Sử gia Nguyễn Đình Tư (thứ hai bên phải) nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2024 - Ảnh: TTXVN
Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia 2024 diễn ra tối 29-11 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dự.
Về giải thưởng dành cho Nguyễn Nhật Ánh, đây là hạng mục giải thưởng mới của Giải thưởng Sách quốc gia, do báo chí, độc giả bình chọn chứ không phải do hội đồng giải thưởng chọn. Cuốn sách chính là nguyên tác của bộ phim Mắt biếc nổi tiếng.
Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được trao giải cùng với ba cuốn sách bán chạy khác là Người thầy của tác giả Nguyễn Chí Vịnh, Chuyện con mèo dạy hải âu bay của Luis Sepúlveda, người dịch: Phương Huyên; Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu của Rosie Nguyễn.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không có mặt tại lễ trao giải.
Các tác giả và đại diện đơn vị làm sách nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2024 - Ảnh: TTX
Sử gia Nguyễn Đình Tư - tấm gương về sự lao động khoa học và tâm huyết
Ngoài giải thưởng mới này, năm nay Giải thưởng Sách quốc gia trao 3 giải A, 10 giải B, 21 giải C, 21 giải khuyến khích.
Ba giải A được trao cho tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020) (Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM) của sử gia 104 tuổi Nguyễn Đình Tư; Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa do PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ chủ biên, Nhà xuất bản Y Học phát hành;
Và Tổng tập Nhà văn quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm (5 tập) do tạp chí Văn Nghệ Quân Đội biên soạn, Nhà xuất bản Văn Học phát hành.
Đây là lần thứ hai, nhà nghiên cứu - sử gia Nguyễn Đình Tư nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia. Lần đầu vào năm 2018. Giống hình ảnh quen thuộc của sử gia trên truyền thông, ông mặc bộ áo dài nam màu đỏ, đội khăn xếp đi nhận giải.
Tại lễ trao giải cũng như trong lễ tri ân ngay trước thềm lễ trao giải, sử gia Nguyễn Đình Tư được mọi người săn đón, vây quanh để bày tỏ lòng kính trọng với ông.
Ba bộ sách nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2024 - Ảnh: ĐỖ HIỀN
Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020) là công trình được nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư ấp ủ qua hơn 20 năm, gồm 6 phần chính, chia ra 2 tập.
Tác phẩm giới thiệu ngắn gọn về địa lý, tự nhiên, về thời đại tiền sử, về thời kỳ Phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và Lưu dân người Việt.
Sau đó đi sâu hơn vào các giai đoạn lịch sử từ thời Nguyễn, về tình hình vùng Bình Thuận - Đồng Nai - Gia Định trước khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lý miền Nam, việc đặt nền móng, các đơn vị hành chính, việc mở mang bờ cõi.
Bộ sách mang đến bức tranh toàn cảnh về hơn 300 năm lịch sử của vùng đất này, vùng đất liên tục trải qua nhiều biến động lớn như khi quân Pháp mở đầu cuộc xâm lược Nam Kỳ, đánh thành Gia Định.
Cuộc đảo chính của Nhật và cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền tại Sài Gòn, quân Pháp tái chiếm Sài Gòn - Gia Định, cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm.
Cuộc đấu tranh chống Mỹ... và giai đoạn xây dựng, phát triển thành phố sau ngày thống nhất đất nước.
Bộ sách sử dụng rất nhiều tư liệu của những nhà khoa học đi trước, hệ thống hóa một cách khoa học các tài liệu có nguồn gốc đáng tin cậy…
Hội đồng giải thưởng đánh giá tác phẩm này như một tập cẩm nang, là tài liệu tham khảo có giá trị giúp độc giả tìm kiếm những vấn đề có liên quan đến TP.HCM.
Phát biểu tại lễ trao giải, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận sự bền bỉ cống hiến của sử gia Nguyễn Đình Tư, đánh giá cao nhà nghiên cứu đã dành tâm huyết đời mình cho bộ sách đồ sộ về lịch sử, văn hóa, địa chí.
"Ông thực sự là tấm gương về sự lao động khoa học và tâm huyết, người truyền cảm hứng về tình yêu sách", ông Nghĩa nói.
Bộ sách y khoa quý giá và bộ sử bằng văn
Mùa hè không tên của Nguyễn Nhật Ánh - Ảnh: LINH ĐOAN
Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa nhằm cập nhật kiến thức, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế quý báu trong công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh nội khoa cho các thầy thuốc thực hành.
Chủ biên của cuốn sách - PGS.TS Đào Xuân Cơ - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, có hơn 30 năm kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.
Tổng tập Nhà văn quân đội (2023) là sự kế thừa, tiếp thu và phát triển của bộ Tổng tập Nhà văn quân đội xuất bản năm 2000.
Bộ sách gồm 5 tập, giới thiệu chân dung và tác phẩm của 366 nhà văn quân đội tiêu biểu thuộc các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu - phê bình và dịch thuật qua từng giai đoạn, thuộc các quân binh chủng khác nhau trên mọi miền đất nước.
Bộ Tổng tập Nhà văn quân đội là một bức tranh toàn cảnh, giúp bạn đọc có một hình dung khái lược nhất về văn học Việt Nam hiện - đương đại nói chung, văn học cách mạng nói riêng cũng như về sự phát triển của từng thể loại trong tiến trình văn học sử, cảm nhận được vẻ đẹp trong chiến đấu - lao động, sản xuất; trong cách đối nhân xử thế đầy văn hóa, nhân văn của người lính Cụ Hồ.
Hội đồng giải thưởng đánh giá bộ sáchkhông chỉ đơn thuần giới thiệu chân dung từng nhà văn quân đội mà còn là "bộ sử bằng văn" về đất nước, con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đầy biến động từ chiến tranh đến hòa bình, từ nô lệ đến tự do, từ khổ đau đến hạnh phúc, ấm no hôm nay.