Đoàn cải lương Nam Bộ diễn tại rạp Hồng Hà
... Và là tiền thân cho sự ra đời của Nhà hát cải lương Việt Nam và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Trong quyển Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu, ông Nguyễn Ngọc Bạch, trưởng Đoàn văn công Nam Bộ, sau này là trưởng Đoàn cải lương Nam Bộ, có viết:
"Sau Hiệp định Geneve, khoảng cuối năm 1954, trên 100 đứa con văn nghệ Nam Bộ đã rời miền Nam ra miền Bắc tập kết. Các nghệ sĩ này từ các đoàn văn công nhập lại thành một đoàn mang tên Đoàn văn công Nam Bộ".
Về đất Bắc
Trong số họ có những cái tên nổi tiếng, được xem là những người dẫn đường và có tầm ảnh hưởng trong nhiều bộ môn nghệ thuật sau này như Hoàng Việt, Ngọc Bạch, Tám Danh, Ba Du, Thanh Nha, Hoàng Sa, Hoàng Ba, Ngọc Thạch, Phan Vũ, Can Trường, Quốc Hương, Xuân Mai, Quang Hải, Thanh Hạp, Ngô Thị Hồng, Hoàng Khanh, Ca Lê Hồng, Phi Điểu...
Đạo diễn Ca Lê Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, nhớ lại thời điểm đó bà chừng 14, 15 tuổi, được tuyển vào đoàn, để rồi rời xa quê hương tới hơn 20 năm sau mới trở lại.
Khởi đầu của bà Ca Lê Hồng là diễn viên trong nhóm múa và hát tốp ca, từ từ học diễn kịch và cải lương.
Nghệ sĩ Lê Thiện và Dương Ngọc Thạch trong vở Khuất Nguyên
Khoảng đầu năm 1955, do yêu cầu phục vụ quân đội và nhân dân, đoàn được tách ra thành lập Đoàn văn công Quân đội Nam Bộ và Đoàn văn công Nhân dân Nam Bộ. Tháng 3-1955, đoàn nhận lệnh vào Liên khu V phục vụ đồng bào trước lúc chuyển quân tập kết cuối cùng.
Nghệ sĩ Lê Thiện, nguyên phó giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đã có duyên được chọn khi đoàn về Bồng Sơn (Bình Định), quê bà, để biểu diễn. Năm đó Lê Thiện chừng 11, 12 tuổi.
Thấy cô bé cứ lấp lấp ló ló coi mê mệt, ông Xuân Phong, lãnh đạo Đoàn văn công Quân đội Nam Bộ, kêu lại biểu cúi gập người tay chạm tới chân coi được không. Lê Thiện làm được, vậy là ông tuyển luôn. Hóa ra trong đoàn có một bạn nam nhí là Phan On nên đang cần một nữ nhí để hát cặp, diễn cặp.
Hành trình làm nghệ sĩ cách mạng của Lê Thiện khởi đầu như vậy. Bà nhớ mọi người trong đoàn đã cùng về Sầm Sơn (Thanh Hóa), suốt quá trình đó bà học múa, học hát cặp cùng Phan On. Chưa hết, bà còn học diễn kịch, làm xiếc.
Hồi đoàn trụ tại Sầm Sơn, 30 - 40 người chia ra thành từng tốp 4, 5 diễn viên phục vụ quân dân tại nhiều địa điểm. Nhân lực không đủ nên đòi hỏi một diễn viên phải đa năng, cái gì cũng học, cái gì cũng làm được.
Điểm diễn có khi chỉ là bãi đất trống không có cảnh trí, chỉ có hai cái đèn măngxông. Khi nào diễn thì rọi vô nghệ sĩ, còn hết cảnh quay trở ngược ra sau chĩa vô khán giả. Sau đó, để đáp ứng nhu cầu của đoàn, bà cùng nhiều nghệ sĩ trẻ như Phi Điểu, Công Thành, Tấn Đạt, Phát Đạt, Thanh Xuân... được học thêm cải lương.
Khoảng tháng 4-1956, Bộ Văn hóa quyết định thành lập Đội kịch nói Nam Bộ, tiền thân Đoàn kịch Cửu Long Giang; cải lương trong Đoàn văn công Quân đội Nam Bộ và Đoàn văn công Nhân dân Nam Bộ nhập lại thành Đội cải lương Nam Bộ, sau này là Đoàn cải lương Nam Bộ, trụ ở địa điểm khu văn công Cầu Giấy, sau dời về 23 Ngô Thời Nhiệm (trụ sở Nhà hát Tuổi Trẻ tại 11 Ngô Thì Nhậm hiện nay).
Chim đầu đàn đất Bắc
Đoàn cải lương Nam Bộ là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt tâm. Có những người như ông Tám Danh, Ba Du trước khi đi kháng chiến từng có thời gian hoạt động cải lương chuyên nghiệp cùng các tài danh như Năm Phỉ, Phùng Há, Năm Châu, Bảy Nam...
Sau những ngày đầu thành lập, mọi người đã bắt tay xây dựng nên những tác phẩm gây được tiếng vang như Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Dệt gấm, Khuất Nguyên, Nàng tiên mẫu đơn, Thạch Sanh, Võ Thị Sáu, Máu thắm đồng Nọc Nạn...
Vở Tình riêng nghĩa cả
Trong giai đoạn còn thiếu trước hụt sau nhưng đã có một ban nghiên cứu cải lương được thành lập cùng nhau nghiên cứu, tìm tòi. Nhờ đó Đoàn cải lương Nam Bộ đã có nhiều thử nghiệm mang tính đột phá tạo dấu ấn đặc biệt.
Một trong những thử nghiệm đó là đưa nhạc sáng tác, phối nhạc mới dựa trên nền tảng những bài bản của cải lương. Đạo diễn Thanh Hạp kể dàn nhạc có trên chục người với rất nhiều nhạc cụ như kìm, cò, tranh, bầu, sến, gáo, guitar, violon, cello, đại hồ, tần, tam, đoản, tì bà, tam thập lục, sáo, tiêu, trống ta, trống jazz, mõ, trống cơm, đàn T’rưng...
Mỗi nhạc công sử dụng thành thạo 2, 3 loại nhạc cụ. Mỗi lần ra vở mới, âm nhạc đã góp phần tạo nên linh hồn cho các vở diễn. Đó là dàn đồng ca trong vở Người con gái Đất Đỏ. Cách dùng ống sáo bỏ đi để tạo hiệu quả cho lớp nhân vật Kim Thông dệt gấm trong vở Dệt gấm.
Nhạc sĩ sử dụng bài Lý giao duyên, song lang gõ nhịp là tiếng thoi chạm vào khung dệt, những ống sáo trúc bỏ đi được buông xuống tạo nên những âm thanh xao xác, tê tái. Vở Ánh lửa có nhiều bài ca sáng tác mới từ âm hưởng nhạc tài tử, cải lương...
Đoàn chụp ảnh lưu niệm khi diễn ở chiến trường Điện Biên Phủ
Các nghệ sĩ Tám Danh, Ba Du... là những người thầy đào tạo, kèm cặp sát sao các nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ Lê Thiện cho biết khi dựng nhân vật Thuyền Quyên của bà trong vở Khuất Nguyên, hai người thầy này đã ứng dụng các trình thức vũ đạo của hát bội, tuồng cổ.
Khi Thuyền Quyên uống phải chén thuốc độc, thầy đã chỉ bà cách sử dụng mái tóc dài như là sự hỗ trợ đắc lực để diễn cảnh nhân vật đau đớn. Hất mạnh tóc ngược về trước sau, xoay tóc và chạy gối một vòng lớn trên sân khấu.
Đây là các trình thức ít được sử dụng trên sân khấu cải lương phía Bắc, như là "đặc sản" của cải lương miền Nam. Mỗi lần như thế, sân khấu như vở òa, khán giả vỗ tay rần rần.
Đạo diễn Ca Lê Hồng nói: "Sự liên tục đưa ra những sáng tạo, hình thức mới mẻ khiến Đoàn cải lương Nam Bộ trở thành cánh chim đầu đàn.
Mỗi lần đoàn ra vở mới là các đoàn cải lương phía Bắc từ các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa... đều tranh thủ đến xem để học hỏi. Các đạo diễn, soạn giả của đoàn cũng chia nhau về các đơn vị hỗ trợ dàn dựng, đào tạo".
Nghệ sĩ Thanh Vy vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật trên đất Bắc nhưng mê mệt cải lương Nam Bộ. Bà là lứa sinh viên đầu tiên của khoa cải lương thuộc Trường Ca kịch dân tộc được lập trong khu văn công Cầu Giấy. "Chúng tôi được học toàn những người thầy từ Đoàn cải lương Nam Bộ sang dạy như Tám Danh, Ba Du, Thanh Hương, Bá Huỳnh...
Tụi tôi thích cải lương Nam Bộ nên khi đi học chỉ hát và thoại tiếng Nam, được các thầy dạy hết sức bài bản và nghiêm khắc. Sau khi tốt nghiệp, bọn tôi được tuyển bổ sung lực lượng trẻ của đoàn" - Thanh Vy chia sẻ.
Hình ảnh người thầy tận tụy thời đó là ký ức khó quên. Mỗi lần nghệ sĩ Hoàng Khanh diễn Dệt gấm, ông Tám Danh đập hột gà ta bỏ vô ly nước nóng biểu uống đi để lát có sức diễn cảnh con hạc đau đớn rứt lông dệt gấm đến chết để trả nghĩa cho người.
Đó là những ngày ông ròng rã trên sàn tập uốn nắn cho các nghệ sĩ đất Bắc như Kim Xuân, Tiêu Lang, Thanh Dậu... đóng thật nhuyễn vở Đời cô Lựu chinh phục khán giả suốt từ năm 1965 - 1969.
Với sức ảnh hưởng của mình, Đoàn cải lương Nam Bộ đã trở thành ngôi sao sáng của nghệ thuật cải lương đất Bắc thời đó. Một năm không biết bao nhiêu là suất diễn.
Đoàn đã đem lời ca tiếng hát mang đậm phong cách Nam Bộ từ đồng bằng đến các vùng núi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những buổi vừa diễn vừa có... phiên dịch, thậm chí còn đến sát vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương.
Ban đầu người lính bên kia còn ngó lơ, sau nghe ca diễn hay quá "quên nhiệm vụ" tập trung xem, vỗ tay như một khán giả bình thường. Đoàn còn được cử sang Pháp biểu diễn phục vụ kiều bào. Nhiều lần biểu diễn cho Bác Hồ xem.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên - giám đốc Nhà hát cải lương VN - kể bố mẹ anh (nhà giáo Nguyễn Quang Vinh và nghệ sĩ Mai Phương) bảo hồi đó các nghệ sĩ cải lương đất Bắc và nghệ sĩ Đoàn cải lương Nam Bộ rất thân thiết. Họ thường xuống các thuyền ở sông Hồng đờn ca cùng nhau và trao đổi nghề nghiệp.
Từ trái qua: nghệ sĩ Tú Lệ, Ca Lê Hồng và Hoàng Khanh trong vở Nàng tiên mẫu đơn
Trong tài liệu Hành trình 55 năm sáng tạo và cống hiến nghệ thuật của Nhà hát Cải lương trung ương (năm 2006) có ghi: "Cuối năm 1964, để phù hợp với thực tế chiến tranh và thống nhất về mặt tổ chức, Bộ Văn hóa đã quyết định thành lập Nhà hát Cải lương VN.
Trong đó có hai đơn vị: Đoàn cải lương Nam Bộ và Đoàn cải lương Trung ương (sau đổi tên thành Đoàn cải lương Bắc)". Giám đốc đầu tiên của nhà hát là họa sĩ Lương Đống, người Cà Mau; các phó giám đốc là ông Ngọc Bạch, Quang Tự.
Về Nam
Tháng 4-1975, khi Nam - Bắc thống nhất, các văn nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc cũng rộn rã niềm vui chờ đón ngày trở về quê nhà. Các thành viên Đoàn cải lương Nam Bộ rục rịch chia thành từng đoàn về Sài Gòn xây dựng lại hoạt động.
Nghệ sĩ Lê Thiện được ưu tiên trở về đường bộ ghé thăm nhà trước khi vào Sài Gòn. Ra đi từ năm 1955 khi còn là một cô bé, ngày trở về Lê Thiện không rõ Bồng Sơn nằm ở chỗ nào. 9, 10 giờ đêm bà mới tìm được nhà.
Ông anh lớn đứng sững: "Úi chồ, con Thiện bây!". Má bà nằm trên ván, 15 phút sau vẫn lọ mọ không biết cách nào ra khỏi mùng. Hai má con đứng đó, không nói cũng không khóc nổi. Rồi má nắm tay Thiện rờ cái sẹo mà hồi nhỏ ham ăn róc mía bị dao chém. Lúc đó má mới bật khóc: "Nó đây rồi!".
Từ trái qua: nghệ sĩ Thanh Dậu, Mạnh Dung, Thanh Tùng trong vở Dệt gấm
Về Nam, những trụ cột của Đoàn cải lương Nam Bộ đã được chia ra về các cơ sở để cùng xây dựng các đơn vị nghệ thuật trong giai đoạn mới.
Bà Ca Lê Hồng từng được cử đi học đạo diễn ở Liên Xô về phụ trách vị trí trưởng khoa cải lương của Trường Nghệ thuật sân khấu II (sau này là Đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM), đến năm 1983 bà là hiệu trưởng của trường. Khoa cải lương thời ấy còn có sự tham gia giảng dạy của ông Xuân Hiểu, bà Thu Vân... - những học trò đất Bắc được các người thầy Đoàn cải lương Nam Bộ đào tạo.
Một số nghệ sĩ của đoàn cũng đã bắt tay xây dựng để thành lập Nhà hát ca kịch cải lương Trần Hữu Trang vào cuối năm 1976.
Giám đốc đầu tiên là ông Chi Lăng. Bà Lê Thiện cho biết diễn viên nhà hát thời kỳ đầu có từ các nguồn Đoàn cải lương Nam Bộ (Thanh Vy, Hà Quang Văn, Thanh Tùng, Tuyết Nhung, Mạnh Dung, Thanh Dậu, Công Thành, Tấn Đạt, Thanh Xuân...); Đoàn cải lương Giải phóng (Thanh Liễu, Như Ngọc, Thanh Phong, Út Danh...) và nguồn diễn viên tại chỗ Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Minh Vương, Út Trà Ôn...
Đoàn đi diễn phục vụ tại chiến trường Điện Biên Phủ
Nhà hát có cơ cấu hai đoàn. Đoàn 1 gồm các nghệ sĩ từ miền Bắc, Đoàn Giải phóng; đoàn 2 là các nghệ sĩ tại chỗ. Với bản lĩnh và nổi tiếng "lì", bà Lê Thiện được phân công làm trưởng đoàn 2, nơi mà người ta cho rằng khá nhạy cảm vì dễ có xung đột quan điểm.
Thế nhưng rốt cuộc sau này bà là người được các nghệ sĩ yêu quý nhất. Nghệ sĩ Bạch Tuyết từng không ngần ngại bày tỏ về Lê Thiện: "Đây là người cực khổ và hi sinh cho anh em nghệ sĩ chúng tôi!", còn nghệ sĩ Hữu Châu lâu lâu đi quay gặp Lê Thiện vẫn hay nói chú Sáu của anh (nghệ sĩ Bảo Quốc) dành rất nhiều tình cảm cho người lãnh đạo, người nghệ sĩ cách mạng Lê Thiện.
Với cách nghĩ, cách làm việc thoáng, đặt lợi ích anh em lên hàng đầu, tôn trọng để tài năng nghệ sĩ được tỏa sáng, bà Lê Thiện và những lãnh đạo của nhà hát trong những ngày đầu cùng tập thể các nghệ sĩ đã cho ra đời hàng loạt vở cải lương tạo dấu ấn như Kiều Nguyệt Nga, Thái hậu Dương Vân Nga, Đêm phán xét, Chim Việt cành Nam…
Gần 20 năm tồn tại, Đoàn cải lương Nam Bộ đã có những dấu son hết sức đáng tự hào trong việc phát huy nghệ thuật cải lương truyền thống của Nam Bộ.
Với việc tích cực tìm kiếm, thu thập những tư liệu quý cho phòng truyền thống sắp ra mắt của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, ông Phan Quốc Kiệt, giám đốc nhà hát, chia sẻ:
"Chúng tôi mong muốn phòng truyền thống sẽ là nơi lưu giữ những ký ức đẹp của cải lương, để người trẻ hôm nay có nơi tham khảo, tìm hiểu lịch sử cải lương, trong đó có giai đoạn hết sức rực rỡ của Đoàn cải lương Nam Bộ.
Khi đã hiểu, đã yêu, hi vọng họ sẽ tiếp tục gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống. Với các cô chú thế hệ đi trước, đây cũng là nơi họ có thể gặp gỡ, giao lưu ôn lại những kỷ niệm đẹp của một thời gian khổ nhưng hết sức ý nghĩa".
TTO - Sau đêm diễn 'mở hàng' của NSND Bạch Tuyết chủ đề 'Gửi người tri kỷ' tại phòng trà We, mô hình cải lương phòng trà, sân khấu nhỏ có dấu hiệu nhộn nhịp trở lại.