Chuyên mục  


Katheryn Gronauer hiện là chuyên viên tư vấn sức khỏe được chứng nhận bởi Viện Dinh dưỡng Tích hợp của Mỹ. Bằng kinh nghiệm giảm 18 kg của bản thân, Katheryn đã xuất bản cuốn sách Confessions of a Yo-yo Dieter và cộng tác cùng nhiều tạp chí phụ nữ trong lĩnh vực làm đẹp như Women's Health, JapanToday, Savvy.

Katheryn Gronauer có mẹ là người Nhật Bản, bố là người Mỹ.

Katheryn từng có thời gian không mấy tự tin vào vóc dáng nên cô đã thử nhiều cách ăn kiêng để giảm cân: "Tôi nhớ những ngày đầu chuyển đến căn hộ tại Tokyo. Chiều cao cửa thấp, hành lang hẹp và tôi lại khá cao so với phần lớn phụ nữ Nhật Bản đứng trước tôi mỗi khi xếp hàng đi tàu điện ngầm. Tôi ý thức về vóc dáng của mình nên ăn kiêng vô số lần trước khi chuyển đến Nhật định cư. Tôi thử mọi cách từ đếm calo đến ăn nhiều salad. Tôi cũng tập luyện 1-2 tiếng mỗi ngày nhưng cân nặng gần như không thay đổi. Tôi cũng cảm thấy lạc lõng mỗi khi bước vào các shop quần áo ở Tokyo khi hầu hết đều gắn mác freesize. Tôi gần như chỉ có thể chọn mua trang sức, giày dép, và phải tìm đến các chuỗi hàng quốc tế để tìm quần áo vừa cỡ cơ thể", nữ biên tập viên cho biết.

Chuyển đến sống tại Tokyo, Katheryn thắc mắc không hiểu vì lý do gì mà phụ nữ Nhật ai trông cũng gọn gàng, thon thả trong khi họ ăn nhiều loại tinh bột từ cơm gạo, mì, bánh... hàng ngày. Katheryn cũng thú nhận hiếm khi thấy phụ nữ Nhật mặc đồ tập đi lại với bình nước trên tay giống như những gì cô thường thấy khi còn sống ở New York: "Họ dường như giữ dáng chỉ bằng cách đi dạo quanh thành phố, tập yoga thay vì tập gym cường độ cao như cách phụ nữ Mỹ vẫn làm". Sau thời gian quan sát cũng như hòa nhập với nhịp sống của Tokyo, Katheryn phát hiện ra 3 quy tắc sau đây và cũng chính nhờ những điều này, cô đã giảm được 18 kg.

Thích nghi với khí hậu

Katheryn từng thấy khó hiểu khi nhận được lời khuyên cần giữ ẩm cơ thể lúc mới nghiên cứu về dinh dưỡng. Cô không nhìn nhận được sự liên hệ của 2 vấn đề này với nhau cho đến khi làm một phép so sánh nhỏ giữa chế độ ăn của phương Tây và Nhật Bản.

Katheryn từng thắc mắc sự liên quan giữa chế độ ăn và khí hậu.

"Ở Mỹ, mọi người tập trung nhiều vào tỷ lệ dinh dưỡng trong thực phẩm nhưng không quá chú trọng cách chế biến. Bạn sẽ thấy nhiều nước phương Tây khuyến khích ăn thực phẩm sống, salad và nước rau củ quả bởi hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng những thứ này lại không phổ biến ở Nhật. Thay vào đó, người Nhật nấu chín phần lớn thực phẩm và kết hợp với các loại hương liệu như gừng, miso... giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn, tăng cường tuần hoàn máu. Họ cũng điều chỉnh thực đơn cho phù hợp với các loại rau củ quả theo mùa, không chỉ vì đấy là thời điểm thực phẩm tươi ngon mà còn để cơ thể thích nghi với khí hậu. Thực phẩm thô giàu dinh dưỡng nhưng nó cũng có nhược điểm là khó hấp thụ và điều quan trọng ở đây là bạn hấp thụ được bao nhiêu dinh dưỡng từ những thứ bạn ăn chứ không phải tiêu thụ được bao nhiêu dinh dưỡng từ việc ăn. Vì vậy để đảm bảo thức ăn được tiêu hóa và duy trì hệ tuần hoàn máu khỏe mạnh, bạn cần giữ ấm và cân bằng cơ thể. Thực phẩm ấm nóng nên được bổ sung vào mùa đông, trong khi các loại đồ sống nên được tiêu thụ vào những tháng hè nhằm làm mát cơ thể".

Tắm như người Nhật

Tắm bồn đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ mặt trời mọc và nó cũng phổ biến hơn so với tắm vòi sen. Katheryn khẳng định việc tắm cũng góp phần giúp người Nhật giữ gìn vóc dáng, thậm chí là giảm cân.

"Ở Nhật, phụ nữ thường tắm nửa chừng tức là họ chỉ đổ nước cao đến ngang ngực và ngâm mình trong đó khoảng 20 phút với nhiệt độ nước dao động trong khoảng 38 - 42 độ C. Hóa ra, tắm có thể giúp đốt cháy calo ngang với nửa giờ đi bộ. Nó góp phần làm giảm lượng đường huyết, giảm tình trạng viêm nhiễm của cơ thể và giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn. Tất cả những điều này hỗ trợ bạn giảm cân và cân bằng cơ thể", Katheryn chia sẻ.

Tập thể dục nhẹ nhàng vẫn có thể giảm cân

Trong vài tháng đầu ở Tokyo, Katheryn nhận thấy cân nặng giảm nhưng không hiểu tại sao vì thực tế cô không dành nhiều thời gian thể dục như khi còn ở Mỹ.

Katheryn hình thành thói quen đi bộ khi chuyển đến sống tại Tokyo.

"Thay vì đến phòng tập hầu như mỗi ngày với 1-2 tiếng tập luyện cường độ cao, đổ mồ hôi nhễ nhại... tôi chỉ đi bộ để chạy việc vặt. Khi bạn tập luyện cường độ cao, cơ thể sẽ tận dụng năng lượng từ bữa ăn cuối cùng. Không chỉ vậy, khi bạn kết thúc buổi tập nặng, cơ thể muốn nhanh chóng bổ sung năng lượng. Bởi vậy, bạn có thể cảm thấy đói sau một buổi tập khó và cũng thèm đường hơn so với khi tập luyện nhẹ nhàng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc đi bộ, vươn vai và yoga lại có thể khiến cơ thể tôi gọn gàng hơn. Thông thường, người ta tin rằng nếu muốn giảm cân, bạn cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tập luyện để gặt hái thành quả. Nhưng thay vào đó bạn hoàn toàn có thể thực hiện các bài tập tĩnh tâm để giảm căng thẳng có thể khiến bạn sử dụng chất béo trong cơ thể làm nhiên liệu. Điều đó có nghĩa là kết quả tốt hơn với ít nỗ lực hơn", tác giả sách người Mỹ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.

Duk Sun (Theo Savvy Tokyo)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020