Chuyên mục  


base64-17307595842521443279075.jpeg

Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy (bìa phải, chỉ đạo nghệ thuật chương trình) tặng hoa cho nghệ sĩ Lệ Thủy sau khi bà thể hiện lại một đoạn bài tân cổ giao duyên đầu tiên Chàng là ai? - Ảnh: LINH ĐOAN

Đến dự chương trình có Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân, Phó trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Khu vực phía Nam Phạm Quý Trọng...

NSND Lệ Thủy và các nghệ sĩ nhiều thế hệ đã có một đêm chìm đắm trong lời ca tiếng hát để tôn vinh soạn giả Viễn Châu, người có công lớn với nghệ thuật cải lương.

Lệ Thủy hạnh phúc vì được hát tri ân soạn giả Viễn Châu

Trong chương trình, một trong những tiết mục được chờ đợi là phần tái hiện lại bài tân cổ giao duyên do ông Viễn Châu là người sáng tạo ra.

Ban tổ chức cho khán giả nghe lại một phần bản thâu âm bài tân cổ giao duyên Chàng là ai? (Nhạc: Nguyễn Hữu Thiết) cách đây 60 năm.

Sau đó, NSND Lệ Thủy xuất hiện và ca lại một đoạn bài tân cổ giao duyên năm xưa. Khán giả đã vỗ tay rần rần với tiết mục này.

NSND Lệ Thủy tiết lộ khi soạn giả Viễn Châu đưa bà ca bài Chàng là ai? bà khoảng chừng 14 tuổi. Bà nhớ lúc đó ông Viễn Châu nói rằng: "Bữa nay chú Bảy đưa con ca bài mới". Bà hỏi: "Mới sao chú Bảy?".

Thế là ông giải thích đó là tân cổ giao duyên: "Hồi nào giờ con hát vọng cổ, bây giờ bài này con ca vọng cổ, xong có đoạn nhạc, con hát xong rồi quay lại vọng cổ" - Lệ Thủy nhớ lại người mà bà yêu kính như cha, như thầy đã nói với bà.

base64-1730742784181850173927.jpeg

Chuông vàng vọng cổ Nguyễn Thanh Toàn (phải) được vinh dự thể hiện hình tượng soạn giả Viễn Châu - Ảnh: LINH ĐOAN

Mặc dù hết sức e ngại nhưng được ông Viễn Châu động viên Lệ Thủy đã mạnh dạn thể hiện "bài ca cổ lạ".

Từ đó mở đầu một sáng tạo hết sức tuyệt vời cho bài vọng cổ. Lệ Thủy xúc động cho biết bà rất vui và hạnh phúc vì thể loại tân cổ mà bà được ông Viễn Châu tin tưởng giao thể hiện đầu tiên đến nay vẫn tồn tại và vẫn được người mộ điệu cải lương yêu thích.

base64-1730743045163828519292.jpeg

Nghệ sĩ Kim Tử Long ca bài tân cổ Võ Đông Sơ - Ảnh: LINH ĐOAN

Nghe ca đã đời những sáng tác hay của Viễn Châu

Ngoài thể hiện bài Chàng là ai?, nghệ sĩ Lệ Thủy còn ca chung với nghệ sĩ Trọng Hữu trích đoạn Chuyện tình Hàn Mặc Tử

Trọng Hữu là Hàn Mặc Tử, còn Lệ Thủy là Mai Đình. Bà còn cùng nghệ sĩ Minh Vương ca bài kết thúc đêm diễn cùng toàn bộ nghệ sĩ tôn vinh soạn giả Viễn Châu.

Trong một chương trình dài khoảng 150 phút, trên kịch bản văn học của Trần Trí (biên tập chương trình: Hoàng Song Việt), đạo diễn Hữu Quốc - Dương Thảo và các cộng sự đã xây dựng câu chuyện với những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời ông Viễn Châu từ trẻ đến ngoài 80 tuổi.

Qua đó, khán giả được thưởng thức nhiều bài ca cổ, trích đoạn cải lương hay mà soạn giả Viễn Châu đã để lại cho đời.

Có thể kể ra như Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Tình anh bán chiếu, Lá trầu xanh, Người mẹ miền Nam, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Em đi chùa Hương, Đêm tàn bến ngự, Bài ca đất phương Nam, Hai sắc hoa Tigon...

Đêm diễn còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Thanh Nam, Thoại Miêu, Kim Tử Long, Trọng Phúc, Hữu Quốc, Cẩm Tiên, Phượng Hằng, Mỹ Hằng, Lê Tứ, Hà Như, Thu Vân, Điền Trung, Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Khởi, Diễm Thanh...

base64-1730743239491362535473.jpeg

Tiết mục Người mẹ miền Nam - Ảnh: LINH ĐOAN

Chuông vàng vọng cổ Nguyễn Thanh Toàn được vinh dự thể hiện hình tượng soạn giả Viễn Châu.

Sau đêm 4-11, chương trình sẽ được đưa về biểu diễn nơi quê hương Trà Vinh của soạn giả Viễn Châu vào tối 8-11.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020