Theo họa sĩ điêu khắc Yến Năng (người thiết kế các tác phẩm trong sự kiện nghệ thuật trên), sự kiện nghệ thuật Xá tội vong nhân sẽ diễn ra từ 18 giờ 30-19 giờ ngày 2.9 tại Ngõ 301, Hồng Hà, Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo đó sẽ trưng bày 10 chú ngựa giấy mini, 1 bộ mũ áo thần linh và một bộ chúng sinh bằng giấy và sau đó tất cả sẽ được hóa vàng, trở thành một tác phẩm điêu khắc bằng lửa đẹp mắt.
Để tìm hiểu thêm về sự kiện đặc biệt này, TNO đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Yến Năng.
* Từ đâu anh nảy ra ý tưởng làm các chú ngựa bé xinh này? Để nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh hay chỉ để thỏa mãn hoạt động nghệ thuật?
Họa sĩ điêu khắc Yến Năng muốn gửi gắm thông điệp cần thay đổi thói quen để truyền thống trở nên thân thiện và văn minh ẢNH: NVCC |
Họa sĩ Yến Năng: Bạn tôi là họa sĩ Lê Đức Hùng vốn sống ở nhà chung cư. Mỗi khi phải dùng vàng mã để cúng, anh ấy gặp nhiều khó khăn như: nhà chật nhỏ, không biết bày vào đâu; cúng xong không biết hóa vàng ở đâu; khi hóa thì nhiều khói bụi quá, nguy cơ cháy nổ cao... Vì vậy anh ấy đề nghị tôi thực hiện dự án thu nhỏ vàng mã để giảm thiểu mọi phiền phức trên. Việc thay đổi này cũng nhằm vừa giữ được nét văn hóa truyền thống đẹp, vừa văn minh, tiết kiệm và an toàn. Đây là một trách nhiệm xã hội nhiều hơn là đam mê nghệ thuật.
Nhiều khách nước ngoài đặt mua ngựa giấy để trang trí như tác phẩm nghệ thuật
ẢNH: NVCC |
* Anh đã gặp những thách thức gì khi thực hiện dự án vàng mã thu nhỏ này?
Chúng tôi bắt đầu lên ý tưởng thiết kế cho dự án này từ đầu năm 2018, nhưng phải đến cuối năm mới có sản phẩm. Từ khi nghĩ ra ý tưởng làm vàng mã thu nhỏ, tôi đã phải tính đến việc sử dụng vật liệu sạch, bảo vệ môi trường. Điều này cần giấy mới, màu in thông thường, không sử dụng màu in có pha ánh kim, pha kim loại, không dùng bất kỳ vật liệu gì khác ngoài giấy nhưng vẫn dựng được nên các hình thù khác như quần áo voi ngựa, nhà xe. Chúng tôi thiết kế trên máy nhiều lần, thử đi thử lại có khi hàng tháng trời mới ưng ý và duyệt mẫu xong, đưa xuống xưởng sản xuất. Phối màu cũng là một thách thức lớn, làm sao chỉ dùng những màu thông thường mà vẫn ra được những hiệu quả bắt mắt về thị giác. Khi làm điêu khắc, tôi phải tính toán đến kết cấu, đến hình thức, đến vật liệu và phải làm thế nào để nó định hình ra được tỉ lệ mà mình mong muốn. Các chú ngựa của tôi thường nhỏ xinh, dài chưa đầy 20cm, trong khi với hàng mã thông thường, có ngựa còn dài tới 2m. Vàng mã truyền thống có rất nhiều kích cỡ, nhưng cỡ trung bình cũng gấp 10 lần của chúng tôi. Tuy nhiên làm các sản phẩm nhỏ cũng mất rất nhiều thời gian để thực hiện thật tỉ mỉ. Và điều quan trọng nhất là phải đảm bảo giữ vệ sinh môi trường. Chất liệu giấy mà chúng tôi sử dụng phải làm sao khi hóa vàng cần tiết kiệm thời gian nhất, khói ít, tàn trắng.
Cần mất một giờ đồng hồ để hoàn thiện một bộ vàng mã cúng chúng sinh, trong đó gồm một mũ thần linh, một đôi giày, một ông ngựa ẢNH: NVCC |
* Mất hơn 1 giờ đồng hồ mới làm xong một bộ vàng mã thu nhỏ, giờ mà đốt, thật tiếc ghê.
- Đúng là nhìn sản phẩm các chú ngựa xinh xinh, nhiều người cũng rất thích. Có một số khách nước ngoài đã mua chúng để làm quà, để trang trí, coi chúng như những tác phẩm nghệ thuật.
Dự án vàng mã thu nhỏ nhằm khuyến khích cộng đồng nhận thức được ra vấn đề giữ gìn môi trường, thực hiện tiết kiệm ẢNH: NVCC |
* Anh muốn gửi gắm điều gì qua sự kiện nghệ thuật chiều tối nay?
- Sự kiện chiều nay, vừa là ngày rằm tháng 7 truyền thống, vừa là một hình thức nghệ thuật cộng đồng độc đáo. Thông qua việc này, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp: hãy thay đổi thói quen để truyền thống trở nên thân thiện và văn minh. Để truyền thống không trở thành gánh nặng mà nó sẽ tiếp sức cho chúng ta. Vấn đề hành động vì môi trường cũng là thông điệp trực tiếp đến mọi người.
* Cám ơn anh Yến Năng, mong rằng thông điệp trên sẽ sớm lan tỏa rộng rãi hơn.