Khu vực cồn Dã Viên giữa sông Hương đang được chỉnh trang - Ảnh: NHẬT LINH
Ngày 25-5, đại diện Phòng quản lý đô thị TP Huế cho biết UBND TP Huế đang tiến hành chỉnh trang lại cồn Dã Viên. Việc chỉnh trang nằm trong đề án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.
Theo đó, chính quyền sẽ cho xây dựng đường đi bộ, bãi cỏ, rừng cây nhiệt đới, quảng trường và sắp tới dự kiến sẽ xây dựng cầu đi bộ kết nối đường Bùi Thị Xuân xuống cồn Dã Viên. Dự kiến việc xây dựng công viên ở đây sẽ hoàn thành trong quý 3-2021.
Về lâu dài, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ nghiên cứu để xây dựng một vườn Ngự Uyển dưới thời nhà Nguyễn trên cồn Dã Viên.
Theo đó, khu vườn Ngự Uyển này được xây dựng ở phía tây cồn Dã Viên với cảnh quan được bố trí kiểu bậc thang thường được sử dụng trong các lăng tẩm thời xưa và trên cơ sở cấu trúc đan xen đối xứng như trong Đại nội Huế.
Những loài cây quý được trồng trong vườn ngự ở Đại nội cũng sẽ được nghiên cứu để trồng ở khu vực vườn ngự này như sen, súng, cây bonsai... Trước đó, vào năm 1868, vua Tự Đức cũng đã cho lập một vườn ngự tại đây và cho dựng bia đá khắc chữ Hán "Dư Dã Viên".
Quy hoạch xây dựng, chỉnh trang cồn Dã Viên được phê duyệt - Ảnh: NHẬT LINH chụp lại
Ông Nguyễn Việt Bằng - phó chủ tịch UBND TP Huế - cho biết ngoài việc xây dựng công viên, vườn ngự... ở khu vực cồn Dã Viên thì chính quyền sẽ cố gắng giữ gìn, bảo tồn khoảng cây xanh ở phía tây cồn.
"Khu vực này những năm trở lại đây là nơi trú ngụ của nhiều loại chim quý. Một đàn cò trắng với hàng trăm con thời gian gần đây đã về khu vực này để trú ngụ, sinh sản. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo tồn khu vực không gian xanh này" - ông Bằng nói.
Trước đó, vào năm 2006, Công ty cổ phần khu du lịch cồn Dã Viên đã báo cáo khái quát về định hướng đầu tư dự án xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng tại cồn Dã Viên.
Theo đó, một phức hợp các công trình có chiều cao trung bình 3 tầng, khu khách sạn cao 5 tầng, khu hội nghị quốc tế cao 2 tầng... dự kiến sẽ xây dựng tại đây.
Tuy nhiên dự án này vấp phải sự phản ứng của dư luận xứ Huế vì cồn Dã Viên là một trong những khu vực gắn liền với yếu tố phong thủy gắn với Kinh thành Huế và có nhiều di tích cần được bảo tồn.
Bảo tàng" số" giữa cồn Dã Viên
Ông Nguyễn Việt Bằng cũng cho biết trong phương án quy hoạch thì Nhà máy nước Dã Viên (nằm giữa cồn) sẽ được cải tạo để trở thành một bảo tàng ‘số’ phục vụ tham quan.
Nhà máy nước sạch Dã Viên được xây dựng vào năm 1953 với sức chứa 9.600m3/ngày, kể từ năm 1993 đến năm 1996 cải tiến với sức chứa 12.000m3/ngày, sức chứa hiện tại là 24.000m3/ngày. Dự kiến nhà máy này sẽ ngừng sử dụng trong thời gian tới do các thiết bị của nhà máy đã lạc hậu.
Dự án bảo tàng "số" giữa cồn Dã Viên nằm trong dự án xây dựng TP Huế trở thành thành phố thông minh do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí hơn 13 triệu USD.
"Dự án sẽ lấy tháp nước trong khu vực nhà máy này để cải tạo thành một bảo tàng ‘số’ phục vụ tham quan, du lịch. Nơi đây có thể trưng bày, giới thiệu những thông tin lịch sử về cồn Dã Viên và có thể cung cấp thông tin du lịch tại khu vực này sau khi hoàn thiện xây dựng" - ông Bằng nói.
TTO - Hai bờ dọc sông Hương (Huế), đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh dài khoảng 15km được quy hoạch tổ chức 5 cụm đô thị, cảnh quan sinh thái gồm khu vực trung tâm thành phố và 4 khu phụ trợ.