Chuyên mục  


Thời gian này, hầu hết các ghe cập cảng Vàm Láng, một trong những cảng cá lớn nhất miền Tây, đều có bạch tuộc. Nếu các loài hải sản có giá trị cao thường được các ghe công suất lớn khai thác bởi chúng sinh sống ngoài xa thì ngược lại, bạch tuộc lại phân bố chủ yếu ở khu vực ven bờ, nơi mà những ghe nhỏ của ngư dân cũng có thể đánh bắt.

Mặc dù có thể đánh bắt quanh năm nhưng hiện nay đang là cao điểm mùa khai thác bạch tuộc. Đó là lý do khiến hàng trăm hộ ngư dân làm nghề đi biển ở quanh khu cảng Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) đang cảm thấy vô cùng phấn khởi. Mỗi chuyến ra khơi gần bờ, ngư dân có thể kiếm dễ dàng hàng triệu đồng nhờ bạch tuộc.

 

Không như ngư dân ở những miền biển khác, các ghe ở vùng biển Gò Công thường đánh bắt được nhiều loại hải sản. Tuy nhiên, cũng tùy từng mùa, từng thời điểm mà các loại thủy sản này cũng có khác nhau. Như thời điểm này, bạch tuộc và mực lá là hai loại hải sản mà ngư dân đánh bắt được nhiều nhất.

 

Ông Đặng Văn Oanh, 51 tuổi, chủ một ghe lưới đáy chạy ở thị trấn Vàm Láng cho biết, gia đình ông có một đôi tàu làm nghề đáy chạy. Nghĩa là, 2 chiếc tàu này chạy ra vùng ngư trường, thường khoảng từ 10-20 hải lý rồi tìm nơi thuận lợi để đóng đáy. Sau khoảng một đêm đợi, ghe sẽ thu lưới để tiếp tục thả. Mùa này hải sản dồi dào, chỉ cần 3 hoặc 2 lượt là đủ khối lượng, ngư dân phải phân loại và đưa ghe vào bờ để bán sản phẩm.

 

Ông Oanh cũng cho biết, do đáy chạy cần nhiều người nên ông phải thuê thêm 2 nhân công, cùng với hai vợ chồng và cậu con lớn. Mùa này, bạch tuộc là sản phẩm đánh bắt chủ yếu, có bữa đáy thu được tới ba chục ký bạch tuộc sau khi kéo. Bình thường, chuyến biển nào cũng có khoảng hai đến ba chục ký bạch tuộc, bên cạnh các loại hải sản khác. Tính sơ sơ, bạch tuộc giúp ghe ông kiếm được vài triệu đồng mỗi chuyến.

 

Bạch tuộc của ngư dân Gò Công Đông sau khi đem về cảng Vàm Láng thì được thương lái thu mua, phân loại và rửa sạch đóng bao. Hiện nay, giá bán bạch tuộc tại cảng dao động khoảng từ 100 ngàn tới 130 ngàn đồng một ký, tùy thuộc loại lớn hay nhỏ.

 

Bà Sáu, một người chuyên thu mua bạch tuộc ở cảng Vàm Láng thì hầu hết bạch tuộc thu mua ở cảng đều được vận chuyển lên TPHCM để tiêu thụ. Hiện nay, bà có hơn hai chục mối, chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn và tiểu thương ở chợ truyền thống mua bạch tuộc. Tất cả giao dịch đều qua điện thoại và lái xe chỉ việc tới địa điểm giao hàng.

 

Theo nhiều ngư dân ở cảng, mặc dù bạch tuộc xuất hiện quanh năm nhưng thời gian này, trữ lượng nhiều hơn. Nếu các ghe đánh bắt xa bờ thường bắt được mực thì bạch tuộc là sản phẩm đặc trưng của các ghe nhỏ gần bờ. Thậm chí, nhiều ghe chạy quanh cồn ngang, cách bờ chừng vài cây số cũng đánh bắt được bạch tuộc thời gian này.

 

Theo tìm hiểu, ngoài khu vực cảng Vàm Láng hiện nay, ở khu vực cảng Đèn Đỏ (xã Tân Thành, Gò Công Đông), nơi cũng có hàng chục ghe thuyền cập cảng mỗi ngày, ngư dân cũng thu hoạch được rất nhiều bạch tuộc. Cũng như ở Vàm Láng, hầu hết bạch tuộc ở đây cũng được thương lái thu mua đem về thành phố ngay.

Theo Dân Việt

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020