Chuyên mục  


Những ngày qua, cả nước hướng về miền Trung, chia sẻ với người dân vùng bão lũ từng miếng cơm manh áo với nghĩa đồng bào sâu nặng. Là người con Miền Trung, cảm giác của chị thế nào trong những ngày qua khi hướng về miền Trung?

Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ, đã quen với lũ bão nên không quá bàng hoàng. Song mùa mưa bão năm nay có lẽ những người miền Trung trong đó có tôi đều chung một cảm giác hoang mang và sợ hãi khi tình trạng sụt lở nặng nề uy hiếp cuộc sống và tính mạng con người. Ai cũng hiểu nó thực sự tiềm ẩn nguy cơ về lâu dài và vô cùng khó khăn để khắc phục. Tôi thực sự lo lắng cho sự an nguy  cũng như cách bà con tái thiết cuộc sống sau trận lũ lịch sử năm nay.

Ca sĩ Phạm Phương Thảo (thứ 5 từ trái sang) vừa có chuyến đi tặng quà người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ... (Ảnh: NVCC)

Được biết, chị vừa vận động quyên góp ủng hộ người dân miền Trung và vừa trở về từ những vùng bị thiệt hại nặng nề do lũ, cảm xúc của chị thế nào?

Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ đều muốn góp chút sức nhỏ cùng với người dân trên cả nước động viên kịp thời tinh thần cho bà con. Có mặt tại những nơi ảnh hưởng nặng nề nhất như Quảng Ninh, Lệ Thuỷ ( Quảng Bình). Dakrong, Hướng Hoá (Quảng Trị), tôi hiểu nỗi khó khăn vất vả của bà con khi mất trắng sau một đêm lũ như vậy.

Nhà cửa tan hoang, vườn tược xơ xác, ruộng đồng biến thành sông.... thật chẳng ngôn ngữ nào mà diễn tả nổi. Song, dù chứng kiến cảnh tượng hoang tàn ấy nhưng đứng trên mảnh đất xưa nay vẫn khắc nghiệt vậy, tôi vẫn tin rồi chính những đôi tay lam lũ kia sẽ khiến quê hương họ hồi sinh.

Có hình ảnh gì ám ảnh chị, hay kỷ niệm ấn tượng trong chuyến đi ủng hộ người dân Miền Trung?

Những gương mặt ngơ ngác, những đôi mắt ướt đẫm và đôi tay như buông xuôi thực sự ám ảnh khi tôi rời đi. Có điều trong chính sự mất mát và đau thương, thì tình người chính là điều khiến ta thêm trân quý cuộc sống này.

Những chuyến xe nối dài hai miền Nam, Bắc dừng lại với miền Trung, những tấm áo được khoác lên đôi vai gầy mòn sau bao ngày chống chọi với thiên tai trầy trật, những hộp cơm giản đơn mà trao tay đầy tình nghĩa, những lời nói mộc mạc động viên nhau khi chia tay...

Tất cả là yêu thương tận đáy lòng. Đồng bào ta vẫn đau với nỗi đau của nhau. Đó là điều tuyệt vời xoa dịu bà con trong lúc nguy nan.

Đâu đó, xoay quanh việc từ thiện cũng có những phát ngôn gây tranh cãi, những ý kiến trái chiều vì cho rằng một số nơi người dân chỉ muốn "nhận tiền", rồi có nơi được ủng hộ nhiều đến mức dư thừa, quần áo, bánh chưng... bị bỏ lại, nơi thì người dân thiếu thốn... Là người trực tiếp đi vào vùng lũ, Thảo có gặp những chuyện như thế?

Tôi rất tiếc vì trên hành trình của mình đã chứng kiến cảnh chưa hợp lý do cách cho và nhận của chúng ta. Sau mấy ngày mưa lũ thì lại nắng to khiến bánh chưng mang được đến miền Trung bị hỏng, không ăn được đáng lẽ bà con nên vứt gọn gàng. Quần áo trên đường đi cũng lại bị ngập nước, ướt hết, nhà dân thì nước ăn còn chưa có, làm sao giặt?

Trong nhà bề bộn thôi thì vứt đi cho gọn, vứt lại tiện đâu vứt đó khiến những hình ảnh chưa đẹp đồn xa bởi một số thành phần hay để ý cái xấu.

Quan điểm của tôi là đừng trách nhau, bởi tình cảm thực sự trong lúc cấp thiết, người dân khắp nơi chỉ nghĩ đến việc cứu người ngay lập tức chứ không nghĩ xa. Mà nói thật, nghĩ xa quá thì để bà con chết đói đấy! Cho nên dẫu bánh có thiu, dẫu quần áo phải bỏ đi thì cũng vẫn ấm lòng khi đến với nhau trong hoạn nạn. Thế là quý rồi. Đừng nói nhiều đến chi tiết nhỏ mà phụ lòng người có tâm.

Ca sĩ Phạm Phương Thảo.

Cũng trong thời điểm khó khăn, từ dịch Covid- 19 đến bão lũ ở Miền Trung, hơn lúc nào hết người ta thấy sự đồng lòng, chung tay thậm chí là trách nhiệm của nghệ sĩ Việt khi nhiều nghệ sĩ đứng lên vận động, quyên góp và không ngại đi vào nơi hiểm nguy nhất để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Là một trong những nghệ sĩ như thế, chị có thể chia sẻ điều gì?

Nghệ sĩ đi làm thì khán giả biết do tính chất nghề nghiệp. Công chúng đi làm thì không ai biết nên nghệ sĩ cứ được ghi nhận, trong khi nghệ sĩ đi làm cũng do kêu gọi khán giả quyên góp. Nên cứ ca ngợi nghệ sĩ cũng không công bằng đâu.

Tôi hy vọng truyền thông hãy nói nhiều hơn đến tình đồng bào, tình quân dân để kết nối và trao gửi yêu thương đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn. Dịch bệnh, thiên tai và nhiều khó khăn khác sẽ còn thường trực đe doạ cuộc sống xung quanh ta. Song tôi nghĩ khi tình người đề cao, tinh thần được khích lệ thì sự đoàn kết sẽ nhân lên trong cộng đồng.

Sau chuyến đi ủng hộ đồng bào miền Trung, chị có kế hoạch gì tiếp tục để ủng hộ người dân sau bão lũ?

Tôi tham gia một số đêm nhạc kêu gọi ủng hộ cho miền Trung và mong muốn được trở lại với bà con sớm nhất. Dự án âm nhạc lúc này không phải là việc nên làm, tiền đó để dành cho bà con tái thiết cuộc sống, cho các em nhỏ đến trường mới là mong muốn của tôi. Có điều tôi không phải là người giàu có, tôi cũng có những gánh nặng trong cuộc sống nên chưa làm được gì nhiều. Nhưng tôi tin mỗi người cố gắng một chút sẽ tạo nên điều kỳ diệu cho ngày mai được tái thiết trên dải đất miền Trung.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!

Nguyễn Hằng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020