Quan niệm về hôn nhân truyền thống giờ không còn giữ nguyên được giá trị. Công thức “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng” không còn phù hợp với thời đại này. Nhiều bạn trẻ cứ nghe đến việc phải lập gia đình đều thấy “sợ”, sợ mất tự do, sợ trói buộc, sợ làm bố mẹ...trăm thứ sợ bủa vây.
Loan, 27 tuổi, khuôn mặt ưa nhìn, dáng cao ráo, công việc ổn định, sở hữu ngôi nhà nhỏ và chiếc xe 4 bánh hiệu bình dân. Loan bảo “cuộc sống của em như này cũng là mơ ước của bao người. Em tự tin vì tự chủ được cuộc sống của mình. Ngày mới 20 tuổi thì cũng nghĩ là sẽ tìm được bến đỗ bình yên nhưng sau khi trải qua vài mối tình thì ý nghĩ lập gia đình không còn tồn tại. Nhìn những đôi vợ chồng là người thân, bạn bè của mình mà thấy sợ. Ai cũng có những giây phút hạnh phúc nhưng chỉ là thời gian đầu thôi. Sau này bao thứ đè lên vai, những đôi vợ chồng đó gầm gừ nhau, làm tổn thương nhau và nhiều cặp đôi đã đường ai lấy đi”.
Sức chịu đựng, nhường nhịn của người trẻ giờ cũng không được như ông bà ta ngày xưa. Xưa ông bà, cha mẹ mình thì đặt chữ hy sinh lên hàng đầu, bản thân chịu cực cũng đành. Nhưng nay từ hy sinh không còn hiệu nghiệm bởi cuộc sống tất bật là như nhau, cả vợ và chồng đều phải đi làm kiếm tiền, con cái cũng cần cả hai chăm sóc, rồi còn ty tỷ thứ phải lo, cho con đi chơi, quan hệ nội ngoại hai bên, đối tác, bạn bè…Chính vì thế nếu cả hai không hỗ trợ và hiểu cho đối phương thì mối quan hệ hôn nhân vốn không chặt chẽ lại thêm lỏng lẻo.
Quang Anh, đẹp trai, 29 tuổi, mọi điều kiện có thừa nhưng anh vẫn chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Những cô người yêu cũ của Quang Anh ban đầu thì tỏ ra ngây thơ trong sáng nhưng sau đều lộ rõ bản chất "đào mỏ", và cũng không phải là người phụ nữ của gia đình. Ai đời, các cô gái đó không thể tự tay vào bếp nấu những món ăn ngon, hay chủ động thăm hỏi bố mẹ người yêu. Bản thân các cô chỉ biết cho riêng mình. Móng tay thì làm nhọn và dài, nhìn đống bát đũa sao dám động chân động tay. Nói chung những cô gái mà Quang Anh gặp đều có tư tưởng muốn được hưởng thụ, ngại lao động vất vả, thích một cuộc sống an nhàn, hưởng thụ, không cần tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, không coi trọng giá trị của đời sống gia đình.
Cũng theo Quang Anh, người trẻ hiện nay có nhiều cơ hội, nhiều mối quan tâm khác nhau như sự nghiệp, ước mơ, hoài bảo, trải nghiệm, du lịch... làm bớt đi nhu cầu về kết hôn hay dành thời gian cho mối quan hệ ràng buộc, cuộc sống gia đình. Một năm Quang Anh di chuyển ra khỏi Hà Nội khoảng 5 tháng dành cho công việc, còn chưa nói đến chuyện đi du lịch. Chính vì có quá nhiều thứ để trải nghiệm, hưởng thụ mà việc “kết hôn” không còn nằm trong kế hoạch của Quang Anh. Bố mẹ anh cũng không thúc giục chuyện lập gia đình bởi họ nhìn thấy con ngựa bất kham ở con trai mình khó mà có ai thuần phục. Họ chỉ mong chờ vào 1 tuổi nào đó Quang Anh tỉnh ngộ và nhận ra “đã đến lúc phải lập gia đình”.
Hiện nay, tỷ lệ đổ vỡ hôn nhân của các cặp đôi gia tăng, điều này cũng khiến cho người trẻ mất niềm tin vào hạnh phúc gia đình. Nhiều khi các đôi trẻ ly hôn chỉ vì vài lý do lãng xẹt. Cái tôi của mỗi người quá lớn, không chịu thấu cảm, không hiểu cho đối phương. Có thể nói, nhiều đôi gắn mạc làm mẹ, làm cha khi tuổi đời còn “non choẹt” nên chính bản thân họ cũng ngộp thở với những chức danh đó thành ra họ cũng là nạn nhân trong môi trường “hôn nhân”. Để đến hai người xa lạ, đến với thế giới của nhau phải đủ độ chin về nhận thức, trưởng thành và thực sự họ cần một mái ấm, thấy hạnh phúc vì được chia sẻ, được chăm sóc gia đình, yêu những đứa trẻ.
Để bước tới hai chữ “hôn nhân”, đặt bút ký cũng là lúc cả hai phải có trách nhiệm. Không những trách nhiệm với một nửa còn lại mà còn có trách nhiệm với chính bản thân mình. Mỗi người phải sống tốt với vai trò của mình: Làm vợ và làm chồng. Trong xã hội ngày nay, khi mà cả phụ nữ và nam giới cùng có những thành công nhất định ngoài xã hội thì cả vợ và chồng cần phải biết thông cảm, giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau có như vậy mới gạt bỏ được những nỗi sợ không đáng có trong bức tranh “hôn nhân”./.