Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Tần Quốc Bảo, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Về hưu với mức lương 5.000 NDT một tháng, cuộc sống của tôi bỗng trở nên an nhàn đến lạ. Vốn là một người tham công tiếc việc, không thể ngồi yên một chỗ, do đó khi một người bạn cũ mở công ty và hy vọng tôi có thể làm tư vấn với mức lương 5.000 NDT/tháng, tôi đã đồng ý.
Là người đi trước, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, công việc này đối với tôi không khó. Cũng nhờ đó mà mỗi tháng, cộng với tiền lương hưu, thu nhập của tôi là 10.000 NDT (hơn 33 triệu đồng). Cuộc sống về già chẳng chi tiêu gì nhiều, vợ chồng tôi cũng góp được một khoản tiết kiệm kha khá, chẳng phải phụ thuộc con cái.
Giấu con trai chuyện tiền lương
Thấy mình tuy đã về hưu nhưng vẫn có thể kiếm được nhiều tiền, có mấy lần tôi định khoe điều này với bạn bè và bà con lối xóm nhưng bị vợ ngăn lại. Vợ tôi bảo rằng chuyện tiền bạc tốt nhất nên kín tiếng để tránh bị lợi dụng hay bị lừa. Nghe vợ nói vậy, tôi cũng thấy hợp lý nên quyết định giữ kín điều này.
Dẫu vậy, tôi vẫn muốn nói chuyện này với con trai để nó yên tâm. Mặt khác, vì con trai cũng đang phải chịu rất nhiều áp lực từ công việc và cuộc sống như trả khoản vay mua ô tô, công việc kinh doanh không thuận lợi… nên tôi cũng muốn giúp nó. Thế nhưng chẳng hiểu sao vợ tôi vẫn không đồng ý.
Ảnh: Toutiao
Tôi vẫn cứ nghĩ số tiền mình kiếm được nếu giao hết cho con trai, vừa có thể giải quyết các vấn đề mà con đang gặp phải, vừa khiến mối quan hệ cha con thêm khăng khít. Bởi trong thâm thâm tôi vẫn luôn hy vọng rằng cuộc sống sau này khi về già sẽ được nhờ con cái. Thế nhưng vợ tôi vẫn nhất quyết không đồng ý. Bà ấy cho rằng hai vợ chồng tự lo liệu cho bản thân vẫn tốt hơn là phải phụ thuộc vào người khác, kể cả con cái. Tôi ngẫm nghĩ, thấy vợ nói cũng có lý nên không nói gì thêm.
Một lần, khi con trai tôi về thăm, nó chợt hỏi về khoản lương hưu của tôi. Lúc tôi chưa biết trả lời thế nào thì vợ tôi đã nói “hơn 3000 NDT” (khoảng 10 triệu đồng). Tôi cười ngượng không dám nhìn con. Thấy nó lân la hỏi tiếp thì vợ tôi đã nhanh chóng lái sang câu chuyện khác, tỏ ý không muốn đề cập đến.
Sau một thời gian dài, tôi cũng quên mất chuyện này. Mãi đến Tết Nguyên đán, vợ chồng tôi không thấy gia đình con trai về họp mặt nên rất bất ngờ. Trước đây dù bận rộn thế nào, con trai tôi cũng sẽ đưa gia đình về nhà ăn tết. Thế nhưng lần này, các con không những không về mà cũng chẳng có lấy một cuộc điện thoại hỏi thăm, chúc tết cha mẹ.
Biết con trai giận dỗi chuyện cũ, đêm nào tôi cũng trằn trọng không yên. Vợ tôi thấy vậy liền an ủi, nói có lẽ con bận công việc quá nên mới không sắp xếp về thăm được. Nghe vợ nói xong, tâm trạng tôi khá lên rất nhiều. Thế nhưng vì quá nhớ con cháu, tôi nảy lên ý định đến thăm con. Tôi nhắn tin thông báo cho con trai về việc này thì thấy nó đồng ý nên rất vui mừng. Tôi cứ nghĩ mình già rồi nên hay nghĩ ngợi lung tung, thế nhưng ngày đến nhà con trai, tôi đã nhận ra sự thực đau lòng.
Bài học tuổi già
Sau khi xuống bến xe, tôi gọi điện cho con trai đến đón nhưng vì nó đang bận nên bảo chúng tôi chờ thêm. Tuy nhiên, vì trời quá nắng gắt nên chúng tôi đành bắt xe ôm để đi. Đến nơi, vợ chồng tôi thấy con dâu đang nằm trên sô pha xem TV, thấy bố mẹ chồng cũng chẳng lên tiếng chào hỏi. Chỉ mỗi cháu trai là nhiệt tình, vừa rót trà, vừa đi cất đồ cho ông bà.
Cả ngày ở nhà con trai, vợ chồng tôi cảm nhận rõ sự hời hợt đến từ phía các con. Không chỉ không ai chủ động bắt chuyện, đến bữa tối, vợ tôi còn phải vào bếp để nấu ăn vì hai con ai cũng bảo bận công việc để ra ngoài, chỉ để hai vợ chồng già chúng tôi tự lo liệu. Tối đó, tôi đi ngủ sớm. Lúc dậy đi vệ sinh thì vô tình nghe được cuộc trò chuyện giữa con trai và con dâu.
Hóa ra, việc cả hai hờ hững với chúng tôi đều là có chủ đích. Con dâu trách móc vợ chồng tôi có tiền mà không chịu giúp, đã thế còn đến làm phiền, uổng công bao lâu nay suốt ngày về thăm nom. Con trai tôi cũng hùa vào, bảo nếu cha mẹ không sẵn sàng giúp đỡ thì sau này cũng đừng trông mong bất cứ điều gì.
Nghe những lời này, tôi vừa tức giận, vừa đau lòng. Sáng sớm hôm sau, vợ chồng tôi khăn gói về nhà ngay. Lúc đầu, tôi thấy mình cũng sai khi không giúp được các con. Thế nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, tôi lại thấy vợ mình nói đúng và quyết định này giúp tôi có cơ hội nhìn rõ “tấm lòng” của các con. Đúng là cha mẹ chăm lo cho các con là điều hiển nhiên, còn chờ đợi con cái chăm sóc lại mình sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu không tự mình nghe thấy những lời các con nói ra, tôi vẫn nghĩ bấy lâu nay các con tốt với mình là vì chữ “hiếu”.
Sau sự việc này, tôi cũng nhận ra rằng cuộc sống về sau cũng chẳng thể nhờ vả con cái. Cũng may, vợ chồng tôi vẫn có một khoản tiền dự trữ kha khá cho mình. Đúng như vợ tôi đã nói, tự mình dựa vào mình vẫn tốt nhất. Suy cho cùng, không phải con cái mà chính chúng ta mới là người quyết định cuộc sống của chúng ta sau này. Nếu không muốn giao cuộc đời mình cho người khác thì bản thân mình phải chủ động ngay từ đầu.
(Theo Toutiao)