Nhiều năm qua, cộng đồng thôn Mới, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã đứng ra bảo vệ gần 800 ha rừng tự nhiên, trong đó có hơn 200 ha rừng bảo tồn ở thượng nguồn sông Rào Quán.
Cả thôn Mới chỉ vỏn vẹn 59 hộ dân với hơn 220 nhân khẩu. Để bảo vệ rừng, thôn đã lập tổ bảo vệ rừng gồm 6 thành viên tham gia. Mỗi tháng họ lại "cơm đùm, gạo bới" lên đường tuần tra, giữ rừng. Cứ sau một năm, các hộ dân trong thôn lại luân phiên, thay thế nhau và đảm nhận tốt công việc.
"Rừng ở thôn Mới mọc đều lắm, có cây lên đến vài người ôm. Thú rừng như heo, mang, chồn, cáo… có rất nhiều. Lâu nay, từ trẻ em đến người già trong thôn đều chung tay bảo vệ rừng. Vì thế, không có chuyện xâm hại rừng diễn ra tại đây đâu" - ông Hồ Văn Vân (47 tuổi), thành viên tổ bảo vệ rừng thôn Mới, khẳng định.
Rừng tự nhiên bao quanh đồng ruộng thôn Mới nên nguồn nước sản xuất luôn được bảo đảm
Ở thôn Mới, việc tuần tra, bảo vệ rừng không chỉ có cánh đàn ông, nhiều phụ nữ cũng tham gia vào tổ bảo vệ rừng. Đơn cử như trường hợp chị Hồ Thị Thí (20 tuổi), ngụ thôn Mới. Gần 2 năm nay, Thí tiếp nối, đảm nhận nhiệm vụ tuần tra, giữ rừng thay cho người chồng quá cố. "Đến nay, cứ mỗi tháng vài lần, tôi lại cùng các chú, bác trong thôn đi tuần tra, bảo vệ rừng. Tôi đi theo dấu chân mà chồng tôi ngày trước đã từng đi với quyết tâm bảo vệ rừng thật tốt" - Thí tâm sự.
Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, cho biết 100% người dân ở thôn Mới là đồng bào Vân Kiều. Dù cuộc sống còn khó khăn, điều kiện kinh tế còn eo hẹp nhưng tinh thần giữ rừng của người dân thôn Mới rất cao. "Thôn Mới được bao bọc bốn phía bởi cánh rừng tự nhiên rộng lớn. Khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm, suối khe luôn đầy ắp nước. Để giảm khai thác gỗ rừng làm nhà, chính quyền vận động được nhiều gia đình làm nhà xây tường, chứ không làm nhà sàn áp gỗ như trước. Đến nay, trong thôn có nhiều hộ đã tiên phong làm nhà như thế" - ông Tường thông tin.
Nhờ bảo vệ rừng hiệu quả nên mỗi năm người dân thôn Mới nhận được số tiền 800.000 đồng/ha rừng từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Toàn bộ số tiền này sẽ được ban quản lý thôn chia đều cho từng hộ dân. Bình quân mỗi hộ sẽ nhận được 5-7 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhờ giữ rừng tốt nên 10 ha lúa trong thôn luôn có nước, mỗi năm người dân sản xuất 2 vụ với năng suất không ngừng tăng cao.