Triển lãm Giấc mơ rực rỡ của Khổng Đỗ Duy khai mạc lúc 18h ngày 3/1tại Huyen Art House (8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM), mang một không khí Tết của Bắc bộ vào phương Nam.
Với phong cách tượng trưng-ước lệ được định hình từ triển lãm cá nhân lần thứ nhất, Khổng Đỗ Duy (1987, Vĩnh Phúc) đang có cảm xúc và năng lượng mạnh mẽ để bước tới.
Trong không khí của năm mới, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu một phần bài viết của nhà nghiên cứu Quách Cường về triển lãm này.
Vẽ những điều cảm thấy
Có thể nói, trong các tác phẩm của Khổng Đỗ Duy thì chủ đề xuyên suốt là các yếu tố dân gian, tuổi thơ và hoài niệm, được thể hiện trên một bảng màu tươi mới đầy sắc xuân cùng bố cục hiện đại. Nếu trước đây, với sức trẻ và sự hồ hởi nhiều năng lượng của mình, Duy ưa xê dịch, thích vẻ đẹp bên ngoài với cây cỏ, phong cảnh, biển trời... thì giờ đây, anh thích những thứ có xu hướng nội tại, thậm chí thuộc về quá khứ. Nghĩa là anh không vẽ những thứ đang nhìn thấy, từ ngoài vào, mà giờ đây, anh vẽ những điều cảm thấy từ phía trong ra.
Khổng Đỗ Duy tại Huyen Art House
Nếu trước đây, anh vẽ với bút pháp tung tẩy, có xu hướng trừu tượng, biểu hiện... thì gần đây anh vẽ thiên về ước lệ, tượng trưng nhiều hơn. Chính vì vậy, sự khái quát trong các tác phẩm của anh cũng trở nên cô đọng hơn, súc tích hơn. Thay vì vẽ những vẻ đẹp của cây cối, kiến trúc, núi non... Khổng Đỗ Duy tìm về vẻ đẹp của ký ức, của thời quá khứ đã qua.
Khổng Đỗ Duy từng bộc bạch: "Những di sản văn hóa, dân gian… luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của tôi, nó nhắc nhở tôi phải luôn trân quý và biết ơn những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Trên tinh thần đó, tôi đã khai thác và đưa những hoài niệm, những di sản văn hóa vào trong tranh với sự kết hợp hài hòa giữa hoài niệm và hiện tại, được thể hiện qua tạo hình và hòa sắc với cảm xúc của cá nhân tôi".
Quá khứ hay hoài niệm, tự thân đã có một giá trị của sự từng trải. Phải từng trải, thậm chí đến một độ tuổi nào đó, người ta mới hay hoài niệm, nhận ra giá trị của hoài niệm. Vì vậy điểm độc đáo trong hội hoạ của Khổng Đỗ Duy chính là bằng các tác phẩm của mình, anh đã tăng ý nghĩa của việc phục hồi vốn cổ, làm cho "nghệ thuật sống lại trong nghệ thuật hay văn hóa sống lại trong văn hóa".
Tác phẩm "Mùa đi qua"
Xem tranh anh, ta có cảm giác như sức lan tỏa của hội họa làm tăng năng lượng cảm xúc của cả họa sĩ và người xem và có sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Sự kết hợp nhuần nhuyễn và mượt mà với phong cách hoài niệm và ước lệ trong sáng tác của Duy đã thổi vào tác phẩm một sức sống mới, cảm xúc mới và cách nhìn mới về truyền thống kết hợp với hiện đại trong sáng tạo nghệ thuật.
Ở đây tính dân gian cổ truyền và phong cách ấn tượng đương đại, văn hóa phương đông và cách thể hiện bằng các họa phẩm phương Tây hay truyền thống xã hội của dân tộc cùng song hành với cách thể hiện mang tính thời đại cao của xã hội công nghiệp… Thể hiện trong các phạm trù đối lập, như màu sắc, chi tiết hay bố cục mảng miếng… Màu hồng của xác pháo với xanh dương hay vàng kim, đỏ rực nguyên gốc, các hoa văn chạm trổ, điêu khắc trong văn hoá dân gian với các mảng sáng tối, vuông tròn mang khái niệm hình học của trừu tượng… Hoặc các vật dụng trang trí mang tính biểu tượng xưa như bình phong sơn mài, đôn sứ, bộ ghế gỗ chạm khắc thời Minh, tủ thờ khảm và những chum, thạp gốm cổ hoa nâu đời Lý Trần đựng đầy tiền cổ… Tất cả được tôn lên bởi hoa văn màu sắc sóng thủy ba của những y phục cổ vương giả thời xưa…
Tác phẩm "Vàng son một thuở"
Những thứ vốn không chỉ đẹp về tạo hình mà bên trong nó chứa đựng những câu chuyện về đời người, về phong tục tập quán, về lịch sử văn hóa, về cốt cách Á Đông, được kết hợp song hành cùng đồ vật hiện thời mang tính văn hóa đương đại cao như đàn piano, máy quay đĩa hoặc radio… đều được kết hợp hài hòa, không đối chọi, không khập khiễng, vô duyên, mà bằng kỹ thuật hình họa cân bằng thị giác và bố cục phẳng, cận cảnh nhưng cũng tạo độ sâu và bảng màu tươi sáng, êm ả không chói, gắt, đã tạo cảm giác thân thiện, hoài cổ và gần gũi cho người thưởng lãm các tác phẩm của Khổng Đỗ Duy.
Một kết nối thời gian
Có thể nói rằng, các tác phẩm mà Khổng Đỗ Duy thể hiện trong triển lãm mang tên Giấc mơ rực rỡ lần này mang đậm tính kết nối thời gian của thực tại, không gian trong hoài niệm và dân gian trong lòng đương đại… Những nét cong của đầu đao mái đình, chùa, những hoa văn trong chạm khắc hay những đồ vật và gốm sứ cổ xưa được trưng bày trong không gian Tết… chính là di sản, là văn hóa dân gian, là vàng son một thuở… Tất cả được hòa trộn trong một hoài niệm chồng lấp giữa xưa và nay, xa và gần, mới và cũ, sung túc và bình dị…
Tác phẩm "Sung túc" (16)
Những hoài niệm hoặc ký ức của Khổng Đỗ Duy đã lược bỏ đi những biến thái xấu xí, lạc hậu và cũ kỹ, mà chỉ giữ lại, thậm chí chỉ tô điểm những điều đẹp đẽ lung linh, đôi lúc có phần thiêng liêng trong tâm hồn mỗi con người. Trong ký ức ấy, sống động nhất có lẽ là những trang hoàng, bày biện của gia đình dịp Tết nhất, lễ tiệc, có ý mong cầu về sự ấm no, phú quý, lễ nghĩa, an khang… mà họa sĩ đã thể hiện bằng gốc đào hé nở, chậu cúc vàng tươi, hoặc lọ sen đằm thắm… qua hình khối và màu sắc trong tác phẩm của mình.
Trong hội họa của Duy, khái niệm tượng trưng-ước lệ, hoặc hoài niệm quá khứ đã được xử lý và thực hiện một cách hài hòa, đồng điệu, bổ sung cho nhau, hòa điệu cùng nhau tạo nên những bản hòa ca về ý tưởng kết hợp với màu sắc và hình khối không hề khập khiễng và gượng gạo.
Tác phẩm "Thoáng xưa" (2)
Xem các tác phẩm trong Giấc mơ rực rỡ của Khổng Đỗ Duy, thấy tinh thần ước lệ - tượng trưng của nghệ thuật dân gian xưa hiển hiện rõ trong diện mạo đương thời, sặc sỡ tính trang trí và mềm mại về bố cục. Đây là một cuộc tìm về quá khứ tươi tắn, nhiều sức gợi. Nói là "tìm về", bởi kể từ khi ra trường 2010, rồi dạy học, rồi bắt đầu sáng tác tự do từ năm 2012 đến nay, Khổng Đỗ Duy đã trải qua 4 giai đoạn. Từ bán trừu tượng, đến biểu hiện, rồi biểu hiện-trừu tượng, để bây giờ là tượng trưng-ước lệ và hoài niệm.
Cũng vì muốn truyền tải những câu chuyện dân gian từ xưa đến nay, từ truyền thống đến hiện đại ấy, Khổng Đỗ Duy đã chọn cho mình một lối biểu đạt hội họa mang đậm màu sắc và truyền thống dân gian sâu sắc. Đó là một bảng màu đậm hồn cốt dân tộc. Từ màu hồng điều, xác pháo đến nâu sồng dân dã, cánh gián, nâu hoàng thổ rồi đen sơn then đỏ sẫm. Dải màu từ nhạt đến đậm, từ nóng đến lạnh... ngập tràn trong tranh của hoạ sĩ, khiến chỗ nào cũng bắt gặp văn hóa dân gian và hồn xưa dân tộc.
Tác phẩm "Sung túc" (18)
Trong các tác phẩm của Khổng Đỗ Duy, việc biến các ý tưởng và cảm xúc của tác giả vào không gian của khái niệm ước lệ-tượng trưng và đưa được các ý tưởng cùng khái niệm đó lên toan, phần nào đó đã chứng tỏ kỹ thuật và khả năng biến tấu sắc màu và làm chủ bố cục tác phẩm của hoạ sĩ: "Sự sắp đặt các đối tượng dày đặc, lớp lang... đẩy họa sĩ vào thế khó phải giải quyết bài toán về bố cục. Ranh giới giữa chi tiết và tổng thể, giữa chính và phụ... chưa khi nào mong manh như lúc này. Thật khéo thay, họa sĩ đã lược bỏ gần như hoàn toàn viễn cảnh xa gần, tận dụng vẻ đẹp mảng miếng để khi cần chơi những mảng thật đắt, những màu thật duyên... nhằm ấn định trường nhìn một cách hiệu quả. Vì vậy, ở nhiều tác phẩm, dù Khổng Đỗ Duy dùng các thủ pháp trừu tượng thì nó vẫn chỉ là yếu tố phông nền, là nhạc đệm cho đối tượng chính. Do vậy, nó không hề lấn át chủ đề mà vẫn ăn nhập... thậm chí nó như một gạch nối ngầm, đầy duyên dáng giữa phong cách hội họa trước đây và bây giờ của họa sĩ" - đúng như nhận xét của họa sĩ Lê Thế Anh.
Vốn cổ thấm nhuần một cách tự nhiên
Từ một cậu bé sinh ra và lớn lên tại quê hương Vĩnh Phúc, một vùng bán sơn địa đậm đặc truyền thống văn hóa dân gian. Có núi thiêng Tam Đảo và dòng sông Lô huyền thoại của địa linh, có vùng hoa Mê Linh và làng gốm Hương Canh nổi tiếng về nhân kiệt… Tình yêu vốn cổ và văn hóa quê hương ngấm vào Khổng Đỗ Duy từ lúc nào chẳng rõ, nó đi theo anh trong suốt hành trình từ lúc đi học, lớn lên và trở thành một họa sĩ. Thế nên, không hề ngạc nhiên khi trong các sáng tác của Duy thể hiện đúng những cảm xúc của anh với văn hóa quê hương, cảm xúc đó được thể hiện một cách thực thể và rõ nét trong phương pháp sáng tác của anh, nó đồng hiện một cách tượng trưng, nó ước lệ một cách đầy hoài niệm và có tính đối lập hệ thống rõ ràng.
Tác phẩm "Trong studio"
Từ thú chơi vừa dân dã vừa quý phái của cha ông, tượng trưng bằng lồng chim đến bình vôi, khay trầu, thể hiện phong tục cổ truyền giản dị và sâu sắc. Từ màu nâu sồng, nâu buồm trong những thạp gốm hoa nâu tượng trưng cho đất, cho gốm Hương Canh bình dân, đến những hũ, chum tiền xu đầy tràn tượng trưng cho phú quý đủ đầy. Từ những chậu hoa mộc lan, hoa trạng nguyên trên nền hoa văn rồng phượng, hoặc sóng thủy ba trong văn hóa vương giả, cung đình, đến những bình phong tre trúc hoặc chạn bát mộc mạc cuộc sống dân gian. Từ những gốc hoa đào thắm, cây lựu đỏ rực của tiết Xuân Hạ, đến những chậu cúc vàng, trái hồng lúc lỉu đến cành trúc của tiết Thu Đông… Bốn mùa tứ tiết, dân dã vương giả, nghèo khó sung túc đến thực dụng thanh cao… đều đồng hiện song hành và tượng trưng-ước lệ một cách hài hòa trong bố cục biểu hiện được sắp đặt khéo léo và nhiều ấn tượng thị giác trong tranh của Khổng Đỗ Duy.
Xem tranh Duy lúc thì thấy thấp thoáng những câu Kiều trong không gian thưởng trà ngâm vịnh của các tao nhân xưa: "Dưới trăng quyên đã gọi Hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòa đơm bông". Còn màu sắc hồng điều, đen ánh, vàng điệp, xanh lục… liên tưởng đến "mực tàu giấy đỏ" của ông đồ xưa hay tranh Đông Hồ dân tộc. Nó đưa tâm thức ta về với không gian Tết xưa, khi mà: "Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Om sòm trên vách bức tranh gà". Cái không khí Tết mà cả không gian làng xóm hoặc gia đình được rạo rực và thiêng liêng khi ồn ào, vui vẻ chuẩn bị: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh"...
Tác phẩm "Hương xưa"
Yếu tố xưa nay đan xen và hồi tưởng đó đúng như Duy từng bộc bạch: "Các tác phẩm của tôi là những câu chuyện dài về quá khứ được trộn pha một chút hiện đại, được khoác lên một lớp màu tươi mới, rộn ràng vui tươi trong không khí xuân xưa, với mong muốn mang tới cho người xem một cái nhìn mới mẻ về những không gian hoài niệm xa xôi và đầy tích cực".
"Trong không gian hoài niệm của tôi có sự chắt lọc và kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Một chút Á Đông và một chút phương Tây, tạo cảm giác cho người xem có sự kết nối, gần gũi và ấm áp. Trong tranh của tôi, người xem sẽ ít nhiều bắt gặp những hình ảnh rất quen thuộc như trong giấc mơ, trong ký ức và cả trong hiện tại".
Tác phẩm "Ngày bình yên"
Trong hội họa của Duy, sự mở rộng biên độ cảm xúc trong sáng tạo, kết hợp giữa xưa và nay, giữa văn hoá dân gian và cái nhìn đương đại, giữa sắp đặt và hội họa trong cùng một không gian với một khái niệm tượng trưng hoài niệm rất mới. Khái niệm này không chỉ có tính sáng tạo trong ngôn ngữ tạo hình mà còn thể hiện sự pha trộn tinh tế giữa yếu tố màu sắc (điều cốt yếu của hội họa) với yếu tố cảm xúc văn hóa của tâm hồn… mở ra đa chiều cảm xúc cho hội hoạ của anh. Sự sáng tạo này chính là hành trình đối diện với tâm hồn mình, cảm xúc bản thân mình… giúp những cái xưa cũ và những cái mới tự nhiên đến với nhau, cùng nhau đồng hiện, đồng giao và đồng cảm cùng nhau. Điều này không lệ thuộc vào bề dày học thuật và nền tảng trí thức vốn có mà nó thể hiện chiều sâu tâm hồn cùng cảm xúc văn hóa dân tộc sâu sắc, được kết hợp với kỹ năng hội họa, chất liệu đương đại và hiện thực cuộc sống… tất cả đi vào trong tác phẩm một cách tự nhiên như cuộc sống và văn hóa dân tộc bao đời nay để tạo nên một sự thống nhất, hài hòa và ăn nhập hình thành nên một tổng thể thống nhất trong tranh.
Với hơn 30 tác phẩm được giới thiệu trong không khí cận kề cuối năm. Khi mà không khí Xuân rạo rực và sự háo hức mong chờ mùa Xuân mới, người ta càng có dịp lắng lòng mình nhìn lại thời gian đã qua, hướng tới mùa Xuân mới nhiều ước vọng hơn, thì lại càng cảm được điều đó khi ngắm tranh Khổng Đỗ Duy và đón Tết cổ truyền năm mới đến với thành phố nhộn nhịp phương Nam, Khổng Đỗ Duy đã mang âm hưởng xưa của Tết cổ truyền dân tộc đến với nhịp sống sôi động và hiện đại của thành phố lớn nhất nước… Điều đó cũng phản ánh đúng với phong cách hội họa và quan niệm về nghệ thuật của anh.