Ngày 22/4 tại Hoàng thành Thăng Long, đoàn khai quật Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học công bố nhiều phát hiện mới tại khu vực khai quật rộng gần 1.000m2 phía Đông Bắc của di tích nền điện Kính Thiên.
Đáng chú ý trong số các phát hiện lần này là chiếc giếng sâu nhất từ trước đến nay mà các nhà khảo cổ tìm được, một chiếc chậu lớn đời Trần miệng rộng 1,2m và một khu mộ đôi bằng gạch.
Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, dẫn đoàn chuyên gia khảo sát miệng giếng mới tìm được (Ảnh: Minh Thu).
Theo Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, trong lớp cắt dày 3,3m, các nhà khoa học tìm thấy 5 lớp văn hóa chồng lên nhau gồm thời Nguyễn, thời Lê Trung hưng, thời Lê sơ, thời Trần, thời Lý và thời kỳ tiền Thăng Long.
Cách di tích Hậu Lâu khoảng 10m về phía Đông Nam, đoàn khảo cổ tìm thấy một chiếc giếng xuất lộ ở độ sâu 1,3m so với mặt đất hiện nay. Giếng nước bằng đá sâu 6,56m được xây lắp khẩu giếng đá chạm khắc công phu. Đây được coi là chiếc giếng sâu nhất từng được tìm thấy.
"Đây là cách xây dựng quen thuộc của các di tích thời Trần, thế kỷ 13-14. Chúng tôi phỏng đoán giếng nước này được xây dựng để phục vụ điện Cần Chánh, nơi Vua thiết triều hàng ngày", Tiến sỹ Tống Trung Tín nói.
Chậu đất nung đường kính 1,2m, lớn nhất từ trước đến nay thuộc thời Trần (Ảnh: Minh Thu).
Cũng tại khu vực này, các nhà khảo cổ tìm thấy một chiếc chậu đất nung lớn, đường kính 1,2m, cao 55cm được trang trí khá đẹp thuộc thời Trần.
Tại hố sâu nhất của khu di chỉ, đoàn khảo cổ học cũng phát hiện dấu tích nhiều thời kỳ. Ở độ sâu 4,8m, đây là nơi có niên đại phức tạp nhất và khó khai quật nhất.
Tại đây, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 2 mộ táng gạch thời kỳ tiền Thăng Long. Hai mộ gạch nằm song song theo hướng Đông Bắc, xây theo kiểu cuốn vòm. Trong khu mộ, phát hiện 3 vò gốm và tiền đồng. Đáng tiếc là ở thời kỳ sau này, có một ngòi nước đi qua nên hiện chỉ còn tìm được thành mộ và đáy mộ.
Hố khai quật chia thành nhiều tầng văn hóa, có tổng diện tích gần 1.000m2 (Ảnh: Minh Thu).
"Chúng tôi tự đặt câu hỏi: Đây là khu trung tâm Hoàng thành, vậy tại sao lại có mộ táng ở đây? Từ đó có thể cho rằng, khu mộ này xuất hiện trước khi có Hoàng thành. Khu mộ ở địa tầng sâu nhất cho thấy dấu tích cư trú của con người khá sớm, từ thế kỷ 4-6, trước thời kỳ Đại La," ông Tống Trung Tín đặt giả thiết.
Ngoài ra, tại Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học còn tìm thấy một dấu tích kiến trúc rất độc đáo thời Trần. Đó là một dấu tích kiến trúc tròn đường kính hơn 5m, chung quanh có dấu tích cống ngầm và lớp văn hóa dày đặc gạch, ngói và dấu tích cháy, vỏ nhuyễn thể biển.
Kiến trúc hình tròn rộng 5m được các chuyên gia xác định là thuộc thời Trần nhưng chưa rõ chức năng sử dụng (Ảnh: Minh Thu).
Cũng theo các nhà khoa học, các dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật đã phát hiện trong cuộc khai quật năm 2021 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội dưới lòng đất…
Nguyễn Hằng