Vì sao thi Hoa hậu ở Việt Nam lại phải nói tiếng Anh?
Sau đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, câu chuyện " người đẹp nói tiếng Anh " được đông đảo khán giả quan tâm, dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.
Những thí sinh vốn là ứng cử viên cho ngôi Hoa hậu như Lệ Nam, Hoàng Phương, Hương Ly... gây thất vọng vì ứng xử song ngữ thiếu trôi chảy và sớm dừng chân dù được nhiều kỳ vọng.
Người hâm mộ cho rằng kỹ năng tiếng Anh chưa thuyết phục là một trong những lý do khiến các người đẹp này không thể đạt thứ hạng cao, dù nhan sắc, kỹ năng đều khá nổi bật.
Vấn đề đặt ra là tiếng Anh có phải tiêu chí quan trọng đối với một cuộc thi sắc đẹp? Tại sao một cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam lại yêu cầu thí sinh ứng xử song ngữ?
Vấn đề thí sinh nói tiếng Anh được khán giả quan tâm sau đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 (Ảnh: Hoàng Giám).
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là cuộc thi sắc đẹp trong nước, nhiều khán giả cho rằng tiếng Anh chỉ là yếu tố phụ, không cần quan trọng hóa vấn đề. Trên thực tế, trong phần thuyết trình và ứng xử song ngữ ở đêm chung kết, thí sinh có quyền được lựa chọn giữa phương án trả lời bằng tiếng Việt hoặc song ngữ. Đây cũng là năm đầu tiên, cuộc thi áp dụng quy định mới này, nhằm giúp các thí sinh có cơ hội thể hiện khả năng ngoại ngữ của mình.
Chính vì đây là phần không bắt buộc, người hâm mộ cho rằng nếu chẳng may người đẹp nói song ngữ chưa tốt cũng không phải to tát, thay vì buông những lời tiêu cực, mỉa mai thì hãy có cái nhìn cảm thông hơn khi thí sinh lựa chọn phương án này, minh chứng cho sự nỗ lực, dám bước ra khỏi vùng an toàn.
Phần giới thiệu bản thân của thí sinh Hương Ly trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 (Nguồn: Quay màn hình).
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, các người đẹp chỉ nên chọn trả lời song ngữ khi đã "dắt túi" vốn tiếng Anh vững vàng, để tránh việc nói không rõ lời, phát âm sai, trở thành "trò cười" trên mạng xã hội...
Bên cạnh đó, khán giả cũng góp ý các người đẹp ngày nay nên có ý thức trau dồi tiếng Anh bởi ngoại ngữ tốt sẽ là một lợi thế, giúp các thí sinh thể hiện bản thân tốt hơn, nhất là khi tham gia các đấu trường nhan sắc quốc tế.
"Tiếng Anh quan trọng nhưng không phải tất cả!"
Thực tế, tiếng Anh không phải là tiêu chí hàng đầu trong một cuộc thi sắc đẹp. Tại Hoa hậu Hoàn vũ 2011, người đẹp Leila Lopes đến từ Angola đã giành được vương miện. Dù ở phần thi ứng xử, cô trả lời bằng tiếng mẹ đẻ sau đó được phiên dịch lại bằng tiếng Anh nhưng câu trả lời của Leila Lopes vẫn được đánh giá cao, thuyết phục được ban giám khảo, giúp cô lên ngôi Hoa hậu.
Người đẹp Angola Leila Lopes lên ngôi Hoa hậu Hoàn vũ 2011 dù không thông thạo tiếng Anh (Ảnh: Csmonitor).
Hay một ví dụ gần nhất với khán giả Việt Nam chính là H'Hen Niê. Năm 2018, khi người đẹp tham gia Miss Universe, nhiều người lo ngại rằng cô khó "làm nên chuyện" tại đấu trường quốc tế vì tiếng Anh còn hạn chế. Cuối cùng, cô gái Ê Đê vào top 5 chung cuộc.
H'Hen Niê tỏa sáng tại Miss Universe 2018 (Ảnh: Miss Universe).
Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia nhan sắc đều cho rằng tiếng Anh chỉ là "phụ", chứ không phải yếu tố "cần thiết" của một thí sinh thi Hoa hậu.
Nhà báo Ngô Bá Lục - gương mặt giám khảo quen thuộc tại các cuộc thi sắc đẹp - cho biết ngoại ngữ quan trọng, nhưng không phải tất cả: "Tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, có những thí sinh không giỏi tiếng Anh, khi đến phần ứng xử top 5, họ vẫn trả lời bằng tiếng mẹ đẻ. Tiếng Anh cần thiết nhưng không phải cứ giỏi tiếng Anh là có cơ hội chiến thắng. Vấn đề ở đây là có nhiều thí sinh không có thế mạnh ngoại ngữ nhưng vẫn giỏi về nhiều mặt khác... Rất nhiều yếu tố để lựa chọn Hoa hậu, chứ không chỉ là vấn đề tiếng Anh".
Nhà báo Ngô Bá Lục cũng giải thích thêm, ở phần thi ứng xử, Ban giám khảo thường chấm điểm dựa vào kiến thức, tư duy, việc sắp xếp câu trả lời... Yếu tố song ngữ vốn không bắt buộc tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 nên việc có những thí sinh phát âm "bập bẹ" cũng không phải là điều gì quá to tát.
Có nhiều tiêu chí để lựa chọn Hoa hậu, trong đó tiếng Anh được cho là yếu tố phụ (Ảnh: Hoàng Giám).
Doanh nhân Thúy Nga, đến từ Công ty quản lý và đào tạo người mẫu Elite Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm cho rằng tiếng Anh không phải là tiêu chí quan trọng tại một cuộc thi Hoa hậu.
"Bà trùm hoa hậu" nói: "Tất cả các cuộc thi Hoa hậu lớn trên thế giới đều không có phần chấm điểm cho kỹ năng ngoại ngữ, bởi nếu chấm cho thí sinh giỏi tiếng Anh thì chẳng lẽ thí sinh đến từ những nước có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ mặc nhiên lợi thế hơn những thí sinh khác?".
"Tôi lấy ví dụ của Ivian Sarcos - Hoa hậu Thế giới 2011. Tại đêm chung kết Miss World, Ivian chỉ nói được vài câu tiếng Anh giao tiếp nhưng cuối cùng vẫn được chọn là Hoa hậu bởi cô ấy thuyết phục được Ban giám khảo bằng sắc vóc, kỹ năng trình diễn, sự chân thành, lòng nhân ái, sự tỏa sáng từ bản thân, ngôn ngữ cơ thể…", doanh nhân Thúy Nga chia sẻ.
Bà Đặng Thanh Hằng - giám khảo cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022 - cho rằng trình độ ngoại ngữ chỉ là một phần nhỏ trong hành trình dài của các thí sinh tại một cuộc thi. "Chúng ta không nên vì một vài ý kiến tiêu cực hay một số điều chưa hoàn hảo mà ngừng cổ vũ cho giấc mơ của những cô gái trẻ đầy nhiệt huyết", Đặng Thanh Hằng nói.
Bên cạnh đó, bà Hằng cho rằng: "Tôi nghĩ Ban giám khảo luôn đánh giá cao những cô gái ứng xử khéo léo dù tiếng Anh không tốt. Nhưng nếu có trình độ ngoại ngữ, thí sinh sẽ trở nên hoàn hảo ở mọi phương diện".
Thảo Nhi "bắn" tiếng Anh thế nào mà khiến Ngọc Châu, Thủy Tiên trầm trồ? (Thực hiện: Nhóm PV Giải trí).
Trong buổi giao lưu trực tuyến với Dân trí hôm 29/6, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Ngọc Châu, cùng 2 Á hậu cũng đề cập đến vấn đề thuyết trình song ngữ tại đêm chung kết.
Các người đẹp bày tỏ sự cảm thông đến Hương Ly và các thí sinh chưa hoàn thành tốt phần thi. Đồng thời, Ngọc Châu, Thảo Nhi và Thủy Tiên mong khán giả nhìn nhận cả quá trình cố gắng của các thí sinh, thay vì đánh giá qua một khoảnh khắc mắc lỗi.