Ngoài ra, bão số 5 còn làm 217 cột điện bị gãy đổ; 3 trạm biến áp bị hư hỏng; 3 trụ thông tin bị gãy; 43 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đổ tại Thừa Thiên Huế.
Bão số 5 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Công điện về khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và ứng phó mưa lũ
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện về việc khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và ứng phó với mưa lũ.
Công điện do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ký ngày 19/9, gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Công an.
Công điện nêu rõ, bão số 5 đã đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế gây gió giật mạnh, mưa lớn tại một số tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ. Bão, lũ làm 3 người chết, nhiều người bị thương, nhiều nhà ở của người dân bị tốc mái, hư hại, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là tại Thừa Thiên Huế.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đến chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng, nhất là gia đình có người bị chết, bị thương, sập đổ nhà cửa.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và không khí lạnh, khu vực các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có thể còn tiếp tục mưa lớn trong thời gian tới, để hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ và chủ động ứng phó với mưa lũ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả bão số 5 và mưa lũ, tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích, sập đổ nhà ở; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà ở; hỗ trợ lương thực đối với các hộ có nguy cơ thiếu đói, không để người dân bị thiếu đói; vệ sinh môi trường, khôi phục hoạt động giao thông, sản xuất, sinh hoạt sau bão.
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, kịp thời thông tin, cảnh báo, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo khôi phục công trình thủy lợi, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; tiếp tục chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai khắc phục, khôi phục nhanh hệ thống điện bảo đảm phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy điện.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục ngay các khu vực sạt lở trên các tuyến giao thông chính, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên tuyến đường Hồ Chí Minh, các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo khôi phục nhanh hệ thống thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và người dân.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, kịp thời đưa tin diễn biến thiên tai và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.
Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Nguyễn Dương