Chuyên mục  


Superman II (1980): Trong quá trình thực hiện Superman II, đạo diễn Richard Donner nảy sinh mâu thuẫn với Warner Bros. về vấn đề kinh phí và lịch quay. Cuối cùng, hãng thay ông bằng Richard Lester, bất chấp việc phim đã gần hoàn tất. Lester không thích tầm nhìn của Donner và tiến hành quay lại gần như toàn bộ. Việc này thậm chí khiến nam chính Christopher Reeve nổi giận. Bản phim của Lester có màu sắc tươi sáng, nhưng gặp phải hàng loạt lỗ hổng nội dung. Mãi đến 2006, phiên bản Superman II: The Richard Donner Cut mới ra mắt. Bộ phim có nội dung hoàn toàn khác so với bản chiếu rạp trước đây với hàng loạt cảnh quay quan trọng. Giới phê bình và fan cũng đánh giá bản phim của Donner cao hơn hẳn Lester.

Blade Runner (1982): Ở thời điểm ra mắt, tác phẩm của Ridley Scott thất bại thảm hại tại phòng vé, bất chấp những lời khen ngợi từ giới phê bình. Nguyên nhân là bộ phim quá rắc rối, khó hiểu với những ý tưởng đi trước thời đại. Tuy nhiên, bản dựng của đạo diễn ra mắt 10 năm sau đã thay đổi tất cả. Bộ phim rút bớt phần dẫn truyện có phần dài dòng của Deckard (Harrison Ford). Ngoài ra, nó còn đặt ra thêm câu hỏi liệu Deckard có phải là một người nhân bản khi anh mơ thấy kỳ lân. Số phận của nhân vật và Rachel (Sean Young) cũng mơ hồ hơn khi phim kết thúc với hình ảnh cả hai bước vào thang máy với một tương lai không xác định.

Loạt phim Lord of the Rings: Tổng thời lượng ba phần phim lên tới hơn 9 tiếng, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ với fan của Chúa Nhẫn. Bản gốc của Peter Jackson dài đến hơn 11 tiếng với nhiều cảnh quay quan trọng được cả giới phê bình lẫn khán giả đánh giá cao, như phân đoạn Boromir (Sean Bean) bị cha là Danethor II (John Noble) ra lệnh phải mang Nhẫn Chúa về Gondor trong The Two Towers (2002). Điều này giải thích vì sao vị tướng quân chính trực bậc nhất loài người lại dễ dàng sa ngã trong phần trước. Ngoài ra, bản dựng của Return of the King (2003) cho thấy cái chết của Saruman (Christopher Lee). Việc loại bỏ đoạn phim khỏi bản chiếu rạp khiến cố tài tử tức giận suốt nhiều năm. Ông thậm chí không xuất hiện trong các buổi công chiếu vì cho rằng mọi cố gắng của bản thân đều công cốc.

Daredevil (2003): Daredevil là một trong những bộ phim siêu anh hùng tệ hại nhất từng sản xuất. Sự thất bại của tác phẩm khiến nhân vật mất tích khỏi màn ảnh suốt một thời gian cho đến khi bản quyền được trả về tay Marvel. Tuy nhiên, bản dựng của đạo diễn Mark Steven Johnson với thêm 30 phút thời lượng nhận được nhiều lời khen ngợi hơn. Phiên bản bị dán nhãn R cho khán giả trên 18 tuổi có nhiều cảnh quay bạo lực. Đồng thời, phim cũng tập trung hơn vào chiều sâu tâm lý của Matt Murdock (Ben Affleck), thay vì mối tình nhạt nhẽo giữa anh và Elektra (Jennifer Garner).

Kingdom of Heaven (2005): Kingdom of Heaven từng bị xem là một bước lùi trong sự nghiệp của Ridley Scott ngay sau thành công vang dội của The Gladiator (2000). Bộ phim bị chê bởi lối phát triển nhân vật gượng gạo. Trên thực tế, bản chiếu rạp đã bị lược mất 45 phút so với tác phẩm gốc của các nhà làm phim. Ở bản phim đầy đủ, hành trình của Balian (Orlando Bloom) được xây dựng cụ thể và trắc trở hơn. Từ xuất thân là người thợ rèn thấp kém, anh liên tục đối mặt với những hiểm nguy để rồi trở thành hiệp sĩ đúng nghĩa. Ngoài ra, những cảnh chiến tranh trong bản dựng cũng thêm phần bạo lực. Nhờ vậy mà phim mang màu sắc triết lý và ý nghĩa, thay vì chỉ là một bom tấn sử thi hoành tráng nhưng nhạt nhẽo.

I am Legend (2007): Cái kết của I am Legend bị nhà sản xuất yêu cầu sửa đổi để gây ấn tượng mạnh với khán giả. Trong bản chiếu rạp, Robert (Will Smith) rút chốt lựu đạn tự sát cùng những con quái vật Darkseekers để Anna (Alice Braga) có thể mang vắc-xin trốn thoát. Cái kết gốc của đạo diễn Francis Lawrence mang nhiều ý nghĩa gần với nguyên tác tiểu thuyết hơn. Trong đoạn phim, Robert cũng chuẩn bị hy sinh bản thân. Song, anh nhận ra Darkseekers không phải là những con thú vô tri khát máu. Tên thủ lĩnh (Dash Mihok) chỉ muốn cứu bạn tình và sẵn sàng tha mạng cho Robert. Giây phút ấy, chàng cựu sĩ quan nhận ra mình mới chính là con quái vật khi tiến hành hàng loạt thí nghiệm thiếu nhân tính, cũng như giết chóc mà không suy nghĩ.

Doctor Sleep (2019): Doctor Sleep là bộ phim kinh dị hay, nhưng chưa đủ ấn tượng để gặt hái thành công tại phòng vé. Điểm yếu của bản chiếu rạp nằm ở hồi thứ ba. Khi Danny Torrance (Ewan McGregor) trở lại khách sạn Overlook, phim bỗng phụ thuộc và kết nối quá nhiều vào The Shining (1980). Điều này khiến những ai nếu chưa từng xem qua phần tiền truyện cách đây 40 năm không có bất cứ cảm xúc gì với chuỗi tình tiết hay nhân vật sắp xuất hiện. Bản dựng được Mike Flanagan tung ra hồi tháng 1 đã giải quyết được vấn đề này. Trong bản phim, phân đoạn ở Overlook được thêm thắt nhiều yếu tố hù dọa nặng đô. Ngoài ra, phim cũng dành nhiều thời lượng để đào sâu thói nghiện rượu của Danny, giúp nhân vật hoàn thành trọn vẹn chuyến hành trình từ The Shining.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020