Chuyên mục  


* Cơ duyên nào đã dẫn dắt anh đến với dịch thuật, và mới nhất là tác phẩm Những tù nhân của Địa lí phiên bản minh họa màu?
- Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng: Mối duyên giữa tôi và dịch thuật đã bén rễ từ năm 1996. Hồi đó, tôi tình cờ mượn và đọc được cuốn truyện có nhan đề The Island Of Blue Dolphins (Đảo Cá Heo Xanh). Vì rất thích tác phẩm, tôi quyết định dịch nó ra tiếng Việt, và đây cũng là tác phẩm dịch đầu tiên của tôi. Ban đầu chỉ nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân. Nhưng sau khi hoàn thành, tôi mong muốn được nghe ý kiến đánh giá của những người có chuyên môn, nên đánh bạo gửi bản dịch của mình tới NXB Kim Đồng.
Số phận của cuốn sách trên tuy có hơi lận đận, nhưng bù lại, từ đó tôi trở thành cộng tác viên dịch của NXB Kim Đồng. Chắc cũng phải xếp vào hàng “ruột” đấy! (cười). Ngày trước, tôi dịch nhiều lắm, nhưng hiện nay vì bận công việc chính nên dịch thưa hơn. Với cuốn Những tù nhân của Địa lí phiên bản minh họa màu, NXB Kim Đồng đặt vấn đề nhờ tôi chuyển ngữ và tôi nhận lời, vì đây là đối tác từ những ngày đầu vào nghề nên tôi chưa bao giờ từ chối, thêm nữa, nội dung cuốn sách cũng là lĩnh vực tôi khá am hiểu, tiến độ dịch cũng phù hợp với quỹ thời gian của tôi.

Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng được biết đến với các tác phẩm dịch như: Hỏa ngục, Biểu tượng thất truyền, Nguồn cội (Dan Brown), Ba người thầy vĩ đại (Robin Sharma), Margaret Thatcher - Hồi ký bà đầm thép...

* So với phiên bản đầu tiên ở dạng sách chữ, cuốn sách Những tù nhân của Địa lí phiên bản minh họa màu đã được giản lược khá nhiều thuật ngữ và nội dung đối với độc giả trẻ. Với bề dày kinh nghiệm đã có từ các cuốn sách “khó nhằn và nặng ký” khác, anh có gặp vấn đề gì trở ngại trong quá trình chuyển ngữ?
- Tôi có biết Những tù nhân của Địa lí phiên bản sách chữ, nôm na là sách “nặng ký” theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen (cười). Nhắm đến độc giả trẻ, tác giả đã cộng tác với họa sĩ minh họa để cho ra đời phiên bản sách ít chữ, nhiều tranh, lối viết dễ hiểu hơn. Nội dung được giản lược và có minh họa sinh động giúp độc giả trẻ tuổi và những người không có nhiều thời gian đọc dễ tiếp cận, dễ nhớ và dễ lĩnh hội hơn.
Từ những kinh nghiệm đã có về dịch thuật, cuốn sách này thực tế không quá khó khăn với tôi. Chưa kể chủ đề địa - lịch sử mà tác phẩm đề cập cũng là mảng đề tài tôi khá tự tin là có nền tảng kiến thức khá tốt. Bởi vậy, quá trình chuyển ngữ, tôi không gặp nhiều thách thức lớn.
Điều khiến tôi phải cân nhắc nhất có chăng là tìm kiếm và lựa chọn từ ngữ sao cho vừa phù hợp với độc giả trẻ Việt Nam, vừa không mất đi chất khoa học bởi nếu ta dịch thuật ngữ một cách đơn giản quá, giá trị khoa học sẽ trở nên mờ nhạt.
• Với nội dung địa - chính trị, địa - lịch sử như Những tù nhân của Địa lí, liệu độc giả trẻ có cảm thấy khó khăn gì khi tiếp cận với phiên bản minh họa màu này không?
- Ở góc độ người dịch, lại cũng coi như một trong những độc giả đầu tiên ở Việt Nam được tiếp cận bản gốc, tôi thấy những cuốn sách theo chủ đề này rất hay và thú vị. Cách diễn đạt của sách cũng phù hợp với đối tượng độc giả trẻ, giúp họ tiếp cận được những kiến thức về lịch sử, địa lý, chính trị.
Nhiều người chúng ta biết đến nhà xuất bản nước ngoài nổi tiếng DK hay một số đơn vị xuất bản lớn khác, họ chuyên làm những cuốn sách kết hợp khéo léo giữa tranh minh họa và kiến thức khoa học, giúp độc giả tha hồ lựa chọn và thưởng thức. Ở Việt Nam những năm gần đây cũng xuất bản rất nhiều cuốn sách thuộc dòng này, thậm chí còn được mạnh dạn đầu tư in ấn từ chất liệu giấy đến chất lượng in giống y nguyên bản. Xuất bản sách tranh thực ra không hề dễ dàng, khi thương thảo mua bản quyền khó khăn, chi phí bản quyền đắt đỏ, in ấn tốn kém, giá bìa cao, thành ra số tiền bỏ ra có khi còn cao hơn tiền thu về. Nhưng nhiều đơn vị xuất bản, trong đó có nhà xuất bản Kim Đồng, vẫn muốn giới thiệu với độc giả các tác phẩm giá trị như vậy. Theo tôi, đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho văn hóa đọc Việt Nam.
Dạng sách tranh cũng phần nào đáp ứng được cái “gu” của độc giả trẻ ngày nay. Nhiều độc giả ngại đọc sách nhiều chữ, nên sách có tranh ảnh minh họa sẽ thú vị hơn, đỡ nặng nề hơn và giúp dễ tiếp cận, dễ ghi nhớ. Tôi đánh giá rất cao khả năng đọc của độc giả trẻ Việt Nam, nên tôi cho rằng đề tài địa - chính trị tưởng “khó nhằn” này sẽ được các bạn yêu thích.
* Theo anh tác giả Tim Marshall mong muốn chuyển tải điều gì thông qua cuốn sách này?
- Chung quy lại, đây vẫn là một cuốn sách giới thiệu về lịch sử - địa lý thế giới. Nhưng tác giả Tim Marshall có một cách tiếp cận khá thú vị. Từ góc độ địa lý, ông lý giải quá trình hình thành và lịch sử các vùng đất khác nhau của thế giới, đồng thời cũng nhấn mạnh nét đặc thù của từng vùng.
Ví dụ như trong cuốn sách, tác giả giải thích cặn kẽ tại sao nước Nga có xu hướng tiến về phía Tây. Tất cả bởi vì họ không có rào chắn tự nhiên ở hướng đó, nên buộc phải tìm cách “bịt” lỗ hổng này. Tôi nghĩ đó là một cách lý giải khá thú vị.
Tác giả sử dụng khía cạnh địa lý để giải thích các sự kiện lịch sử và mối quan hệ giữa các nước. Cuốn sách này cũng sẽ là một lăng kính cho những bạn muốn đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu nhiều góc độ của lịch sử, địa lý thế giới.
 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020