Vở Cơn mê cuối cùng của Sân khấu Hoàng Thái Thanh tham gia Liên hoan sân khấu TP.HCM lần 1 - năm 2024 - Ảnh: L.ĐOAN
Có thể nói, sau hơn 20 năm chờ đợi, TP.HCM đã có liên hoan sân khấu của riêng mình.
Liên hoan sân khấu TP.HCM năm nay mang tên "Khát vọng phương Nam", do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TP.HCM và các ban ngành cùng tổ chức.
Nhiều nghệ sĩ tên tuổi góp mặt
Năm nay có đến năm cuộc liên hoan liên quan đến sân khấu mang tính chất toàn quốc diễn ra. Vì vậy ở nhiều cuộc thi ban tổ chức méo mặt vì số lượng đăng ký dự thi khá ít ỏi so với những đợt trước.
Tuy nhiên, Liên hoan sân khấu TP.HCM đã thu hút được 25 vở dự thi đơn từ 20 đơn vị. Trong đó, hầu như những tên tuổi của làng kịch nói thành phố ở nhiều thế hệ đều góp mặt.
Có thể kể ra như các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Hương Giang, Lê Khánh... ở vở Giáng Hương (Sân khấu kịch Thiên Đăng).
Hồng Vân, Thanh Thủy, Minh Luân, ca sĩ Cẩm Ly... trong Bông cánh cò (Sân khấu kịch Hồng Vân). Thành Hội, Ái Như, Tuyết Thu, Trí Quang... trong vở Cơn mê cuối cùng (Sân khấu Hoàng Thái Thanh).
Đại Nghĩa, Đình Toàn, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Quốc Thịnh, Quang Thảo... trong hai vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử và Má ơi, út dìa (Nhà hát kịch Idecaf).
Minh Nhí, Việt Hương, Cát Phượng, Mạc Văn Khoa, Hoàng Mập... ở hai vở Dâu ngọt, Mễ Cốc phiêu lưu ký (Sân khấu Trương Hùng Minh).
Chánh Trực, Ngọc Duyên, Võ Minh Lâm, Tú Sương, Quách Ngọc Tuyên... trong các vở Đêm vượn hú, Bến lửa lòng, Tiếng chim vườn ngọc ở Nhà hát kịch 5B.
Gia Bảo, Hoàng Phi, Minh Dự, Khả Như, Quang Tuấn, Hồng Trang... trong vở Ông già đoàn lô tô và Lỡ nhớ lầm thương (Sân khấu Thế Giới Trẻ)...
Liên hoan sân khấu lần này như cuộc "biểu dương lực lượng" của sân khấu kịch thành phố. Rất nhiều nghệ sĩ không chỉ có phạm vi ảnh hưởng ở TP.HCM mà còn được khán giả cả nước biết đến và yêu mến.
Liên hoan sân khấu TP.HCM lần 1 nâng tầm quốc gia, mở rộng mời gọi đơn vị dự thi đến từ cả nước, tuy nhiên rất tiếc vì năm nay đụng quá nhiều liên hoan nên cuộc mở màn của liên hoan thành phố chưa có sự góp mặt của các tỉnh thành khác.
Vở Bông cánh cò của Sân khấu kịch Hồng Vân - Ảnh: L.ĐOAN
Những vở diễn có sức sống thật
Nếu như ở các cuộc liên hoan, nhiều vở diễn chỉ được dàn dựng đi thi sau đó "xếp kho" thật lãng phí, thì chiếm hơn 80% các vở dự thi trong Liên hoan sân khấu TP.HCM lần này đều là những vở diễn có đời sống thật. Đó là điều mà NSND Trần Minh Ngọc cho rằng "đặc trưng" riêng của Liên hoan sân khấu TP.HCM.
Các đơn vị không quá quan tâm đến việc phải "gò" tác phẩm của mình như thế nào để đúng tiêu chí đoạt giải. Các vở diễn dự thi có thể loại, đề tài rất đa dạng.
Như nghệ sĩ Minh Nhí của Sân khấu Trương Hùng Minh bày tỏ, anh đem đến cuộc thi hai sản phẩm Dâu ngọt (tâm lý xã hội, hài) và Mễ Cốc phiêu lưu ký (kịch thiếu nhi) là vở mà sân khấu ưng ý, thể hiện được phong cách, thế mạnh của mình và đáp ứng được nhu cầu khán giả.
Nhiều vở diễn như Giáng Hương, Cơn mê cuối cùng, Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử, Bông cánh cò, Lỡ nhớ lầm thương... đều là những vở có sức sống thật, đang diễn khá nhiều suất và được cả giới chuyên môn lẫn khán giả khen ngợi.
TP.HCM là nơi có hoạt động sân khấu xã hội hóa, đặc biệt là kịch nói, mạnh nhất cả nước nhưng ở những liên hoan kịch nói toàn quốc tổ chức ở các tỉnh thành khác ít ai thấy rõ được thế mạnh này.
Bởi các đơn vị xã hội hóa không thể "cơm ghe bè bạn" dắt díu nhau đi thi nên tổ chức ở TP.HCM cũng là điều kiện để họ tham gia một cách đầy đủ và thể hiện rõ nội lực của mình.
Bên cạnh việc các sân khấu "khoe" với người làm nghề, khán giả thế mạnh của mình qua cuộc thi thì liên hoan cũng là dịp để lãnh đạo thành phố, những nhà chuyên môn có dịp nhìn lại và có những kế hoạch, điều chỉnh cho sự phát triển tương lai của sân khấu thành phố.
Như bà Ca Lê Hồng chia sẻ rằng: "Sân khấu thành phố chúng ta năng động, đặc biệt là các đơn vị kịch nói xã hội hóa. Tuy nhiên, vì xã hội hóa phải tính toán thu chi, phải đáp ứng nhu cầu khán giả mới bán được vé nên chúng ta còn những bất cập trong việc dàn dựng, biểu diễn.
Có những vở chỉ chạy theo tiếng cười hời hợt, nên sản phẩm kém chất lượng. Thông qua liên hoan, tôi mong muốn chúng ta sẽ rút ra những đánh giá xác thực, góp phần chấn chỉnh, định hướng, nâng cao thẩm mỹ trong dàn dựng và biểu diễn để có những sản phẩm nghệ thuật phục vụ khán giả tốt hơn".
Liên hoan sân khấu TP.HCM lần đầu tiên, năm 2024, kéo dài đến 29-11. Lễ khai mạc và tổng kết diễn ra tại Nhà hát TP.HCM.
Các sân khấu thi diễn tại chính sân khấu mình đang hoạt động. Các đơn vị không có địa điểm thì diễn tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Bên lề liên hoan, tại Hội Sân khấu TP.HCM cũng đã diễn ra các chương trình Không gian đối thoại: Vở diễn và công chúng để các sân khấu, ê kíp thực hiện các vở diễn gặp gỡ công chúng giới thiệu vở diễn tham gia liên hoan, trao đổi quá trình hình thành ý tưởng, dàn dựng, giải đáp thắc mắc của người xem...