Chuyên mục  


Sắp đến rằm tháng 7 âm lịch cũng là thời gian nhiều người thực hiện các lễ của mùa Vu Lan, phổ biến nhất là tập tục phóng sinh.

Phóng sinh vốn mang ý nghĩa tâm linh rất cao đẹp. Theo quan niệm của Phật giáo là cứu một kiếp người, kéo dài sự sống của một sinh vật nào đó. Chuyện phóng sinh thể hiện cái tâm từ bi của con người. Thế nhưng qua thời gian, trong cuộc sống xô bồ thì câu chuyện phóng sinh lại nhuốm màu bi kịch và không ít người đã làm vẩn đục ý nghĩa vốn có ban đầu.

Chị tôi là một phật tử nên rất tin vào ý nghĩa của tục phóng sinh. Hầu hết những ngày rằm, chị đều mua chim hoặc cá quanh các chùa để thả về tự nhiên. Cách đây không lâu, trong một chuyến du ngoạn về Long An, chị gặp nhiều người đánh lưới đêm trên các cánh đồng mía. Họ bắt được cả ngàn con chim mang ra chợ bán. Con nào chết thì bán cho các quán ăn, con nào còn sống thì bỏ vào lồng chuyển lên thành phố bán cho những người bán chim quanh các đền, chùa… Chị hoảng hốt và dằn vặt về chuyện đó. Chị nói: "Thì ra mình gián tiếp tạo khổ nạn cho loài vật đó sao?". Lẳng lặng từ dạo ấy, chị tự trách mình và không còn dám mua chim phóng sinh nữa.

4-chot-4-1691849228077170624148.jpg

Từng đàn chim bị đánh bẫy để bán cho những người mua để phóng sinh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Có nhu cầu ắt có nguồn cung. Những con chim bị đánh bẫy may mắn còn sống thì trở lại kiếp bị giam cầm. Có ai biết những con chim đó có thể đang trong mùa sinh sản. Bố mẹ bị bắt thì những ổ trứng kia không còn ai ấp. Những chú chim non chờ bố mẹ về bón mồi dần kiệt quệ chết khô. Rất nhiều tổ chim chỉ còn lại những bộ xương bé bỏng. Đô thị dần bành trướng, những cánh rừng dần thu hẹp và những đàn chim dần tan tác. Chúng bị truy bức bằng mọi lý do: bắt để thịt, bắt để giam cầm mua vui qua tiếng hót, bắt để phục vụ cho những thú vui tàn nhẫn và cả bắt để… phóng sinh.

Ngay tháng chạp năm nay, nhiều người đến chùa Diệu Pháp ở quận Bình Thạnh (TP HCM) thả cá phóng sinh ra sông. Than ôi, cá vừa thả xuống đã có một chiếc ghe trờ đến chích điện. Cá trướng bụng nổi lên bị vớt lên ghe. Nhiều người chứng kiến trước mắt nhưng vẫn có người tiếp tục thả cá. Ai yêu cầu thả xuống lại thì chủ ghe đòi phải trả tiền. Những con cá bị chích điện sẽ sống oặt ẹo lớn không nổi và rất khó sinh sản. Tình trạng trên xảy ra ở hầu hết điểm phóng sinh tập trung nên vô tình người phóng sinh giúp kẻ khác thêm tội nghiệp. Phóng sinh như thế thì còn đâu ý nghĩa.

Nhiều sư thầy luôn khuyên phóng sinh phải đúng cách để không bị những người săn bắt lợi dụng để thu lợi. Quan trọng hơn, phóng sinh không chỉ có ý nghĩa là ban tặng sự sống cho những con vật sắp bị giết hoặc giải thoát những con vật đang bị giam cầm mà còn mang ý nghĩa phóng thích những tâm niệm ô uế như tâm tham lam, thù hận, đố kỵ, hơn thua ra khỏi bản thân để mình được tự do. Mua vật săn bắn của những kẻ chuyên nghiệp thì cũng chỉ đủ thỏa mãn những áy náy tâm lý chứ không còn mang ý nghĩa tốt đẹp được ban đầu. Nhìn quanh các đền, chùa nườm nượp người mua, kẻ bán chim trời mà không khỏi xót xa.

Đánh bắt chim hoang dã cũng dễ vi phạm pháp luật. Nhiều địa phương đã nghiêm cấm và xử lý rốt ráo hành vi này. Theo quy định của pháp luật, các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến, kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư có thể bị xử lý hành chính, phạt từ 1 triệu đồng đến 360 triệu đồng hoặc xem xét khởi tố tùy theo mức độ vi phạm.

Duy trì một tập tục ý nghĩa theo đúng cách và xử lý những hành vi vi phạm lợi dụng tập tục này cũng cần đặt tra nghiêm túc. Những người trong cuộc càng hiểu phải rõ hơn điều này. Lòng chỉ thanh thản khi làm được việc ý nghĩa chứ chớ nên tiếp tay cho các hành vi tận diệt cá nước, chim trời. 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020