Tập Cổ duệ từ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm là từ tập duy nhất hầu như còn nguyện vẹn tới nay, với đầy đủ đặc trưng về phong cách từ uyển ước. Theo khảo sát của TS.Phạm Văn Ánh (Phó Viện trưởng Viện Văn học), đến nay chỉ còn lại tập từ duy nhất trong từ sử Việt Nam thời trung đại là Cổ duệ từ.
Từ là một trong 5 thể loại văn học nổi bật của Trung Quốc. Đỉnh cao của từ là đời Tống (nên còn được gọi là Tống từ) với thể cách tổng hòa giữa các câu dài ngắn khác nhau, bằng trắc biến hóa nhiều kiểu, biểu hiện ý tình chân thực như kể, như nói. Từ từng được diễn xướng thông qua âm nhạc.
Bìa sách “Cổ duệ từ” của Tùng Thiện Vương do Nguyễn Quang Duy dịch ẢNH: K.M.S |
Trong nền văn học trung đại Việt Nam, từ xuất hiện lần đầu một cách rất đặc biệt. Sách Thiền uyển tập anh đời Trần và bộ Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, thế kỷ thứ 10, triều vua Lê Đại Hành, để tiễn Lý Giác - sứ giả nhà Tống sang nước ta, nhà sư Khuông Việt đã sáng tác từ theo điệu Nguyễn lang quy.
Từ được đánh giá là lối văn học diễm lệ thường xuất hiện nơi ca đài vũ tạ, với công tử trên chiếu lụa, giai nhân chốn màn là. Thế nhưng sau sự xuất hiện đặc biệt bằng lời hát tiễn Lý Giác, Nguyễn Quang Duy cho biết, các thành tựu của từ lại lu mờ đi nhanh chóng đáng kinh ngạc, kéo dài hàng trăm năm. Từ học Việt Nam cứ lóe sáng rồi vụt tắt. Thảng hoặc đâu đó, sáng tác từ thời trung đại vẫn còn thấy dấu vết như thành tựu độc đáo về từ bằng chữ Nôm trong Sơ kính tân trang của Phạm Thái thời Lê mạt, hoặc vài sáng tác một số bài chữ Nôm bám sát cách luật…
Năm 1999, PGS Phan Văn Các (Viện Nghiên cứu Hán-Nôm) đã dịch và xuất bản giới thiệu 14 bài dưới tên Khúc hát gõ mái chèo. Bản dịch tuy công phu nhưng vẫn có những chỗ chưa thật đúng, một số bài từ ngắt câu chưa chuẩn xác. Dịch giả Nguyễn Quang Duy đã chọn bản Cổ duệ từ trên Từ học quý san ở Thượng Hải (Trung Quốc), để dịch toàn bộ 104 bài từ này của bậc thi ông trên văn đàn nhà Nguyễn, người đã làm lu mờ cả tăm tiếng thơ ca thời thịnh Đường như truyền tụng: Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường.
Dịch giả Nguyễn Quang Duy chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, bàn riêng về hình thức, từ đã có vị thế độc lập: câu có nghỉ, có ngắt, bằng trắc hoán chuyển nhịp nhàng, tự thân đã sẵn nhạc điệu và tạo sự cuốn hút. Mượn các hình thức thơ để chuyển dịch sẽ không tránh khỏi rơi rụng đi vận vị của từ. Bởi vậy, tôi bắt tay chuyển ngữ Cổ duệ từ theo hướng: nghiên cứu từng từ điệu trên cơ sở Khâm định từ phổ của nhóm Trần Đình Kính (nhà Thanh, Trung Quốc) và Đường Tống từ cách luật của Long Du Sinh, nắm chỗ nào nghiêm ngặt bằng trắc, chỗ nào có thể linh hoạt, nơi nào gieo vần, nơi nào hết câu; chú thích điển cố văn học và các nhân vật cụ thể được nhắc đến, để độc giả hiểu hơn về ý tứ của từng bài; chọn lựa từ ngữ cho phù hợp với thời đại; cố gắng dịch sao cho sát nhất với phong vận và cách luật của điệu từ”.