Chuyên mục  


Guardian đưa tin Sotheby's tổ chức phiên đấu tại New York hôm 7/11, dự tính trị giá 120.000 USD-180.000 USD. Tranh trải qua 27 lượt trả giá trước khi thuộc về khách hàng giấu tên. Tác phẩm có tên AI God: Portrait of Alan Turing, cao 2,2 m, do Ai-Da - nghệ sĩ robot siêu thực đầu tiên trên thế giới thực hiện. Đại diện đơn vị nhận xét: "Kỷ lục của Ai-Da đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại, phản ánh sự giao thoa ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo (AI) và thị trường mỹ thuật toàn cầu".

Trò chuyện với Guardian, Ai-Da nói: "Giá trị cốt lõi của tác phẩm là khả năng khơi gợi những cuộc thảo luận về các công nghệ mới". Theo cô, chân dung Alan Turing khuyến khích người thưởng tranh suy ngẫm về bản chất "thần thánh" của AI và các lập trình, cũng như cân nhắc tác động về mặt đạo đức và xã hội từ những tiến bộ này.

Bức chân Alan Turing dung trị giá 1,08 triệu USD (hơn 27 tỷ đồng). Ảnh: Ai-Da Studio

Alan Turing (1912-1954) là nhà toán học, logic học và mật mã học người Anh. Ông đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Đức quốc xã bằng cách sáng chế ra nhiều kỹ thuật phá mật mã, góp phần vào chiến thắng của phe đồng minh trong Thế chiến II. Những năm 1950, ông từng bày tỏ lo ngại về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Năm 1952, Turing bị thiến hóa học để tránh bị ngồi tù do có mối quan hệ đồng tính. Ông tự sát vào hai năm sau, ở tuổi 42.

Theo Guardian, Ai-Da hiện là một trong những người máy tiên tiến nhất, do Aidan Meller - chuyên gia nghệ thuật đương đại - sáng chế. Ông có đội ngũ sản xuất riêng, làm việc cùng các chuyên gia AI tại đại học Oxford và Birmingham. Họ đặt tên Ai-Da theo bà Ada Lovelace (1815-1852) - lập trình viên đầu tiên của thế giới. Năm 2019, Ai-Da ra mắt sau khi Meller hợp tác công ty sản xuất robot có trụ sở ở Cornwall, Anh.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 8/11, ông Meller cho biết hiện tại là thời điểm thích hợp để nhìn nhận mối liên hệ giữa AI và thực tế xã hội. Ông nói: "Chúng ta đang bước vào thế giới hậu con người, nơi mà nhân loại không cần đưa ra quyết định vì sự phát triển của thuật toán đáng tin hơn. Tác phẩm của Ai-Da sẽ cho tất cả thấy một tương lai tiềm năng mà chúng ta có thể hướng đến".

Về quá trình Ai-Da sáng tạo, ông Meller cho biết cô bàn luận chuyện vẽ tranh cùng các nhà sáng chế. "Chúng tôi có cuộc thảo luận với cô ấy về đề tài 'Trí tuệ nhân tạo vì mục tiêu tốt đẹp' và Ai-Da nói muốn Alan Turing làm nhân vật chính của chủ đề. Sau khi chọn phong cách, bối cảnh, tông màu và chất liệu hoạ cụ, Ai-Da dùng máy ảnh trong mắt để tìm hình ảnh về Turing và tạo ra nhiều bản phác thảo. Cô vẽ 15 bức tranh riêng lẻ về các bộ phận trên gương mặt ông. Tất cả khác nhau tùy vào cách thuật toán diễn giải.

Robot Ai-Da bên cạnh các tác phẩm của mình. Ảnh: Sotheby's

"Cha đẻ" của Ai-Da miêu tả tông màu trầm và các mảng mặt bị phá vỡ trong tranh dường như gợi liên tưởng về "những thử thách Turing cảnh báo con người có thể đối mặt trong việc quản lý AI". Ông nhận xét các bức tranh của Ai-Da mang vẻ "kỳ ảo và ám ảnh", khiến người xem đặt câu hỏi AI có thể đưa nhân loại tiến xa đến đâu hay về cuộc đua nắm giữ sức mạnh này ở quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, nhà phê bình nghệ thuật Alastair Sooke của tờ The Telegraph không đánh giá cao kỷ lục. Ông mô tả thành tựu này như "câu chuyện động vật có khả năng vẽ tranh giống Pablo Picasso nhưng ở phiên bản tinh tế và được thêu dệt".

Trên Guardian năm 2022, khi được phóng viên hỏi liệu robot có vẽ theo trí tưởng tượng không, Ai-Da nói thích vẽ những gì cô thấy, có góc nhìn khác con người vì không có ý thức.

Phương Thảo (theo Guardian, CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020