Tôi và anh sống ở tỉnh lẻ, gần nhà nhau và đã yêu nhau được 2 năm. Hai đứa đều gần 30 tuổi nên gia đình bắt đầu giục cưới.
Sau 2 năm hẹn hò, tôi thấy chúng tôi khá hợp tính nhau. Cả hai đều sống giản dị, thích cuộc sống bình yên. Công việc của chúng tôi có thu nhập ở mức khá so với cuộc sống ở tỉnh.
Nếu cưới nhau, tôi sẽ sống chung với bố mẹ chồng. Nhiều lần tiếp xúc, tôi thấy họ dễ tính, cởi mở. Chúng tôi đã coi nhau như người trong nhà nên tôi gần như đã đồng ý chuyện cưới xin.
Chỉ có duy nhất một người ở nhà anh mà tôi ít gặp, đó là chị gái anh. Chị sống trên Hà Nội, đã có chồng con, công việc ổn định trên đó.
Chị ít khi về ngoại. Mỗi năm, chị chỉ về khoảng 3-4 lần nhưng mọi việc trong nhà, chị đều rất có tiếng nói, nếu không muốn nói là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Chị chồng là nỗi băn khoăn của tôi trước khi quyết định cưới. Ảnh minh họa: The Mirror
Ban đầu, tôi không để ý vì những việc đó cũng chẳng liên quan gì đến mình. Nhưng gần đây, khi nghĩ đến chuyện cưới xin nghiêm túc hơn, tôi bắt đầu quan sát kỹ mọi người trong gia đình anh.
Tôi nhận thấy, chị tham gia từ chuyện mẹ nên may áo dài màu gì cho tới chuyện có cho họ hàng vay tiền hay không. Gần đây, chị còn tham gia sâu sát vào kế hoạch đám cưới của chúng tôi.
Trước khi cưới, bố mẹ anh có nói sẽ hỗ trợ đặt cỗ bàn, phần tiền nong để chúng tôi tự thu tự chi hoàn toàn.
Điều đó có nghĩa là, chúng tôi được nhận toàn bộ tiền mừng cưới, dùng để chi trả cỗ bàn. Nếu thiếu, bố mẹ sẽ bù thêm. Thông thường, đám cưới quê tôi đều có dư.
Thế nhưng, khi kế hoạch được truyền đạt đến chị thì chị phản đối việc tổ chức cưới ở nhà như các gia đình vẫn làm. Chị bảo phải tổ chức ở nhà hàng cho sang, xịn.
Có thể nhiều cô dâu thích đám cưới đẹp, sang trọng, nhưng tôi lại nghĩ khác. Chúng tôi chỉ muốn một đám cưới giản dị và theo thông lệ, chứ không có nhu cầu phải cầu kỳ, nổi bật.
Hơn nữa, nếu tổ chức ở nhà hàng thì chi phí cao gấp đôi, trong khi ở quê không phải ai cũng có điều kiện mừng nhiều. Đám cưới bạn thân của tôi lỗ cả trăm triệu vì tổ chức ở nhà hàng.
Lấy nhau về mà phải mang nợ, phải lấy tiền tiết kiệm ra bù cho đám cưới thì tôi không muốn chút nào. Người yêu tôi cũng không thích như thế. Anh bảo cứ làm như mọi người vẫn làm.
Nhưng chị ra sức thuyết phục bố mẹ phải “văn minh lên”, có mỗi cậu con trai thì phải làm cho đàng hoàng… Ông bà bắt đầu do dự.
Không chỉ chuyện lễ lạt, chị còn góp ý cả những tiểu tiết như trang trí sân khấu, thực đơn, thậm chí cả bộ đồ chú rể,…
Tôi thấy hơi khó chịu về cách chị can thiệp nên có nói khéo với người yêu. Anh cũng à ừ rồi bảo “tính chị thế”. Từ hôm đó đến nay, hình như anh ấy cũng chưa nói lại chuyện đó với gia đình.
Gia đình tôi biết chuyện, cũng cảm thấy không thoải mái. Các chị tôi bảo đó là dấu hiệu cho viễn cảnh làm dâu của tôi không mấy tốt đẹp, nhất là khi chúng tôi lại sống cùng bố mẹ chồng.
Các chị khuyên tôi từ từ hẵng làm đám cưới, tìm một lý do nào đó để hoãn lại và quan sát thêm gia đình bên đó.
Tôi băn khoăn không biết có nên hoãn hay không. Nếu bỏ mối tình này, tôi cũng thấy tiếc những công sức, tình cảm mình đã bỏ ra.
Theo Vietnamnet