Triển lãm thu hút bởi những bức tranh dịu dàng về các loài hoa và phong cảnh làng quê - Ảnh: T.ĐIỂU
Các bức tranh đang được trưng bày tại Trung tâm nghệ thuật Area 75 Art & Auction (75 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Triển lãm nằm trong khuôn khổ dự án Màu da cam do nhóm Trạm trung chuyển của các bạn sinh viên Hà Nội, mà nòng cốt là sinh viên Đại học FPT Hà Nội thực hiện nhằm hướng đến các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Dự án của người trẻ yêu lịch sử, yêu hòa bình
Người xem được thưởng lãm những bức tranh màu nước trên giấy, tranh kỹ thuật số vẽ hoa, từ cúc, sen, dã quỳ, hoa đá, thiên điểu… phong cảnh nông thôn, núi rừng rất nhẹ nhàng, thảnh thơi và nhiều rung động của các họa sĩ: Bon Bon, Lục Thum, Đình Đức, Nguyễn Ngọc Phương, Phan Thị Thanh Mai, bé Trần Kim Bảo Minh…
Năm thành viên chủ chốt của nhóm Trạm trung chuyển, Trần Tiến Anh đứng thứ hai từ phải qua - Ảnh: T.ĐIỂU
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online trong buổi khai mạc triển lãm ngày 3-12, bạn trẻ Trần Tiến Anh - sinh viên năm cuối của Trường ĐH FPT Hà Nội, trưởng nhóm Trạm trung chuyển - cho biết từ 5 thành viên ban đầu là sinh viên FPT, hiện nhóm có 48 thành viên là các sinh viên ở Hà Nội.
Trạm trung chuyển muốn làm dự án gắn với lịch sử mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn hướng tới các bạn trẻ.
Nhóm chọn làm dự án nhằm xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin, đồng thời giáo dục về giá trị của hòa bình tới giới trẻ.
Trước triển lãm này, Trạm trung chuyển đã thực hiện chiến dịch truyền thông kêu gọi đóng góp gây quỹ thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Hà Nội.
Kết quả, các bạn đã tặng tiền mặt và quà trị giá khoảng 70 triệu đồng đến Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị hơn 120 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội (thôn Muỗi, xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội).
Tác phẩm Cúc mùa thu của họa sĩ Đình Đức - Ảnh: T.ĐIỂU
Những bức tranh dịu mát
Có 14 tác phẩm từ tranh màu nước trên giấy đến tranh kỹ thuật số của 9 họa sĩ gửi tới cho nhóm làm triển lãm, bán tranh gây quỹ.
Giá bán của các bức tranh từ 5-10 triệu đồng, toàn bộ số tiền gửi tới các nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói trên.
Các workshop tìm hiểu về giấy dó, vẽ tranh trên giấy dó tổ chức trong khuôn khổ triển lãm cũng trích 20% lợi nhuận cho hoạt động này.
Ngoài các bức tranh, triển lãm còn có phần trưng bày về câu chuyện da cam/dioxin. Đó là câu chuyện của những người lính trở về mang trong mình chất độc, những người mẹ chăm con bị di chứng chất độc da cam/dioxin… và bà Trần Tố Nga - người bền bỉ theo đuổi vụ kiện đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong đó có bà.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 6-12.