Hai lần in và phát hành
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bộ tiền phát hành năm 1978 là bộ tiền đầu tiên đơn vị này phát hành trong phạm vi cả nước, mở ra một trang mới trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Trước đó, dù hệ thống ngân hàng hai miền Nam - Bắc đã được hợp nhất vào tháng 7.1976, nhưng mỗi miền vẫn tạm thời lưu hành đồng tiền riêng. Bộ tiền năm 1978 này gồm cả tiền kim loại và tiền giấy. Về tiền giấy, bộ tiền phát hành gồm các tờ có mệnh giá: 5 hào, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và 50 đồng.
Sách Lịch sử đồng tiền Việt Nam cho biết: Sau đợt phát hành năm 1978, tới năm 1980, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành bổ sung 4 loại tiền giấy: 2 đồng, 10 đồng, 30 đồng và 100 đồng. Như vậy, đợt phát hành năm 1980 có tiền giấy 30 đồng. Tiền giấy 30 đồng này có kích thước 144 x 71 mm, màu tím hồng. Trong tư liệu ảnh có hình tiền giấy 30 đồng, seri chữ lớn in vào năm 1980 và tiền giấy 30 đồng seri chữ nhỏ in vào năm 1980.
Cũng theo sách Lịch sử đồng tiền Việt Nam, tới năm 1985, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đợt phát hành tiền tiếp theo. Đợt này có điểm đặc biệt là Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định cho phép Ngân hàng Nhà nước đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước cũ bằng 1 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước mới. Đợt đổi tiền này bắt đầu từ 14.9.1985, là một phần trong cuộc tổng điều chỉnh giá, lương, tiền nhằm mục đích điều chỉnh và ổn định sức mua của đồng tiền.
Lần thu đổi tiền này chỉ thực hiện với các loại tiền có mệnh giá từ 20 đồng trở lên và chỉ phát hành tiền giấy, không phát hành tiền kim loại. Các mệnh giá tiền gồm: 5 hào, 1 đồng, 3 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 30 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng.
Như vậy, ở đợt phát hành tiền năm 1985, Việt Nam tiếp tục có tiền giấy 30 đồng. Tờ tiền này kích thước 150 x 75 mm, màu xanh - hồng. Mặt trước in mệnh giá ba mươi đồng và số 30. Mặt sau in hình ảnh chợ Bến Thành.
Trái quy luật và vận động thay đổi tư duy
Tờ tiền 30 đồng của Việt Nam là một tờ tiền hiếm và đặc biệt. Thông thường, các đồng tiền có quy tắc mệnh giá là 1 - 2 - 5. Có nghĩa là các tờ tiền sẽ có mệnh giá 1 - 2 - 5 - 10 - 20 - 50 đồng... Điều này giúp người tiêu dùng tiền có thể tạo ra những tổng tiền mong muốn với phép tính tối ưu nhất. Việc sử dụng quy tắc này cũng sẽ góp phần giảm thiểu chi phí in tiền, nhưng ở Việt Nam, tiền 30 đồng còn được phát hành tới 2 lần.
Về tiền giấy 30 đồng này, cuốn Lịch sử đồng tiền Việt Nam chỉ cung cấp thông tin hình dáng, năm phát hành và không có bình luận đặc biệt gì. Tuy nhiên, thông tin trong cuốn sách cho biết, vào đợt in bổ sung tiền năm 1987, các tờ tiền được in đều có mệnh giá lớn hơn nhiều lần so với các tờ tiền năm 1985. Theo đó, sau đợt đổi tiền tháng 8.1985, lạm phát tăng nhanh, ngân sách thiếu hụt, tiền mặt thiếu trầm trọng. “Lượng tiền phát hành vào lưu thông rất lớn. Thống kê cho thấy, năm 1986, một năm sau ngày đổi tiền, mức tiền phát hành vào lưu thông bằng 4,7 lần năm 1985; năm 1986 bằng 3,6 lần năm 1986; và năm 1988 bằng 5,3 lần năm 1987, dẫn đến việc phải phát hành bổ sung 1987 - 2000”, sách viết.
Có thể thấy, cả 2 lần phát hành tờ tiền 30 đồng này đều trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo. Lúc này, cả nước đang chật vật với kinh tế kế hoạch, tư duy duy ý chí trong kinh tế. Những quan điểm cởi trói kinh tế bao cấp cũng đã xuất hiện, song không phải ở đâu cũng được ủng hộ.
Cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975 - 1989 của nhà nghiên cứu Đặng Phong cũng chỉ ra những biến động trong thời kỳ của 2 lần in tiền 30 đồng này. Theo đó, vào những năm 1979 - 1980 có phong trào phá rào với chủ trương bung ra, cởi trói cho sản xuất. Việc này tuy có tháo gỡ được khó khăn, hé mở hướng đi mới, nhưng theo ông Đặng Phong, “đã gọi là phá rào thì ít nhiều đều vi phạm tính kỷ cương nói chung và khó tránh khỏi những hiện tượng lộn xộn mất trật tự”.
Tới năm 1983, cởi trói và phá rào dẫn tới tình trạng vô tổ chức trong các quan hệ kinh tế. Sau đó, việc lập lại trật tự thời kỳ 1983 - 1984 được ông đánh giá là một bước lùi về tư duy. “Tranh mua, tranh bán tất nhiên đẩy giá lên. Đẩy giá lên thì khả năng thu mua của nhà nước lại thấp xuống. Ngân sách thiếu hụt, phải phát hành thêm tiền và lạm phát lại tăng cao... Tất cả những diễn biến trên làm cho những ý tưởng đột phá, cải cách bắt đầu bị đặt những câu hỏi về hướng đi. Những quan điểm bảo thủ, cũ kỹ lại có căn cứ để thực hiện việc siết lại bằng những kỷ cương kinh tế truyền thống”, ông Phong phân tích.
Sau đó, tờ tiền 30 đồng cũng đã không còn được tiếp tục in nữa.