ái làm những công việc nhẹ nhàng.

Hiện nhịp sống của vợ chồng chị Nhung và em gái lại trở lại như trước, chỉ khác, con nhỏ được gửi hẳn về quê nhờ bà ngoại chăm sóc.

“Với số tiền được hỗ trợ, chúng tôi đang tìm mua một căn hộ để an cư, lạc nghiệp. Trở về từ cửa tử khiến tôi thêm trân quý cuộc sống này. Chúng tôi mong mọi người lúc nào cũng bình an”, chị Nhung nói.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020