Chuyên mục  


Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm tuyến tiền liệt, một tuyến nhỏ nằm ngay dưới bàng quang ở nam giới. Tuyến tiền liệt chịu trách nhiệm sản xuất tinh dịch, vận chuyển tinh trùng và chiếm 50 đến 75% tinh dịch. Mặc dù viêm tuyến tiền liệt bắt đầu ở tuyến tiền liệt nhưng tình trạng viêm có thể lan sang khu vực xung quanh tuyến tiền liệt của nam giới.

Nam giới trên 50 tuổi là nhóm tuổi có nguy cơ mắc viêm tuyến tiền liệt cao nhất, đặc biệt là viêm tuyến tiền liệt mạn tính. Nam giới dưới 40 tuổi bị viêm tuyến tiền liệt thường là do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc các yếu tố khác.

1. Một số loại viêm tuyến tiền liệt phổ biến

viem-tuyen-tien-liet-17355465116991767108665-1735892473575-1735892473780163585342.jpg

Hình ảnh mô tả viêm tuyến tiền liệt.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn: Là loại viêm tuyến tiền liệt phổ biến nhất và thường kéo dài 3 tháng. Bất kỳ bệnh viêm tuyến tiền liệt mạn tính nào không có vi khuẩn đều thuộc loại này.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn: Là một bệnh nhiễm trùng nhẹ hơn và ít phổ biến hơn, có thể đến và đi theo thời gian. Các triệu chứng có thể tương tự như viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn: Là dạng viêm tuyến tiền liệt nghiêm trọng nhất và ít phổ biến nhất. Nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn. Nó xuất hiện đột ngột với các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, ớn lạnh và tinh dịch có máu . Loại này cần điều trị ngay lập tức.

Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng: Các bác sĩ đôi khi sẽ phát hiện ra tình trạng viêm tuyến tiền liệt khi tiến hành một cuộc kiểm tra không liên quan.

2. Triệu chứng và biến chứng của viêm tuyến tiền liệt

Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt khác nhau đối với từng loại. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm tuyến tiền liệt cấp tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng,

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn

Nam giới bị viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn thường có liên quan đến hội chứng đau vùng chậu mạn tính, đau vùng chậu tái phát… Bệnh có các triệu chứng đường tiết niệu nhưng không liên quan đến yếu tố vi khuẩn. Khi xét nghiệm không tìm ra vi khuẩn.

Người bị viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn có triệu chứng tương tự như viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn. Người bệnh bị tiểu buốt , tiểu nhiều, có tế bào mủ trong nước tiểu.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nam giới như nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, hẹp niệu đạo, bí tiểu mạn tính; Rối loạn chức năng tình dục (giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương), xuất tinh sớm hoặc đau khi xuất tinh. Viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, làm giảm khả năng di chuyển và thụ tinh của tinh trùng, dẫn đến vô sinh; viêm mào tinh hoàn …

Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị viêm tuyến tiền liệt mạn tính đều sẽ gặp tất cả các biến chứng trên. Nguy cơ biến chứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời gian mắc bệnh và việc điều trị. Việc điều trị sớm và đúng cách là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn

kham-nam-khoa-1735546681826490812977-1735892474436-17358924745611197869307.jpg

Nam giới nên đi khám ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện sớm các vấn đề về tuyến tiền liệt và các bệnh lý nam khoa khác.

Với viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn, các triệu chứng nhiễm trùng diễn ra, tái phát nhiều lần. Triệu chứng không nghiêm trọng như nhiễm trùng cấp tính, phát triển và duy trì ở mức độ nhẹ.

Các triệu chứng của loại viêm tuyến tiền liệt này thường kéo dài hơn 3 tháng, bao gồm: tiểu rát, tiểu buốt, tiểu đêm, tiểu gấp, đau bụng dưới, đau lưng dưới, đau tinh hoàn hoặc dương vật, đau bàng quang, đau khi xuất tinh…

Biến chứng tại chỗ (liên quan đến hệ tiết niệu và sinh dục ) như nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh, áp xe tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo; Rối loạn chức năng tình dục và gây vô sinh. Trong những trường hợp rất hiếm gặp, nhiễm trùng từ tuyến tiền liệt có thể lan vào máu, gây nhiễm trùng huyết, một tình trạng đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống như đau mạn tính vùng chậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, giấc ngủ, công việc và lo âu trầm cảm…

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn

Nam giới bị viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nguyên nhân vi khuẩn thường có các triệu chứng đột ngột, nghiêm trọng. Người bệnh có biểu hiện nóng rát, đau buốt khi đi tiểu, đau bụng, buồn nôn, ói mửa, nhức người, mỏi cơ, ớn lạnh, sốt… Người bệnh có thể ngửi thấy mùi khó chịu hoặc thấy máu trong nước tiểu, tinh dịch.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm tuyến tiền liệt cấp tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như áp xe tuyến tiền liệt (túi mủ trong tuyến tiền liệt); nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu); viêm mào tinh hoàn; viêm tuyến tiền liệt mạn tính.

Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng và đi khám để được chẩn đoán điều trị kịp thời là rất quan trọng để điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng.

Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng

Mặc dù không gây ra triệu chứng ngay lập tức, viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng nếu không được điều trị vẫn có thể gây ra những biến chứng tiềm ẩn và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của nam giới về khả năng sinh sản, chất lượng tinh trùng; Tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu hoặc chuyển sang viêm tuyến tiền liệt mạn tính có triệu chứng khiến việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và kéo dài hơn.

Các biến chứng khác có thể ít gặp hơn là viêm mào tinh hoàn, áp xe tuyến tiền liệt… Do đó, việc điều trị viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng là cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

3. Phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt

Phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt là một việc quan trọng giúp nam giới duy trì sức khỏe tuyến tiền liệt và giảm nguy cơ mắc bệnh. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ nhưng việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa có thể giúp giảm thiểu đáng kể khả năng mắc bệnh:

Vệ sinh bộ phận sinh dục hàng ngày: Vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng nước sạch và xà phòng nhẹ, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục hoặc vận động mạnh. Sau khi vệ sinh, lau khô vùng kín bằng khăn sạch và mặc quần áo thoáng mát, chất liệu cotton để tránh ẩm ướt, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt: Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày giúp tăng cường đào thải độc tố và vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Chế độ ăn uống cân bằng với nhiều rau xanh, trái cây…

Tập thể dục thường xuyên: Vận động thể chất đều đặn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện lưu thông máu đến vùng chậu và tăng cường hệ miễn dịch. Tránh ngồi lâu để tăng lưu thông máu.

Không nhịn tiểu: Nhịn tiểu thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang và tuyến tiền liệt.

Quan hệ tình dục an toàn: Quan hệ tình dục chung thủy một vợ một chồng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục , một trong những nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Khám nam khoa định kỳ: Nên khám nam khoa ít nhất mỗi năm một lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm các vấn đề về tuyến tiền liệt và các bệnh lý nam khoa khác.

Khám ngay khi có triệu chứng bất thường: Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ là viêm tuyến tiền liệt, như đau vùng chậu, tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt , rối loạn chức năng tình dục, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020