Chuyên mục  


Đây chính là mộ của ông Trần Văn Thái, Cai bạ kiêm Công bộ thời Tây Sơn, sau này giữ chức Thượng thư Công bộ kiêm Thống quản thủy quân triều Gia Long.

Lời đồn về ngôi mộ quan thượng thư

Ông Trần Văn Thái sinh tại xã Ngọc Giáp, tổng Phú Quý Hạ, phủ Thăng Bình, H.Hà Đông, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Lộc Ngọc, xã Tam Tiến, H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Không rõ năm sinh, chỉ biết ông mất vào năm Gia Long thứ 9 (1810).
Sách Đại Nam thực lục có ghi về sự qua đời của ông như sau: “Thượng thư Công bộ Thống quản thủy quân là Trần Văn Thái chết; tặng tham chính. Lấy binh đưa đám tang về làng, cấp cho 3 người mộ phu”. Theo sắc phong đề ngày 13 tháng 3 năm Gia Long thứ 9, ngay sau khi ông mất, triều đình ban tặng tước đầy đủ là: “Sùng tiến Tuyên lộc đại phu, Trụ quốc tham chính, Quý Đức hầu”. Căn cứ vào năm mất và cách xưng gọi trong sắc phong này ghi nhận ông là bậc “kỳ niên thạc đức” (tuổi cao, đức lớn), thì ít nhất ông mất khi đã trên 60 tuổi.
Mộ quan Thượng thư Trần Văn Thái
Gia tộc của ông Trần Văn Thái tại thôn Lộc Ngọc xác định rằng: Xưa kia, khi quan thượng thư qua đời, triều đình đưa linh cữu từ kinh đô Huế về, có cả đoàn thuyền hộ tống hùng hậu, theo cửa biển (có thể là cửa An Hòa - nay thuộc xã Tam Hải, H.Núi Thành) và theo đường sông về quê nhà. Để đưa linh cữu từ bờ sông Trường Giang vào động cát an táng, triều đình lệnh cho dân binh đào cả một con kênh thẳng dài gần 500 m. Dấu vết của kênh đào vẫn còn trên cánh đồng thôn Lộc Ngọc hiện nay. Riêng việc xây dựng lăng mộ cũng có những lời đồn đại, như dưới lòng lăng mộ tại bốn góc có xây bốn trụ đèn đặt bồn dầu phụng để thắp khi an táng xong. Thậm chí, còn tin đồn rằng có cả việc chôn theo người hầu…
Mộ quan thượng thư là một trong những mộ cổ thời nhà Nguyễn vào loại lớn nhất còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Mộ xây bằng chất liệu đá xanh, tô vôi sò kết hợp các chất kết dính. Cấu trúc ngôi mộ cổ hai lớp, vòng ngoài hình chữ nhật, vòng trong hình ô van.
Vòng ngoài có chiều dài trên 15 m, chiều ngang 12,8 m, bờ thành dày 1 m. Phía trước có bình phong với chiều ngang đo được 5,9 m, chiều cao chưa thể xác định do đã bị vỡ phần đầu. Vòng trong bao bọc ngôi mộ có chiều dài 8,2 m, ngang 5,72 m. Bình phong trên đầu mộ cao 1,7 m, rộng 3,3 m.
Đáng tiếc trải qua thời gian dài không được sửa chữa, bảo quản kỹ, lại thêm tác động của bom đạn thời chiến tranh nên nhà bia và ngôi mộ chính bị hủy hoại, các phù điêu, họa tiết bị bào mòn không còn rõ nét. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương sớm có biện pháp trùng tu đúng nguyên bản và bảo quản lăng mộ quan thượng thư một cách tốt hơn.

Vị tướng chế tạo thuyền chiến

Theo nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Văn Bảy - giảng viên ngữ văn tại Trường đại học Quảng Nam, năm 1793 Gia Long kéo quân từ Gia Định ra tấn công thành Quy Nhơn của Tây Sơn. Thời điểm đó, Trần Văn Thái giữ chức Cai bạ kiêm Công bộ của Thủy quân Tây Sơn đóng ở Quy Nhơn, khu vực đầm Thị Nại. Ông chuyên trách chế tạo, quản lý các chiến thuyền - công việc mà sau này Gia Long chủ yếu cũng giao cho ông thống quản. Trong lực lượng của Tây Sơn, nhất là giai đoạn Nguyễn Huệ cho quân đuổi theo quân nhà Nguyễn trong buổi đầu Nguyễn Ánh gây dựng lại lực lượng ở Gia Định, đặc biệt là trong chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút đánh tan 2 vạn quân Xiêm - Nguyễn (1785), thì thủy quân và các chiến thuyền của Tây Sơn là lực lượng có vai trò vô cùng to lớn, mang tính chất quyết định. Việc Trần Văn Thái đã từng giữ chức Cai bạ kiêm Công bộ của Tây Sơn, chứng tỏ ông là một trong những người đóng vai trò không nhỏ vào việc phát triển thủy quân, nhất là tham gia chế tạo thuyền chiến.
Tuy nhiên, sau khi Quang Trung qua đời (1792), triều Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Lợi dụng cơ hội này, Nguyễn Ánh đã quay lại gầy dựng và phát triển lực lượng để phản công Tây Sơn. Nhiều tướng lĩnh của Tây Sơn đã theo Nguyễn Ánh, trong đó có Trần Văn Thái. Từ khi gia nhập vào lực lượng Nguyễn Ánh cho đến khi triều Gia Long ra đời, công việc chính của Trần Văn Thái đều liên quan đến việc xây dựng và quản lý thủy quân, thuyền chiến.
Trước khi diễn ra trận tấn công vào Thị Nại và thành Quy Nhơn lần thứ ba (1799), Trần Văn Thái được Nguyễn Ánh giao đóng thuyền chiến. Sau khi chiếm thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh vẫn còn lo ngại viện binh Tây Sơn từ Phú Xuân kéo vào (với các tướng thiện chiến là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng chỉ huy), nên đã cho các tướng như Phạm Văn Nhân, Võ Di Nguy và Trần Văn Thái thống lãnh thuyền binh theo Đông cung Cảnh về Gia Định trước. Thời gian sau đó cho đến khi Nguyễn Ánh chiếm lại Phú Xuân và tiến ra bắc chấm dứt triều Tây Sơn, công việc chủ yếu của Trần Văn Thái là phụ trách chế tạo và cai quản các đội thuyền binh tham gia các trận chiến, vận tải lương thực… Trong một trang gia phả kể hành trạng của ông có ghi: “Ông là người có tài khéo, phàm các quy thức chế tạo thuyền chiến đều từ tay ông mà ra”.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020