Người Hà Nội uống cà phê tại Cà phê Quỳnh phố Bát Đàn của vợ chồng NSND Như Quỳnh - nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo - Ảnh: HỮU BẢO
Khi Tuổi Trẻ đăng bài "Hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi!" trong số báo ngày 15-11, quan điểm này của ông Thạch nhận nhiều phản hồi. Tuổi Trẻ cũng hỏi thêm quan điểm của một số người được coi là "người Hà Nội gốc" theo định nghĩa thông thường thì ý kiến của họ cũng khác nhau.
Chúng ta ai chả có gốc
Trong số bình luận của độc giả báo Tuổi Trẻ, có nhiều ý kiến chia sẻ chưa đồng tình với quan điểm của ông Phạm Xuân Thạch nói "quên khái niệm người Hà Nội gốc đi".
Độc giả ký tên Tuan nêu ngắn gọn: "Đó là niềm tự hào đáng yêu. Chúng ta ai chẳng có gốc?". Độc giả NVT đồng thuận rằng không quan trọng người gốc (Hà Nội) hay không, mà "người Hà Nội" là ở cái chất, cái tính cách, cái tác phong.
"Người ta nói "phong cách Paris" (style parisien) để nói về sự thanh lịch, tao nhã mà giản dị. Đừng nên bỏ khái niệm rất đẹp này khi chúng ta nói Hà Nội là thủ đô văn hiến", độc giả NVT nêu quan điểm.
Một người Hà Nội vào sống ở TP.HCM từ lâu bày tỏ vẫn rất tự hào về phẩm chất rất riêng của người Hà Nội gốc được thể hiện từ giọng nói, tiếng cười, ánh mắt, dáng đi, cách ngồi ăn quà...
Người này cho rằng những người ở nơi khác đến, có đóng góp xây dựng cho Hà Nội thì nên gọi là "người ở Hà Nội", chứ không phải người Hà Nội gốc.
Một độc giả khác cho rằng vẫn cứ phải ghi nhận cả người ở Hà Nội có đóng góp cho Hà Nội và những người Hà Nội gốc: "Người Hà Nội gốc với người đóng góp xây dựng Hà Nội là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau".
Một số độc giả bày tỏ ấn tượng tốt đẹp khi được tiếp xúc với "người Hà Nội gốc" để ủng hộ sự tồn tại của khái niệm này.
Những người này nói ai từng có mặt từ khi văn hóa Hà Nội mới thành hình, dù đến giờ số người đó không còn nhiều, vẫn phải khẳng định họ chính là người Hà Nội gốc, họ làm lên cái hồn cốt của mảnh đất này.
Không ít độc giả bày tỏ quan điểm trực diện phải thừa nhận có người Hà Nội gốc. "Họ ở Hà Nội nhiều đời, cốt cách tác phong có chất riêng thì sao lại bắt họ không được nói là người Hà Nội gốc?", độc giả Lam nêu ý kiến.
Độc giả Pham Van Binh khẳng định vẫn nên gọi là "người Hà Nội gốc" dù số người "chuẩn Hà Nội" này hiện không nhiều...
Người Hà Nội đọc thư và đan áo trong tranh của Trần Văn Cẩn
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, họa sĩ Lê Thiết Cương - được xem là người Hà Nội gốc theo nhiều tiêu chuẩn - đồng tình với nhà văn Trương Quý rằng có những người "rất Hà Nội" dù không phải gốc Hà Nội như nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
Ông cũng đồng tình với nhà văn Nguyễn Việt Hà rằng nên dùng khái niệm "người sống ở Hà Nội" thay vì khái niệm "người Hà Nội" cho phần đông người đang sống ở Hà Nội hiện nay.
Tuy nhiên ông Cương không đồng ý với ông Thạch rằng "hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi".
"Hà Nội 10 triệu dân, nếu ước lượng người Hà Nội gốc chiếm khoảng 10% thì vẫn có cả triệu người Hà Nội gốc, sao lại bỏ khái niệm ấy? Họ vẫn giữ hồn cốt Hà Nội.
Có những người mới đến Hà Nội nhưng cũng rất Hà Nội, được coi là người Hà Nội. Nhưng không nên vì thế mà phủ nhận người gốc Hà Nội. Họ trao truyền văn hóa Hà Nội từ đời nay sang đời khác bằng cái "gen" Hà Nội", ông Cương nói.
Về định nghĩa người Hà Nội gốc là người có ít nhất ba đời sống ở Hà Nội, ông Cương cho đó là định nghĩa dễ chấp nhận nhất trong cộng đồng chứ cũng không nói được bản chất của người Hà Nội.
Đề cao người Hà Nội gốc là "hạ nhục" bao người khác?
Ở phía ngược lại, cũng không ít người đồng tình với ý kiến của ông Phạm Xuân Thạch, thể hiện qua các bình luận trên Tuổi Trẻ cũng như các ý kiến người Hà Nội được Tuổi Trẻ hỏi.
Độc giả Tien Ngoc viết: "Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến "không nên tranh luận khái niệm người Hà Nội gốc" vì không để làm gì và cũng chả ích gì". Độc giả Đặng Văn Tuấn nêu: "Mình cũng nghĩ nên xóa khái niệm trên là rất đúng đắn".
Đáng lưu ý, một người "chuẩn" Hà Nội gốc theo nhiều định nghĩa và hiện đang sinh sống trong ngôi nhà của bố mẹ ở phố cổ Hà Nội là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo thì lại từ chối nói về cuộc tranh luận "người Hà Nội gốc" như một cách để thể hiện quan điểm của ông về tranh cãi không hồi kết này.
Ông cho biết đã từ chối trả lời câu hỏi này không ít lần.
Tuy thế, ông Bảo gián tiếp bày tỏ quan điểm với Tuổi Trẻ khi dẫn câu thơ của nhà thơ dân gian Bảo Sinh - một người Hà Nội: "Tôn vinh một người quá cao / Là ta hạ nhục biết bao nhiêu người".
Độc giả Tuổi Trẻ cũng có những ý kiến rất đáng suy nghĩ như: "Tại sao không nghĩ là cùng nhau sống vui hòa thuận trên quả địa cầu này?".
Câu hỏi làm nhiều người giật mình tự vấn rằng nếu các khái niệm đưa ra chỉ gây thêm phân biệt, chia cách người với người thì sự tồn tại của nó có cần thiết?
Câu hỏi, một lần nữa, không dễ có câu trả lời trong một xã hội ngày càng tôn vinh sự tự do bày tỏ quan điểm nhưng lại quên lắng nghe nhau.
"Người Tràng An cần cù, cứng rắn, vẻ thanh lịch, đôi lúc hào hoa, yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, nói lời văn vẻ dễ nghe, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm, hay động lòng vì việc nghĩa, tình người, ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm, hoạnh họe, lố lăng, đê tiện...
Họ ở với nhau biết nhịn, biết nể, biết ngượng. Trong thôn phố, có việc là chạy sang thăm hỏi ngay, ở với nhau chu tất, ăn ý. Tình người rõ ràng...".
Trích Hà Nội thanh lịch của Hoàng Đạo Thúy