Người xem không chỉ chiêm ngưỡng những hình ảnh Đà Nẵng xưa mà còn hiểu hơn về vai trò của đình làng trong đời sống cộng đồng, nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa của bao thế hệ - Ảnh: THANH NGUYÊN
Đây là một trong những hoạt động nổi bật thuộc Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024, kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.
Triển lãm Chuyện làng giới thiệu hơn 60 bức ảnh về các đình làng tại Đà Nẵng, tái hiện lịch sử hình thành, phát triển của từng làng quê và những di sản phi vật thể gắn liền.
Người xem không chỉ chiêm ngưỡng những hình ảnh Đà Nẵng xưa mà còn hiểu hơn về vai trò của đình làng trong đời sống cộng đồng, nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa của bao thế hệ.
Triển lãm Chuyện phố gồm 30 bức tranh ký họa, khắc họa một phần diện mạo Đà Nẵng trong thời kỳ thuộc Pháp.
Những bức vẽ tinh tế tái hiện hình ảnh Đà Nẵng chịu ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây, dấu tích của một thời kỳ đầy biến động.
Triển lãm Hồn phố gồm các tác phẩm vào chung kết cuộc thi làm mô hình các công trình kiến trúc tiêu biểu tại thành phố Đà Nẵng, giúp công chúng hiểu biết về các di tích, công trình kiến trúc một cách sống động và đa chiều hơn.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày một số sản phẩm lưu niệm thủ công là các mô hình công trình kiến trúc tiêu biểu như cầu Nguyễn Văn Trỗi, Hải Vân Quan, Nhà trưng bày Hoàng Sa...
Ngoài ra, không gian Chợ phiên đồ xưa Đà thành trưng bày, giới thiệu và trao đổi những đồ vật gợi nhớ ký ức xưa như: gốm sứ cổ, đồ đồng, đồ thờ, các loại tiền xu… và các đồ dùng sót lại từ thời bao cấp.
Triển lãm “Chuyện phố” gồm 30 bức tranh ký họa, khắc họa một phần diện mạo Đà Nẵng trong thời kỳ thuộc Pháp - Ảnh: THANH NGUYÊN
Phát biểu khai mạc ngày hội, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết chương trình Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng 2024 là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật.
“Tại đây, công chúng sẽ có cơ hội tham gia tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa đầy ý nghĩa và thú vị đằng sau các di sản kiến trúc trên địa bàn TP Đà Nẵng”, ông Thiện chia sẻ.