Cá rô đồng nướng trên than đỏ
Mỗi bận biển lặng bão, miền Trung ngớt những cơn mưa dầm dề thúi đất trắng trời, nắng sẽ từ từ rót những hạt vàng tươi xuống vườn nhà. Gió thổi cái se se lạnh tràn về khắp nơi.
Cũng lúc đó, người trong xóm lại xới đất ẩm lên phơi, vun những luống rãnh gieo hạt chờ đợi mầm xanh. Ấy là tín hiệu đầu tiên báo rằng năm đã sắp cạn, bấm đốt tay nhẩm tính tháng chạp còn bao nhiêu ngày.
Như thường lệ, má đưa tay đấm thùm thụp vào lưng, ngước mặt lên sau một ngày dài lúi húi cúi khom với luống rau trước nhà, ngửa cái nón lá ra đằng sau cổ, buông câu nói quen thuộc.
"Mới đó mà nhanh quá hỉ. Mới đó thôi một năm lại trôi qua, còn chưa làm được chi, biết lấy tiền đâu sắm sửa Tết nhứt cho mấy đứa con nở mày rạng mặt".
Hồi đó, đã từng có thời, cứ cận Tết là má đi nhổ kiệu, nhổ gừng thuê. Vụ Tết luôn được bà con quê tôi mong ngóng nhất, lời lãi cả năm trời chỉ đợi đến ngày thu hoạch.
Nhưng có khi mưa lê thê ngâm chết củ, thối cây. Người ta cay mắt trông một thì má mỏi cổ ngóng tới mười. Má chắt góp chút tiền công lẻ, thêm vào sắm bộ quần áo mới cho những đứa con.
Bữa nào má rẽ xuống đồng cát trắng phía đông, chiều đó liền đem về rổ kiệu xin mót. Bữa khác rẽ lên các xã cánh tây, gian bếp sẽ đầy ắp gừng được cho.
Củ kiệu má phơi ngâm mắm, gừng đem sên đường làm mứt. Tất cả đều để dành cho mấy bữa Tết tươm tất đủ đầy. Nếu làm nhiều mứt gừng còn có thể mang ra chợ bán.
Trên đôi bàn tay khô nhám của má, đất nâu xen lẫn cát trắng dính đầy kẽ móng. Xót lòng, tôi đã mạnh miệng tuyên bố, mai kia lớn lên sẽ kiếm tiền mua thiệt nhiều kiệu, gừng cho má.
Cuối năm má tôi đi nhổ gừng thuê
Cuối chạp, nắng đã giòn nhưng trời không thôi lạnh, vẫn xen vài ngày thoáng mưa lắc rắc. Tiết khí ẩm ương khiến chị em tôi dễ sụt sịt, đứa ho sù sụ, đứa sốt hầm hập. Thế là má cắp rổ ra vườn, hái vào mớ cải cay, rửa sạch cắt khúc.
Đợi bếp lửa nhen lên, má nấu sôi gừng với nước, rồi cho cải vào, nêm nếm gia vị vừa ăn. Tôi xì xụp húp tô canh nóng hôi hổi, vị thanh thanh, cay the gừng, nhân nhẩn cải. Nồi canh cải nấu gừng chỉ giản đơn như thế, lại đủ ấm nồng xua tan đi cảm lạnh mỏi người.
Trong cơn gió cuống quýt thổi về xứ Quảng, ba thường cầm cần tranh thủ đi câu, xách về mấy xâu cá rô đồng thả chậu nước. Chúng tôi reo thầm nháy mắt, đoán chừng bữa cơm ngày Tết sẽ được ăn ngon.
Ba ra bờ trẩy sau hè chặt vài cây vào chẻ sẵn thành những thanh mỏng dẻo để ít bữa dùng xiên cá rô. Chiều ba mươi, chúng tôi ngồi bên bếp lửa hong ấm đôi bàn tay, chờ củi cháy thành than đỏ, dùng đũa trui cời than ra nướng cá rô đồng.
Cá rô nướng chín như bay hết cái tanh của ruộng mạ, của bùn đất. Mùi thơm chịu hết nổi, nhưng đứa nào cũng phải dằn lòng.
Bởi má sẽ cạo sơ lớp vỏ cháy sem sém đi, cho vào nồi đất kho cùng với gừng cạo vỏ đập dập, thêm nước mắm, và ít mì chính, tiêu, ớt. Cá rô đồng nướng kho gừng dậy mùi mặn mà khắp chái bếp, thơm đậm đà thơm ngất ngây.
Món cá rô đồng kho gừng
Bới chén cơm nóng, dẻ miếng cá rô, chan xíu nước kho sền sệt, vị mặn của mắm quyện vào vị béo của cá, vị cay nồng đặc trưng của gừng, ngon tới vét đáy nồi cơm chẳng đủ. Má dặn đi dặn lại chị em tôi, dù món ngon tới mấy, khi ăn vẫn phải nhai chậm, "lừa" xương cá thiệt kỹ.
Cũng như trên đường đời, làm bất cứ chuyện gì đều cần cẩn trọng, không được hấp tấp, vội vàng. Muốn ăn miếng cá ngon đành chấp nhận có xương cá, và phải chịu qua gian khó thì mới hái được trái ngọt thành công.
Cá rô đồng mùa này thường ít có trứng, nhưng thỉnh thoảng sót vài con. Miếng trứng cá vàng sậm nằm trong dĩa, ba giả đò ngó lơ, má nhường cho con, chị nhường cho em, nhưng thực ra đều lén giấu đi sự thèm thuồng. Bé út hăm hở gắp trứng cá vào chén cơm của mình không cần ngó nghiêng ai.
Ngày đó, đối với chúng tôi, trứng cá rô đồng là ngon nhất trong tất cả các loại trứng cá trên đời. Mãi tới sau này, miếng trứng cá rô kho gừng mằn mặn cay nồng thuở xưa vẫn còn vẹn nguyên hương vị đậm đà trong tâm trí. Thương nhớ đó chẳng biết làm sao đặng đừng.
Biết mấy mùa Tết đến rồi đi cái vèo. Như lời má hay nói, mới đó mà nhanh quá, mới đó thôi chị em chúng tôi đã trưởng thành sải cánh rời xa quê nhà từ bao giờ.
Trong ký ức thương chùng nhớ lén của đứa con nơi phố thị, tuổi thơ chỉ còn là một lời hứa dở dang. Má dành cả đời nuôi trầy nuôi trật chúng tôi mới thành người, tới khi lớn lên rồi, có còn đứa nào ở gần cạnh má nữa đâu.
Món mứt gừng cay nồng xen lẫn ngọt thơm
Trong cuộc gọi về nhà, nghe bé út kể lại, tự nhiên tôi thấy miệng chát ngắt. Dù trời đã ngớt mưa chuyển lạnh, dù nắng đã rọi trên vạt cải con trước nhà, nồi mứt gừng được má sên từ sớm, nhưng hổm rày má không còn câu cửa miệng "mới đó mà nhanh hỉ".
Bây chừ, má chỉ thấy ngày dài thêm ra, đêm như vô cùng, biết khi nào mới Tết. Chờ mãi đứa con xa quê vẫn chưa chịu về.
Giữa phố xá chông chênh, cơn gió se sắt mang mưa tạt qua. "Trời mưa nhỏ giọt đọt gừng/ Thương quê nhớ kiểng quá chừng má ơi". Nhớ quá thì phải về thôi.
Về quây quần bên mâm cơm ấm cúng, bới chén cơm nóng, dẻ miếng cá rô đồng kho gừng, vừa lừa xương cá vừa nói cười rang rảng, kể cho nhau những chuyện vụn vặt trên dặm dài bám bụi đường xa. Bao nhiêu chênh vênh, mỏi mệt nơi xứ người, chỉ cần một bữa cơm nhà là đủ để xoa dịu tất thảy.
Rồi khi những ngày Tết đi qua, má sẽ nói lại câu cũ. Mới đó mà nhanh hỉ, chưa chi đã hết Tết, mấy đứa con của má lại phải tiếp tục cuộc hành trình miên di của mình.
Trong bọc quà mọn đứa con mang theo trên hành trình xuôi Nam, má không quên gói ghém những miếng mứt gừng tự tay má làm. "Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay".
Miếng mứt gừng dù để bao lâu, đem đi bao xa thì vẫn cay nồng ấm bụng như thế. Hệt như tình thương biển trời của má dành cho những đứa con, dù tới kiệt cùng thời gian cuộc đời má cũng còn thương.
"Món Tết quê nhà" cảm ơn gần 1.000 bạn đọc đã gửi bài
Cuộc thi Món Tết quê nhà là nơi bạn đọc báoTuổi Trẻchia sẻ những bí quyết về các món ăn truyền thống ngày Tết, cũng là cơ hội cho những người con xa quê được dịp chia sẻ những cảm xúc về ngày Tết, những câu chuyện đón Tết, ký ức sum họp ấm áp, mâm Tết xa quê của bạn...
Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 bài dự thi từ bạn đọc khắp mọi miền Tổ quốc. Các bạn không chỉ viết về những câu chuyện thú vị quanh mâm cơm Tết, những món ăn tình thân sum họp gia đình, những món ăn "bắt buộc" phải có trong mâm cơm ngày Tết của từng vùng miền, những món ăn đặc trưng... mà còn từ đó nói lên tâm tư về ngày Tết quê mình qua ẩm thực.
Do khuôn khổ của cuộc thi, ban tổ chức chỉ có thể chọn số lượng bài nhất định vào sơ khảo để ban giám khảo (gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báoTuổi Trẻ, nhà báo Lê Thị Thái Hòa - biên tập viên báoTuổi Trẻ, ông Trịnh Đình Lê Minh - đạo diễn phimMùi hương nước mắm, Chung cư của tôi, Thưa mẹ con đi, Bằng chứng vô hình…) chấm xét giải.
Tác giả và tác phẩm đoạt giải cuộc thi sẽ được công bố trên giai phẩmTuổi Trẻ Xuân Quý Mão 2023. Các bài sơ khảo sẽ được in thành sách để tặng miễn phí cho các bạn có bài được đăng tải, là món quà xuân của báoTuổi Trẻgửi tặng bạn đọc trong các hoạt động của báo.
Lễ trao giải Món Tết quê nhà, ra mắt giai phẩmTuổi Trẻ Xuân, ra mắt sáchMón Tết quê nhàdự kiến diễn ra vào ngày 31-12-2022 tại Đường sách TP.HCM. Sự kiện này chào đón các bạn đọc củaTuổi Trẻ, nhất là các bạn đã gửi bài đến cuộc thi. Ban tổ chức cảm ơn bạn đọc đã hưởng ứng để cuộc thi thành công tốt đẹp.
BAN TỔ CHỨC
TTO - Món hành kho của mẹ cũng giống như chuối xanh luộc, kho những ngày bão gió chuối đổ đầy vườn. Không phải là món cao lương mỹ vị nhưng lại là món dễ đưa cơm, là món vừa ăn vừa tự an ủi rằng ít ra công sức của cả một mùa cũng không uổng phí.